LTS: Những ngày gần đây, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có những chuyển biến tích cực. Số ca bệnh trong cộng đồng đã giảm, trong đó có những ngày không có ca mắc mới, tại các khu phong tỏa, cách ly cũng giảm sâu so với trước đó. Kết quả đó có được là nhờ tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Hà Nội đã chia ra các giai đoạn khác nhau và đã giành được những kết quả bước đầu. Điều này tiếp thêm niềm tin và khẳng định những giải pháp trong công tác phòng, chống đại dịch đã và đang đi đúng hướng, góp phần quan trọng vào thành quả phòng, chống dịch của cả nước.

Có thể nói, việc khống chế, từng bước đẩy lùi dịch bệnh để lại nhiều bài học quý về công tác thống nhất tư tưởng, hành động, vấn đề đoàn kết nhân dân… tạo động lực mạnh mẽ để thực hiện thành công các nhiệm vụ chính trị, xã hội quan trọng của Thủ đô. Cùng Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đi tìm câu trả lời trong loạt bài:" Hà Nội đang "chiến đấu" với đại dịch COVID-19 như thế nào?"

(ĐCSVN) - Sau 4 lần giãn cách xã hội để phòng chống “giặc” COVID-19, bài học kinh nghiệm giúp Hà Nội khống chế dịch thành công, không để bùng phát mạnh chính là dựa vào dân, huy động được sức dân, dân thực sự là chủ thể tham gia chống dịch. Và để thành công thì cán bộ phải đi trước, làm gương.

 
Tháng 7/2021, Phúc La là địa phương xây dựng những “vùng xanh” đầu tiên của quận Hà Đông. Phó Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố Yên Phúc, phường Phúc La Đỗ Đăng Ninh cho biết, ban đầu, tổ dân phố Yên Phúc chỉ có 20 người tham gia các tổ COVID-19 cộng đồng, ứng trực tại các chốt kiểm soát “vùng xanh” từ 7h đến 22h. Qua vận động, tuyên truyền của cán bộ cơ sở, đã có 50 người dân tình nguyện tham gia bảo vệ “vùng xanh” chia làm 4 ca, giữ nghiêm kỷ luật giãn cách xã hội, đến nay không phát sinh ca F0.

Sự chung tay, vào cuộc của cán bộ, nhân dân không chỉ ở tổ dân phố Yên Phúc mà dàn đều ở cả 19 tổ dân phố với 40 chốt trực trong phường. Bí thư Đảng ủy phường Phúc La Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, kết quả đó chính là nhờ sự tham gia tích cực của những cán bộ cơ sở, đặc biệt là các bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân vận tại khu dân cư đã khiến người dân cảm phục và tình nguyện làm theo.

Tại quận Long Biên, Bí thư chi bộ 11, phường Việt Hưng Vũ Quang Đạo bộc bạch, thành công của công tác phòng chống dịch trên địa bàn đến thời điểm này chính là biết phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, trong đó điều quan trọng nhất là cán bộ gương mẫu, trách nhiệm còn Nhân dân đồng lòng ủng hội mọi mặt. “Trong “cuộc chiến” này, chúng tôi luôn nói cho bà con hiểu thực chất tình hình để thống nhất hành động và tổ chức chặt chẽ các chốt kiểm soát. Cụ thể, chúng tôi luôn nói rõ với bà con: Đây là cuộc chiến để bảo vệ bản thân mình. Dịch không tự nhiên có ở nơi ta đang sống, mà do con người đem nó từ vùng có dịch về. Mỗi cá thể, mỗi gia đình, ngõ ngách phải tự giữ cho mình thì cả tổ không có người dương tính với COVID-19. Nhưng nếu có một người bị nhiễm thì phút chốc sẽ lây lan ra toàn bộ, phải tiêu tốn đến kiệt quệ sức người, sức của… Nhờ sự quán triệt cụ thể và rõ ràng mà bà con dân phố tổ 11 đã thấy rõ trách nhiệm cá nhân trong phòng, chống dịch, đồng lòng và tự giác vào cuộc…” – ông Vũ Quang Đạo cho biết.


Tới nay, toàn thành phố Hà Nội đã thành lập gần 26.000 tổ COVID-19 cộng đồng, phủ khắp 579 phường, xã, thị trấn.  

 
 
Trong khi đó, Bí thư Chi bộ khu 9, phường Mai Động, quận Hoàng Mai Nguyễn Văn Vo kể về sự chung tay, quyết tâm chống dịch của người dân mỗi gia đình, con ngõ ở “vùng xanh” đầu tiên tại Thủ đô với những cách làm sáng tạo: Như hội phụ nữ đi chợ hộ, thanh niên nhận hàng ship hộ… để mọi người yên tâm ở nhà. Và chính từ hiệu quả mô hình “vùng xanh” của quận Hoàng Mai đã được Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng biểu dương, đồng thời chỉ đạo nhanh chóng tổ chức phổ biến ở địa bàn dân cư.

Từng là Trưởng Phòng Nội vụ của quận Long Biên, am hiểu địa bàn, hiểu về công tác cán bộ cơ sở, nay để phòng chống dịch, chị Vũ Thị Thành được Quận ủy luân chuyển làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận. Chị Thành tâm niệm, vai trò của Nhân dân rất quan trọng. Chính quyền đưa ra chính sách đúng nhưng để thành công phải dựa vào dân. Vì vậy, chị Thành đã "3 cùng" với các cán bộ phong trào để thực hiện nhiều cách làm hay, lan tỏa sâu rộng trong quần chúng Nhân dân như: Phong trào "Thuê phòng trọ", "Bữa xôi sáng", "Cơm tình thương" của phường Phúc Lợi; "Đi chợ giúp dân" của phường Thạch Bàn... Quận Long Biên trở thành một trong những điển hình về phong trào vận động Nhân dân phòng, chống dịch.

Chưa hết, khi dịch bùng phát tại phường Chương Dương, Ban Thường vụ Quận ủy Hoàn Kiếm đã họp khẩn trong đêm, quyết định một việc chưa có trong tiền lệ, là phân công một thành viên Ban Thường vụ và là Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận, về “3 cùng” với phường, ngay tại địa bàn vùng dịch. Nhiệm vụ của cán bộ này là chủ động thay mặt quận chỉ đạo, ăn ở, sinh hoạt ngay tại địa bàn vùng dịch. Mọi điều hành hằng ngày đều được giao cho cán bộ này quyết định, trừ những việc khó và đặc biệt quan trọng sẽ báo cáo gấp qua điện thoại cho Ban Thường vụ Quận ủy và UBND quận.

Bà Nguyễn Phương Hoa, cư dân tổ Hồng Hà cho hay, Nhân dân rất cảm động bởi sự quan tâm, lo lắng và vì Nhân dân của chính quyền phường Chương Dương và quận Hoàn Kiếm. Ví dụ như việc mua mớ rau cũng được lãnh đạo quận trả lời trên nhóm Zalo, vì vậy, chúng tôi rất yên tâm để ở yên trong nhà trong lúc dịch bệnh hoành hành.

Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Anh Quân, người trực tiếp “ba cùng” với Nhân dân trong khu cách ly phường Chương Dương chia sẻ, những ngày đầu áp dụng quyết định cách ly y tế, không ít người dân hoảng loạn, tâm lý hoang mang. Đây lại là địa bàn phức tạp, dày đặc dân cư… Chính sự sâu sát cơ sở của cả hệ thống đã thúc đẩy người dân cùng vào cuộc và đến nay ổ dịch đã được khống chế thành công. Yếu tố để thành công khống chế dịch đầu tiên phải nhờ vào Nhân dân có ý thức ở yên trong nhà. Bên cạnh đó, chính quyền phải kịp thời làm cho người dân có tâm lý vững tin nhất.




Không chỉ cán bộ cấp sở mà tại Hà Nội, từ đồng chí Bí thư Thành ủy đến các đồng chí trong Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy đều thường xuyên sâu sát cơ sở, có mặt tại từng “điểm nóng” về dịch bệnh để nắm bắt tình hình và chỉ đạo, quyết đáp ngay những vướng mắc. Các đồng chí lãnh đạo cao nhất của thành phố đã rất nhiều lần vào tận tâm các ổ dịch để nắm bắt tình hình, từ đó đã đưa ra các quyết định chỉ đạo sát sao, thực tế nhất. Tinh thần ấy đã lan tỏa từ thành phố đến cơ sở, các sở chỉ huy từ quận, huyện đến xã, phường.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài nhìn nhận, Hà Nội đã chỉ đạo quyết liệt, có sự thống nhất, thông suốt trên, dưới như một trong phòng, chống dịch COVID-19. Việc lãnh đạo thành phố đi kiểm tra tận nơi, xem xét các vấn đề cụ thể từng địa bàn đã tác động rất mạnh tới hệ thống chính trị ở cơ sở, tạo thành sự thống nhất trong cả hệ thống chính trị với tinh thần bao trùm là: “Chống dịch như chống giặc”, coi phòng, chống dịch là nhiệm vụ ưu tiên số 1.

 

Có thể nói, trải qua bốn lần bùng phát dịch COVID-19, thành phố Hà Nội tiêu hao rất lớn cả về sức người và sức của. Trong lúc gian nan, khó khăn, người dân Thủ đô như những cánh tay nối dài của chính quyền trong cuộc chiến chống "giặc” COVID-19.

Không chỉ cán bộ cấp sở mà tại Hà Nội, từ đồng chí Bí thư Thành ủy đến các đồng chí trong Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy đều thường xuyên sâu sát cơ sở, có mặt tại từng “điểm nóng” về dịch bệnh để nắm bắt tình hình và chỉ đạo, quyết đáp ngay những vướng mắc


Trong lời kêu gọi nhân dân Thủ đô tham gia phòng, chống COVID-19, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định: Trong lúc khó khăn, người dân Hà Nội luôn biết phát huy những truyền thống quý báu, phẩm chất tốt đẹp, cao cả của người Tràng An để chung sức, chung lòng gánh vác cùng Đảng bộ, chính quyền Thủ đô.

Đúng thế! Trong thời điểm thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trên toàn địa bàn Hà Nội, với sự chung tay, góp sức của Nhân dân, nhiều mô hình tự quản, “vùng xanh” an toàn… ngày càng được mở rộng và giữ vững.

Theo thống kê của Ban Dân vận Huyện ủy Ba Vì, ngay đầu tháng 8/2021, toàn huyện đã có trên 1.800 mô hình tự quản được thành lập với trên 73.000 hộ gia đình tham gia. Với phương châm phát huy sức mạnh toàn dân trong việc triển khai mô hình tự quản tại thôn, xóm, quyết tâm bảo vệ vùng xanh, cấp ủy chi bộ thôn Muỗi, xã Yên Bài, huyện Ba Vì đã triển khai kế hoạch thiết lập “vùng xanh” an toàn cho 6 khu dân cư tự quản của thôn, lập các chốt kiểm soát 24/24h tại xóm với các quy định cụ thể như không cho người lạ tự ý đi vào khu dân cư và hạn chế người từ trong ra khi không có việc cần thiết. Cấp ủy chi bộ thôn cũng đã thống nhất giao cho tổ COVID-19 cộng đồng của thôn làm nòng cốt, trên cơ sở đó tập hợp, huy động người dân tham gia lập chốt, bố trí trực bảo vệ 24/24h; tuyên truyền, vận động để mỗi người dân thực sự là một “chiến sĩ”, mỗi gia đình là một “pháo đài” chống dịch…

Tại quận Tây Hồ, Bí thư Quận ủy Lê Thị Thu Hằng thông tin, việc triển khai “vùng xanh” an toàn trên địa bàn quận Tây Hồ là nét mới, sáng tạo gắn với văn hóa người Hà Nội, gắn liền với phong trào xây dựng các tổ dân phố an toàn, khu dân cư an toàn chung tay đẩy lùi COVID-19. Quận cũng đã lựa chọn ba phường Yên Phụ, Bưởi, Thụy Khuê là phường điểm thực hiện, từ đó rút kinh nghiệm triển khai đồng bộ tại 8 phường còn lại. Đến nay, 8/8 phường đã xây dựng và triển khai mô hình “Tổ dân phố xanh an toàn”, “chung cư xanh an toàn” với 266 "vùng xanh" an toàn tương ứng với 266 chốt trực.

Tương tự, để bảo vệ vùng xanh, phường Gia Thụy, Long Biên đã chủ động triển khai những mô hình, cách làm mới để mang lại hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch. Tiêu biểu như mô hình kết nghĩa giữa các tổ dân phố để tăng cường đoàn kết, gắn bó, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau không chỉ trong phòng chống dịch mà còn giúp nhau khắc phục khó khăn, cùng nhau phát triển; mô hình "gian hàng 0 đồng" với sự tham gia của các nhà hảo tâm, trực tiếp trao các suất quà hỗ trợ đến người dân; mô hình tự quản bảo vệ “vùng xanh” an toàn, mô hình hội viên phụ nữ đi chợ giúp dân, nấu các suất ăn hỗ trợ lực lượng tại các chốt kiểm soát.

Các chốt kiểm soát việc đi lại của người góp phần bảo vệ an toàn cho chính người dân. 


Đó còn là mô hình phát “thẻ hồng” kiểm soát việc đi lại của người tạm trú trên địa bàn có đông công nhân ở tổ dân cư số 4 thị trấn Chi Đông, huyện Mê Linh với quan điểm: “Người dân bảo vệ an toàn cho chính người dân; mô hình “Gia đình an toàn COVID-19” của quận Hai Bà Trưng đã được Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội yêu cầu nhân rộng ra toàn thành phố… Hay với sự vào cuộc tích cực của hệ thống chính trị ở cơ sở đã giúp các quận, huyện, thị xã: Phúc Thọ, Long Biên, Tây Hồ, Đan Phượng, Nam Từ Liêm, Hoài Đức… ngày càng có thêm nhiều “vùng xanh”.

Đó còn là những câu chuyện ở cơ sở, như: Mô hình “chuẩn bị 3 trước”, phong tỏa 3 lớp ở Đông Anh; vùng xanh ở Mai Động (Hoàng Mai); phòng chống dịch khép kín ở Bạch Đằng, Hai Bà Trưng; cung ứng thực phẩm tại nhà ở Chương Dương (Hoàn Kiếm); siêu thị mini 0 đồng ở Đức Thắng, Bắc Từ Liêm… đã được báo chí nhắc đến khá nhiều, hực sự đã tạo hiệu ứng lan tỏa, tăng thêm sức mạnh cho thành phố.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, Hà Nội có rất nhiều mô hình hay từ cơ sở. Sự chỉ đạo xuyên suốt từ Thành phố xuống cơ sở không có sự gián đoạn, khúc mắc. Trong công tác phòng chống dịch, các cấp đã thống nhất quan điểm: Phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đặc biệt là cơ sở. Thực tế đã minh chứng điều đó. “Trong mọi lúc, việc phát huy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở, vai trò của người dân là then chốt để thành công”, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết.

 

 

Nói về những mô hình này, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh tuyên dương tinh thần “Dân xã ta, dân phường ta, tổ ta bảo vệ phường ta, xã ta, xóm ta...” và cho biết: Các vùng xanh đã thực sự trở thành “pháo đài chống dịch”. Chính quyền cơ sở xã phường gần dân nhất đã hằng ngày sát cánh cùng người dân ở từng khu dân cư, tổ dân phố.

Rõ ràng, giữa lúc đại dịch COVID-19 bùng phát, vai trò đi đầu của cán bộ tận hiến vì cộng đồng có sức lan tỏa hơn bất kỳ một lời hiệu triệu nào đến toàn thể người dân. Khi cán bộ gương mẫu, quyết liệt, người dân noi theo  sẽ mang ý nghĩa quyết định trong việc chỉ đạo, thực hiện tốt các mục tiêu chống dịch. Chính thực tế này đã góp phần không nhỏ để Hà Nội không chế được dịch bệnh./.

Bí thư Đinh Tiến Dũng: Bài học kinh nghiệm quý giá mà thành phố rút ra là phải luôn nắm thế chủ động trong phòng, chống dịch bệnh, bình tĩnh dự báo chính xác tình hình để có giải pháp tương xứng. Khi đã thống nhất giải pháp, phải thực hiện kiên quyết, kiên trì và rất linh hoạt; tuyệt đối không được lơ là, mất cảnh giác vì chỉ chủ quan, thiếu trách nhiệm một chút là cái giá phải trả sẽ rất đắt.

Trung Anh và nhóm cộng sự