(ĐCSVN) - Từ trong gian khó, tinh thần “không để người dân nào bị thiếu đói, ốm đau mà không được quan tâm” đã giúp nhiều người khó khăn "không bị bỏ lại phía sau”… Tình đoàn kết, nghĩa đồng bào đã và sẽ mãi là sức mạnh giúp Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung luôn giành chiến thắng - kể cả với “giặc vô hình” mang tên COVID-19.
Hà Nội trong thời gian qua, bên cạnh những thông tin thót tim về số ca dương tính với vi rút SARS-CoV-2 tăng, số địa phương bị khoanh vùng, cách ly… còn có những câu chuyện thấm đẫm nghĩa tình về tinh thần “thương người như thể thương thân”.
Đã từng nhận được những hỗ trợ từ chính quyền địa phương là nhu yếu phẩm trong 4 đợt giãn cách nên chị Lộc Thị Phương (quê ở Lục Yên, Yên Bái) khá bất ngờ khi được thông báo mình là một trong những lao động được tiếp nhận gói hỗ trợ 500 nghìn đồng từ Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội. Chị Phương là một trong 12 lao động ngoại tỉnh bị mắc kẹt tại ngõ 295, phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ.
Chị Lộc Thị Phương (áo hoa xanh) nhận hỗ trợ từ Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội.
Chị Phương cho biết: Nhiều năm nay, tranh thủ lúc nông nhàn, chị cùng hai người con xuống Hà Nội theo các nhóm thợ xây đi phụ việc kiếm thêm thu nhập. Khi dịch bùng phát, 3 mẹ con chị bị mắc kẹt phải đối mặt với nỗi lo không có tiền xoay xở cuộc sống, thì thật may mắn nhận được sự quan tâm, động viên từ chính quyền địa phương như thể họ là những người con của Hà Nội. Gia đình chị không chỉ được hỗ trợ nhu yếu phẩm, các suất cơm 0 đồng mà còn được tạo điều kiện lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vắc xin COVID-19…
Trước đó, qua đường dây nóng, Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tiếp nhận được thông tin có 21 học sinh đang thuê trọ tại thôn Giáp Ngọ, Thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ gặp khó khăn vì không thể về quê. Sau khi tìm hiểu, ngày 25/8, Tổ công tác “Đoàn kết chống dịch” của MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, đại diện MTTQ của huyện, thị trấn và thầy hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề công nghệ cao Hà Nội đã trực tiếp tới thăm hỏi và trao quà hỗ trợ của MTTQ thành phố gồm 100kg gạo, 10 thùng mỳ tôm, 10 chai dầu ăn, 10 chai nước mắm, 10kg lạc… cho các em.
Qua trao đổi, em Lù A Trắng quê ở Lai Châu cho biết: Nhóm các em gồm 21 học sinh là người dân tộc thiểu số, gia đình đều thuộc hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh rất khó khăn ở các tỉnh xa Hà Nội. Cuộc sống hằng ngày của các em đã khó khăn, nay do dịch bệnh, không được đi đâu lại càng khó khăn hơn. Cũng may nhờ có sự quan tâm, giúp đỡ của nhà trường, của địa phương nên trong những đợt giãn cách đầu tiên các em cũng đã vượt qua. Nhưng do giãn cách kéo dài, các em lại đang phải lo thiếu lương thực trong những ngày tới, rau thi các em cũng trồng được một ít sau vườn, nhưng gạo thì đã sắp hết. Được nhận những món quà của MTTQ thành phố chúng em rất cảm động, không lo bị thiếu ăn và yên tâm thực hiện giãn cách.
21 học sinh đang thuê trọ tại thôn Giáp Ngọ, thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ nhận hỗ trợ từ MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội.
Nhận phần quà mà Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội hỗ trợ cho người nước ngoài gặp khó khăn do dịch bệnh, ông Aaron Steven, quốc tịch Anh bày tỏ: “Tôi làm giáo viên ở Việt Nam được 2 năm. Đại dịch COVID-19 khiến cuộc sống bị ảnh hưởng nặng nề nhưng nhận được sự quan tâm của MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, tôi rất xúc động”.
Điều đáng nói là những câu chuyện trên không phải là cá biệt mà nó đang lan tỏa hằng ngày, hằng giờ trên mọi nẻo đường Thủ đô. Bởi trong giai đoạn giãn cách xã hội, không khó để thấy đâu đó những điểm phát lương thực miễn phí, những “siêu thị 0 đồng", những “Túi quà đoàn kết”... của các tổ chức, cá nhân. Đó chính là chương trình “Triệu bữa cơm” của Thành đoàn - Hội Liên hiệp Thanh niên Thành phố; Những chuyến hàng từ “Xe buýt siêu thị 0 đồng” của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội; "Chợ 0 đồng" của Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội phối hợp cùng các nhà hảo tâm…
Đáng chú ý, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố đã triển khai Chương trình “Đoàn kết chống dịch”, thành lập trang Fanpage và công bố công khai số điện thoại đường dây nóng của Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố và MTTQ Việt Nam 30 quận, huyện, thị xã. Người khó khăn trên địa bàn có thể gọi điện đến đến đường dây nóng hoặc nhắn tin trên Fanpage của chương trình để nhận được sự hỗ trợ kịp thời, nhanh chóng nhất với thông điệp “Dù bạn là ai, có hộ khẩu hay tạm trú ở Hà Nội, nếu khó khăn, bạn đều được giúp đỡ”. Sau khi xác minh những cuộc gọi, tin nhắn đề nghị hỗ trợ, MTTQ các cấp đã trao hỗ trợ cho 2.229 trường hợp trị giá 745 triệu đồng.
Không chỉ người dân Việt Nam mà những người nước ngoài nếu gặp khó cũng cũng được giúp đỡ.
Cùng với đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp Thành phố đã phối hợp với các tổ chức thành viên, tổ chức từ thiện, các nhà hảo tâm hỗ trợ tổng số 241.342 suất quà trị giá 67,98 tỷ đồng. Ngoài ra, hỗ trợ các lực lượng phòng, chống dịch trên địa bàn với trị giá 28,314 tỷ đồng. Đồng thời, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô, MTTQ Việt Nam các quận, huyện thị xã phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự cùng cấp triển khai hiệu quả mô hình “Chợ 0 đồng”, “Gian hàng 0 đồng”, “Chuyến xe 0 đồng”, “Túi quà Đoàn kết” hỗ trợ trên 28.210 suất quà, trị giá 10,656 tỷ đồng tới những người có hoàn cảnh khó khăn.
Các phần quà tuy nhỏ nhưng thiết thực được trao đến tận tay những người vô gia cư, lao động thời vụ bị ngưng việc, mất nguồn thu nhập do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, thật là “một nắm khi đói bằng một gói khi no”. Đó là nguồn động viên rất lớn giúp các hoàn cảnh khó khăn an tâm thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội.
Với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau” và phương châm “Bảo đảm an sinh xã hội là trọng yếu”, không chỉ thực hiện kịp thời, đúng quy định chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi COVID-19, Hà Nội còn chủ động mở rộng thêm đối tượng hỗ trợ. Ngoài 12 nhóm đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, thành phố đã ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ thêm 12 nhóm đối tượng khó khăn khác với tổng số trên 3.431 suất quà, trị giá trên 3,431 tỷ đồng.
Cho đi yêu thương để nhận lại thương yêu là những hình ảnh tràn ngập trong những ngày Hà Nội giãn cách xã hội
Cùng với đó, Mặt trận các cấp của thành phố đã kịp thời rà soát, phối hợp với các tổ chức thành viên, các tổ chức từ thiện và nhà hảo tâm hỗ trợ trên 80.000 suất quà, trị giá trên 29 tỷ đồng cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, lao động ngoại tỉnh, sinh viên… bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Cũng tính từ đầu năm 2021 đến giữa tháng 9, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã tiếp nhận gần 500 tỷ đồng ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID-19. Từ nguồn lực này đã hỗ trợ các đối tượng khó khăn, các trung tâm cách ly, hỗ trợ tỉnh bạn, chuyển giao trang thiết bị y tế với tổng số tiền 109,628 tỷ đồng, hàng hóa trị giá 152,5 tỷ đồng và 75 tấn nhu yếu phẩm. Ngoài ra, sau 4 tuần hoạt động, đường dây nóng của Mặt trận các cấp đã hỗ trợ 2.222 trường hợp gặp khó khăn, trị giá 743 triệu đồng. Mặt trận các địa phương cũng đã hỗ trợ gần 250.000 suất quà trị giá 67,98 tỷ đồng cho người dân trong khu cách ly, người gặp khó khăn do dịch.
Kết quả này có được là nhờ vào những hành động đẹp của nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chung tay góp kinh phí, trang thiết bị, phương tiện phòng chống dịch. Trong đó có nhiều doanh nghiệp tự nguyện chấp nhận thiệt hại lợi ích trước mắt để phục vụ nhiệm vụ chống dịch thành công. Và số tiền, hàng hóa đó cũng đã được những người làm công tác Mặt trận kịp thời chuyển tới các lực lượng tuyến đầu làm công tác phòng chống dịch gồm: các y, bác sĩ tuyến đầu, lực lượng công an, quân đội; thăm hỏi, tặng quà các hộ gia đình khó khăn, bị tác động trực tiếp của dịch bệnh và nhân dân các khu vực cách ly phòng chống dịch trên địa bàn thành phố… Từ đây tinh thần tương thân tương ái, lòng yêu nước luôn được nung nấu trong trái tim mỗi người Việt Nam thực sự lan tỏa. Dù ở bất kỳ nơi đâu, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, khi đất nước gặp gian nguy, tinh thần đó đều được khơi dậy để mỗi người cùng chung tay vượt qua khó khăn.
Chưa hết, với tinh thần không để người lao động nghèo lâm vào cảnh thiếu ăn, thiếu chỗ ở, vào cuộc cùng chính quyền quận, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Tây Hồ đã chỉ đạo Mặt trận các phường trên địa bàn phối hợp với các đoàn thể vận động những gia đình có nhà cho thuê miễn, giảm tiền thuê nhà. Và đã có 786 chủ hộ tại 8/8 phường đồng ý giảm tiền thuê 2.449 phòng trọ với số tiền trên 3 tỷ đồng. “Đây là nghĩa cử cao đẹp của các chủ hộ cho thuê trọ, thể hiện tinh thần đoàn kết, sẻ chia khó khăn với người lao động tự do, sinh viên thuê trọ, giúp họ yên tâm thực hiện giãn cách xã hội”, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Tây Hồ Trần Quang Đạo cho biết.
Nhiều chủ nhà trọ tiêu biểu đã được MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội gặp mặt, tuyên dương.
Tính đến nay, cả Thành phố đã vận động được hơn 30 nghìn chủ nhà trọ miễn, giảm tiền thuê nhà cho người lao động trị giá gần 30 tỷ đồng, hơn 2.000 chủ nhà miễn, giảm tiền thuê cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ, người nước ngoài trị giá hơn 7,2 tỷ đồng. Chị Đặng Bích Hạnh (chủ nhà trọ ở An Dương Vương, quận Tây Hồ) chia sẻ, từ đầu tháng 4/2021, gia đình đã chủ động hỗ trợ đối với người thuê trọ như miễn phí dịch vụ thang máy, internet. Khi Hà Nội thực hiện giãn cách đợt 2, gia đình chị đã giảm 50% tiền phòng cho các hộ, một số trường hợp như sinh viên mắc kẹt, người lao động nghèo được giảm 100% tiền trọ. “Dù chỉ là những hành động nhỏ nhưng chúng tôi mong muốn sẽ nhân lên những điều tốt đẹp, làm mờ đi những tiêu cực trong phòng, chống dịch”, chị Hạnh cho biết.
Hay gia đình ông Hoàng Xuân Tảo, số nhà 23, ngõ 259, phố Yên Hòa, Cầu Giấy có 30 phòng trọ. Từ tháng 5/2021, khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, gia đình ông đã quyết định giảm tiền phòng cho người thuê trọ. Tùy vào mức giá thuê phòng, số tiền giảm sẽ được cân nhắc từ 25-30%. Tới nay sau 4 tháng, số tiền hỗ trợ đã lên mức 100 triệu đồng. Điều đáng trân trọng là để xây dựng hệ thống phòng trọ này, gia đình ông đã phải vay ngân hàng số tiền rất lớn với số lãi mỗi tháng phải trả là 40 triệu đồng. Dù vậy, với mong muốn hỗ trợ phần nào cho người thuê trọ, ông đã bày tỏ ý kiến với gia đình và được vợ, con ủng hộ.
Sau những lần tiếp nhận tiền và hàng hóa thiết yếu ủng hộ phòng chống dịch của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân và nghe tâm sự của những người chủ nhà trọ như chị Đặng Bích Hạnh hay ông Hoàng Xuân Tảo, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương đã nhiều lần phải thốt lên với nhà báo chúng tôi khi đồng hành tiếp nhận ủng hộ, hay đến các khu cách ly và tặng quà cho những đối tượng yếu thế trong xã hội: Trong cuộc chiến với đại dịch này, tinh thần yêu nước, tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” trong nhân dân được lan tỏa mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Những tấm lòng, những nghĩa cử cao đẹp ở trong và ngoài nước đang ngày đêm một lòng hướng về Tổ quốc, về Thủ đô với niềm tin, kỳ vọng đất nước sẽ sớm đẩy lùi đại dịch. Những tấm lòng này chính là tình người sưởi ấm lòng người trong đại dịch, món quà vô giá, là động lực với những người làm công tác tiếp nhận trong những ngày này. Đó cũng chính là sự động viên và tiếp thêm sức mạnh cho thành phố phấn đấu chiến thắng dịch bệnh COVID-19. Hy vọng những hành động này tiếp tục lan tỏa, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc”./.