(ĐCSVN) - Nhận thức sâu sắc vị thế là Thủ đô, trái tim của cả nước, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Hà Nội đã và đang kiên trì, quyết liệt và nhất quán thực hiện mục tiêu đã đề ra. Thành phố triển khai đồng bộ các biện pháp, lấy hiệu quả phòng, chống dịch bệnh COVID-19 làm cơ sở, tiền đề để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng...
Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương coi chống dịch như chống giặc, bảo vệ sức khoẻ và an toàn tính mạng của người dân là trên hết, trước hết, Hà Nội cũng không tránh khỏi thiệt hại về kinh tế do phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trong 2/3 tháng của quý III. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý III ước tính giảm 7,02%.
Tuy nhiên, ngoài khoảng thời gian khó khăn của quý III, nhìn tổng thể, nhờ áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch linh hoạt theo mức độ dịch bệnh, Hà Nội vẫn duy trì tăng trưởng kinh tế. Trong đó, mặc dù nổ ra đợt dịch thứ tư, nhưng GRDP quý II của thành phố vẫn tăng 6,61%, cao hơn quý trước (quý I tăng 5,17%), góp phần thúc đẩy chung tăng trưởng chung 6 tháng đạt 5,91%, cao hơn mức chung của cả nước (5,64%). Tăng tưởng GRDP 9 tháng của thành phố đạt 1,28%.
Nhưng nếu không “nới lỏng” đúng lúc, cơ hội phục hồi kinh tế qua đi sẽ tác động tiêu cực đến sự vận hành của xã hội và cuộc sống của người dân. Đứng trước quyết định “cân não” đó, ngày 16/9, Hà Nội đã từng bước nới lỏng một số hoạt động để vừa bảo đảm phòng, chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế xã hội. Nhưng lãnh đạo thành phố xác định rủi ro còn rất lớn vì tỷ lệ người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm 2 mũi vắc xin còn thấp. Trong khi nguy cơ phát sinh ca mắc mới, dịch có thể bùng phát trở lại bất cứ khi nào mà trường hợp xảy ra tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là ví dụ.
Vì vậy, chủ trương của thành phố là an toàn đến đâu mở ra đến đó; vừa mở, vừa thăm dò, đánh giá, không mở ồ ạt. Chống dịch để sản xuất và sản xuất để phục vụ chống dịch và khôi phục, phát triển nền kinh tế.
Để đạt được mục tiêu đó, Thường trực Thành ủy Hà Nội giao nhiệm vụ cho các cơ quan chính quyền chỉ đạo triển khai quyết liệt biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; gắn trách nhiệm của các chủ doanh nghiệp trong việc bảo đảm an toàn phòng, chống dịch; thường xuyên kiểm tra đôn đốc việc thực hiện của các doanh nghiệp, kiên quyết yêu cầu dừng hoạt động nếu để xảy ra ca F0 và không bảo đảm an toàn.
Cụ thể chỉ đạo này, ngay sau khi trở thành “vùng xanh”, nhiều quận, huyện đã cho phép các công trình, dự án trọng điểm thi công trở lại. Tại huyện Hoài Đức, nhiều công trình phải tạm dừng thi công từ cuối tháng 7/2021. Đầu tháng 9/2021, sau khi trở thành “vùng xanh” của thành phố, huyện đã “phục hồi” tiến độ thi công các công trình xây dựng. Theo Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án huyện Hoài Đức Nguyễn Đình Nam, huyện đã phê duyệt 32/45 phương án thi công bảo đảm an toàn phòng, chống dịch; các đơn vị cũng đã triển khai thi công từ giữa tháng 9/2021.
Là huyện có hơn 700 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các cụm công nghiệp, Thường Tín đang khẩn trương xây dựng các phương án khôi phục sản xuất cho từng địa bàn. Chủ tịch UBND huyện Kiều Xuân Huy nhấn mạnh: Để bảo đảm hoạt động, các doanh nghiệp đều có phương án phòng, chống dịch cụ thể. Với những doanh nghiệp có nguy cơ cao, huyện yêu cầu xây dựng phương án phòng, chống dịch ở mức cao hơn, nhất là doanh nghiệp vận chuyển và giao nhận hàng hóa tại tỉnh khác đến. Một số doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” dù gặp khó khăn nhưng là biện pháp cần thiết trong thời điểm này để duy trì sản xuất, không bị đứt gãy vì dịch bệnh.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kiếm tra công tác duy trì sản xuất và phòng, chống dịch COVID-19 tại Công ty TNHH Osco International (Cụm công nghiệp Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức).
Ông Nguyễn Cảnh Hồng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Eurowindow, khu công nghiệp Quang Minh chia sẻ, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, ước tính hết quý III/2021, Công ty mới hoàn thành hơn 53% kế hoạch doanh số cả năm.Tuy nhiên, theo ông Hồng, với quyết tâm biến thách thức thành cơ hội, Công ty đã chủ động lên kế hoạch ứng phó để vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, vừa linh hoạt thay đổi cách thức làm việc; thực hiện nghiêm thông điệp "5K", áp dụng làm việc trực tuyến với khối văn phòng và thực hiện nghiêm ngặt "1 cung đường, 2 điểm đến" và "3 tại chỗ" trong các nhà máy; khẩn trương tiêm phủ vắc xin phòng, chống COVID-19 cho 100% nhân viên… Năm 2021, công ty dự kiến nộp ngân sách hơn 135,2 tỷ đồng.
Tương tự, các hoạt động kinh tế - xã hội tại một số các quận, huyện, thị xã bắt đầu sôi động trở lại. Những ngày này, trên những cánh đồng ở các huyện Mê Linh, Thạch Thất, Phúc Thọ… tấp nập nông dân ra chăm sóc, thu hoạch hoa, rau màu. Người dân ai nấy đều phấn khởi khi được trở lại trạng thái bình thường mới, đi làm đồng nhưng luôn tuân thủ đeo khẩu trang, không tập trung đông người kèm theo nước sát khuẩn…
Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng khẳng định: Hà Nội sẽ đi từng bước chắc chắn để thiết lập trạng thái từ “không COVID” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh để phục hồi và phát triển kinh tế. Đó là mối quan tâm hàng đầu, có ý nghĩa quyết định, sống còn. Ngay trong lúc thực hiện giãn cách xã hội, thành phố đã bổ sung 500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách năm 2021 ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố để cho vay đối với người lao động có nhu cầu để phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh...
Hà Nội đã chủ động xây dựng các kịch bản tăng trưởng tương ứng với mức độ dịch bệnh COVID-19 trên tinh thần là giảm mức độ ảnh hưởng của đại dịch. Ngay tại kỳ họp thứ 2 HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026, UBND thành phố đã xây dựng kế hoạch điều hành kinh tế - xã hội theo 2 kịch bản trong quý III và quý IV/2021, tuy nhiên sẽ phấn đấu đạt kịch bản cơ sở là quý IV đạt tăng trưởng 6,98% và cả năm đạt 4,54%.
Để đạt mục tiêu đó, Thành uỷ đã ban hành nghị quyết chỉ đạo về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 – 2025 của thành phố Hà Nội; nghị quyết về chủ trương triển khai đầu tư Dự án xây dựng tuyến đường Vành đai 4. Đây là những quyết sách chiến lược, lâu dài nhằm tạo động lực phát triển cho Thủ đô. Trong đó, tuyến đường Vành đai 4 khi hoàn thành không chỉ góp phần giảm ùn tắc giao thông, mở rộng không gian phát triển cho thành phố, kéo giãn mật độ dân cư nội đô, mà còn phát triển kinh tế đô thị và nông thôn, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực hai bên tuyến đường...
Thành uỷ Hà Nội đã ban hành nghị quyết chỉ đạo về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 – 2025 của thành phố Hà Nội; nghị quyết về chủ trương triển khai đầu tư Dự án xây dựng tuyến đường Vành đai 4.
Bên cạnh đó, Thành ủy đã thành lập Ban chỉ đạo cải tạo chung cư cũ với quyết tâm vừa chỉnh trang diện mạo đô thị, vừa bảo vệ an toàn, nâng cao điều kiện sống cho người dân. Đến nay, vướng mắc về cơ chế đã được giải quyết, thành phố sẽ cố gắng để khởi công một số dự án ngay trong năm 2022.
Song song với các biện pháp đồng bộ, toàn diện, lãnh đạo thành phố Hà Nội xác định, cùng với người dân, các doanh nghiệp sẽ thực sự là chủ thể, là trung tâm trong phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội; có phương án sản xuất an toàn; an toàn để sản xuất, sản xuất phải bảo đảm an toàn. Và nhiệm nhiệm vụ quan trọng này đòi hỏi sự hợp tác của từng người dân và mỗi tổ chức, doanh nghiệp, bởi chỉ một chút lơ là, những thành quả của hệ thống chính trị và Nhân dân sẽ mất.
Cùng với đó, Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng đã giao cho Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo thường xuyên gặp gỡ doanh nghiệp ghi nhận các kiến nghị, đề xuất để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, rà soát cắt giảm các thủ tục hành chính, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà doanh nghiệp. Thành phố khuyến khích các doanh nghiệp chủ động có phương án thích ứng với dịch bệnh, chuyển đổi số, tổ chức lại sản xuất kinh doanh bảo đảm vừa sản xuất vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.
Hà Nội sẽ đi từng bước chắc chắn để thiết lập trạng thái từ “không COVID” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh để phục hồi và phát triển kinh tế.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan cho biết, đơn vị đang cùng Sở Kế hoạch – Đầu tư đang khẩn trương xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế trong lĩnh vực công thương. Với ngành công nghiệp, sở sẽ phối hợp với các sở ngành, quận huyện đôn đốc triển khai xây dựng 43 cụm công nghiệp (phấn đấu khởi công 20 dự án trong năm nay); tập trung hỗ trợ 250-300 doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; công nhận 30 sản phẩm chủ lực; hỗ trợ làng nghề tìm kiếm thị trường; triển khai các chương trình khuyến công đã được phê duyệt... Sở cũng sẽ tiếp tục đảm bảo hàng hóa cho chống dịch trong trạng thái mới; đảm bảo nguồn cung, sản xuất vụ đông; triển khai các sự kiện kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn các doanh nghiệp xuất khẩu, FDI trên địa bàn…
Để hoàn thành ở mức cao nhất mục tiêu tăng trưởng năm 2021, UBND Thành phố yêu cầu các sở ngành, quận, huyện, thị xã khẩn trương hướng dẫn tiêu chí sản xuất, kinh doanh thích ứng an toàn với dịch bệnh; Xây dựng và thực hiện kế hoạch phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh trong ngành, lĩnh vực, khu, cụm công nghiệp; Đẩy mạnh các hoạt động thương mại, dịch vụ, hoạt động logistics; kích cầu tiêu dùng, quảng bá, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; đẩy mạnh thương mại điện tử; bình ổn thị trường... Tạo điều kiện tối đa cho hoạt động lưu thông hàng hóa đảm bảo thông suốt và tuân thủ đúng quy định về kiểm soát dịch. Đồng thời tiếp tục kêu gọi đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp và thúc đẩy hoạt động sản xuất trong khu gắn với đảm bảo an toàn dịch bệnh…
“Thành phố nhất quán tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách để hỗ trợ, duy trì, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội không để gián đoạn sản xuất, triệt để tiết kiệm chi ngân sách, nhất là chi thường xuyên để bảo đảm đầy đủ nguồn lực cho phòng, chống dịch bệnh. Tất cả những nỗ lực và giải pháp trên nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, duy trì môi trường lao động, sản xuất an toàn cho doanh nghiệp trong bối cảnh tác động của đại dịch chưa biết khi nào mới chấm dứt” – Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết.
Các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội đi thăm, động viên hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Khu công nghiệp Quang Minh.
Mặc dù sẽ rất khó khăn, nhưng Hà Nội ý thức rõ về vai trò, vị trí quan trọng là trái tim của cả nước, trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước; là nơi đặt trụ sở của các cơ quan trung ương của Đảng và Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế và là nơi diễn ra các hoạt động đối nội, đối ngoại quan trọng nhất của đất nước. Hà Nội sẽ nỗ lực để biến nguy thành cơ, phát huy tiềm năng, thế mạnh nhất là về nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển; giữ vững thành quả chống dịch để tạo sức hút đầu tư trong và ngoài nước, nhanh chóng phục hồi kinh tế.
Trong hành trình này, nội lực của Hà Nội là chủ yếu, nhưng không thể thiếu sự hỗ trợ của Trung ương, sự chung sức, đồng lòng của Nhân dân./.