Các con giống bột đủ sắc màu, hình dáng. (Ảnh: vovworld.vn)

 Hồi sinh những sắc màu

Tò he có lẽ là thứ đồ chơi truyền thống duy nhất ở Việt Nam mang nhiều nét văn hóa, lịch sử dân tộc, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của cả người già lẫn người trẻ, là món đồ vừa chơi được, vừa ăn được,…

Nặn tò he là một nghề độc đáo, chỉ có duy nhất ở làng Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Người xưa có câu: “Thứ nhất bánh đa, thứ nhì bánh cuốn, thứ ba chim cò”. Xưa kia tò he gọi là chim cò, vì trong hội làng, chợ quê nổi tiếng của vùng trấn Sơn Nam Thượng các chàng trai của Xuân La đều đến và mang theo nghề nặn chim cò tới góp vui. Sau này, “chim cò” được gắn lên chiếc kèn làm bằng cây sậy, khi thổi tạo ra âm thanh tò te, người dân gọi chệch là tò he và lấy đó làm tên gọi thay cho “chim cò”. Những tò he - chim cò - của họ làm cho những hội chợ thêm rực rỡ sắc màu. Đồng dao đồng bằng Bắc Bộ có bài: “Tò he cụ bán mấy đồng/ Con mua một cái cho chồng con chơi/ Chồng con đánh vỡ đánh rơi/ Con mua cái khác con chơi một mình”. Tò he đa dạng về hình dáng, thể loại, nhân vật, nên có thể đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của từng người ở mọi lứa tuổi.

Với lịch sử hơn 300 năm, cùng với thăng trầm của đất nước, tò he cũng có giai đoạn tưởng chừng bị mai một trước đồ chơi nước ngoài, đặc biệt là những “cơn bão” hàng Trung Quốc. Tuy nhiên, nhờ niềm đam mê với những khối bột, tinh thần gìn giữ và phát huy những thành quả lao động sáng tạo của cha ông, những giá trị văn hóa dân gian của dân tộc, người dân làng nghề Xuân La đã và đang gìn giữ, phát huy loại hình nghệ thuật đặc sắc này.

Lớn lên cùng tuổi thơ

Đi khắp nơi trong làng, không khó để bắt gặp hình ảnh những cụ già 80, em nhỏ 5,6 tuổi đang thích thú chơi, nặn tò he. Hầu như trong làng nhà nào cũng có người biết nặn tò he bởi nét văn hóa độc đáo này đã ngấm vào đất, vào nước Xuân La, đã ăn vào máu của người dân Xuân La. Nguyên liệu chính để làm tò he là bột gạo có trộn bột nếp theo tỉ lệ 10 phần gạo, 1 – 2 phần nếp (tùy theo thời tiết ẩm hay nóng, hanh khô). Gạo trộn đều, ngâm nước rồi đem xay nhuyễn, luộc chín như luộc bánh trôi. Sau đó, người ta nắm bột lại thành từng vắt và nhuộm màu riêng từng vắt. Bốn màu cơ bản là vàng, đỏ, đen, xanh. Theo cách làm truyền thống, người ta sử dụng màu có nguồn gốc từ thực vật và đun sôi với một ít bột: màu vàng làm từ hoa hòe hoặc củ nghệ, màu đỏ từ quả gấc, màu đen thì dùng cây nhọ nồi, màu xanh lấy từ lá riềng hoặc lá trầu không. Các màu sắc trung gian khác đều được tạo từ bốn màu này. Bây giờ, màu thực phẩm công nghiệp được dùng để thay thế vì màu sắc đẹp hơn, gia công nhanh, đều, đỡ tốn thời gian, công sức. Từ những khối bột này, người thợ nặn ra các hình thù vô cùng phong phú: 12 con giáp, cỏ cây, hoa lá, các nhân vật truyện tranh, nhân vật lịch sử: Trư Bát Giới, Tôn Ngộ Không, Quan Vũ…. Nếu nặn những con vật nhỏ, trung bình 1kg bột làm được 30 con tò he, thời gian để nặn một con là từ 3-5 phút.

Trước kia, người dân làng Xuân La thường nặn sẵn tò he ở nhà rồi mang ra chợ bán, các con tò he không được gắn vào thanh tre như bây giờ mà được nặn và đặt lên những vòng tròn như chiếc đĩa. Sau này, khi “công nghệ” que tre ra đời người ta tạo hình tò he trực tiếp lên đó, và làm ngay tại chợ. Một thùng gỗ nhỏ hoặc thùng xốp với vài cục bột màu, một chiếc lược con, nắm que tre nhỏ và chút sáp ong hay bánh xà bông, những “nghệ nhân làng” tỏa đi khắp nơi mang niềm vui, sắc màu đến cho cuộc sống. Có thể dễ dàng bắt gặp họ ở những khu vui chơi giải trí công cộng, những phố phường, chợ quê, nhất là trong những hội hè đình đám. Luôn bị vây kín bởi rất nhiều trẻ con chính là dấu hiệu để nhận biết sự xuất hiện của các “chàng cò”.

Là món đồ chơi thuần Việt với những nguyên liệu đơn giản, gần gũi, qua bàn tay tài hoa của người thợ nông dân tạo nên những hình ảnh thân thuộc, đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Có lẽ tính lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và giáo dục trong mỗi con tò he chính là yếu tố khiến cho tò he được khôi phục lại, duy trì và phát triển như ngày hôm nay.


Nghề nặn tò he có từ cách đây hàng trăm năm nay. (Ảnh: vovworld.vn)

Sức sống mới của tò he

Ý thức được giá trị văn hóa tinh thần của những con tò he, những người con Xuân La đã tìm mọi cách để khôi phục lại nghề cổ của làng. Với những nỗ lực đáng kể, 20 năm trở lại đây, tò he Xuân La được phục dựng và từng bước tìm được chỗ đứng trong đồ chơi Việt.

Tháng 5/2009, làng thành lập Câu Lạc Bộ (CLB) Làng nghề truyền thống nặn tò he duy nhất Việt Nam với 130 thành viên (của khoảng 50-60 hộ), trong đó có 30 hội viên là phụ nữ. CLB thu hút sự quan tâm của mọi lứa tuổi trong làng, người trẻ nhất mới chỉ mười sáu tuổi, người lớn tuổi nhất cũng đã hơn tám mươi. CLB tò he và dân làng đã phong tặng danh hiệu nghệ nhân cho ba hội viên có tay nghề xuất sắc: Đặng Văn Hạ (85 tuổi), Nguyễn Văn Ấu (68 tuổi), Nguyễn Văn Thành (37 tuổi).

CLB đã tham gia nhiều chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề, tổ chức cuộc thi nặn tò he để quảng bá, giới thiệu sản phẩm…. Đặc biệt, CLB cũng tham gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội với ba sản phẩm kỷ lục: Con Rồng thời Lý nặng 300kg, dài 3m, Cụ Rùa nặng 250 kg, dài 1,3m và mâm ngũ quả nặng 25kg. Những sản phẩm này được rước lên Bách Thảo và được ban tổ chức Đại lễ dành riêng cho một ngày để tổ chức cuộc thi nặn tò he. Đồng thời, Hội Di Sản Văn Hóa Việt Nam ra quyết định thành lập Chi Hội trực thuộc, Trung tâm sách Kỷ lục GUINESS Việt Nam trao chứng nhận “Làng nghề Tò he duy nhất ở Việt Nam”. “Tò he thể hiện được nét đẹp văn hóa làng, là sản phẩm sáng tạo của cha ông, là đồ chơi dân gian, được làm từ chất liệu gần gũi, đáp ứng nhu cầu trực tiếp của người chơi (thích hình gì nặn hình đó), và đặc biệt chỉ có ở Xuân La” - anh Đặng Văn Tiên - thành viên CLB nặn tò he tự hào.

Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, cùng với sự tâm huyết của các nghệ nhân trong làng CLB hoạt động mạnh và khá thuận lợi. Để phát triển trên diện rộng, CLB thường xuyên phối hợp biểu diễn tại các sự kiện văn hóa quốc tế, tại các lễ hội, triển lãm, đón tiếp các đoàn khách thăm quan du lịch làng nghề, liên kết giảng dạy môn nghệ thuật nặn tò he tại trường học giúp học sinh và sinh viên hiểu, làm quen với đồ chơi truyền thống và chương trình hoạt động ngoại khóa như trường  Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn…. Các nghệ nhân trong làng cũng được mời tham dự, biểu diễn tại các chương trình giao lưu văn hóa với các nước Mỹ, Nhật, Thái Lan…

Là loại hình thủ công đơn giản, tò he không bị ảnh hưởng nhiều bởi mặt bằng, vốn bỏ ra ít, tuy nhiên nó cũng vấp phải một số khó khăn về đầu ra. Điều trăn trở nhất đối với người làm nghề đó là: “Tò he là loại hình thủ công truyền thống sản xuất quy mô nhỏ, chủ yếu là làm theo hình thức cá nhân, bày bán linh hoạt nên nhiều người coi nó như những loại hàng rong bình thường khác, thậm chí còn cấm không được bày bán ở các khu vui chơi giải trí. Chúng tôi rất mong các tổ chức văn hóa có những ưu tiên và chính sách cụ thể để tò he được đánh giá đúng là một loại hình nghệ thuật, không bị coi là hàng rong” - nghệ nhân Nguyễn Văn Thành - chủ nhiệm CLB làng nghề chia sẻ./.

 

 

 

PV