|
Ban Tổ chức tặng hoa cho các điển hình tiêu biểu, khách mời tham gia giao lưu. |
Ngày 7/6, nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2024), Trung tâm Thông tin - Truyền thông (Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương) phối hợp Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội tổ chức Giao lưu trực tuyến gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt với chủ đề “Thi đua xây dựng Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại”.
Phát biểu khai mạc, Giám đốc Trung tâm Thông tin - Truyền thông Nguyễn Thế Huân cho biết, chương trình giao lưu gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt với chủ đề “Thi đua xây dựng Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại” góp phần giáo dục truyền thống thi đua ái quốc, lan tỏa các giá trị sống tích cực, nhân văn đến với cộng đồng, xã hội; từ đó khơi dậy niềm tự hào và tinh thần đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân Thủ đô, quyết tâm thực hiện thắng lợi toàn diện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2024.
Khách mời tham gia buổi giao lưu là những tấm gương sáng trong các phong trào thi đua người tốt, việc tốt; cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở; thi đua dạy tốt, học tốt; sáng kiến, sáng tạo Thủ đô; phong trào phát triển văn hóa, thể thao, nhân đạo, từ thiện, vì cộng đồng… gắn với học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Tiêu biểu như nghệ nhân vẽ tranh dân gian Hàng Trống Lê Đình Nghiên, đã 60 năm gìn giữ và bảo tồn dòng tranh dân gian Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Dù đã ngoài 75 tuổi, ông vẫn miệt mài tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị và chú tâm truyền nghề, quảng bá, giới thiệu về dòng tranh dân gian của Việt Nam đến đông đảo bạn bè quốc tế. Ông đã tích cực tham gia các chương trình triển lãm tại Nhật Bản, hội thảo tranh giấy dân gian châu Á tại Mỹ…, đồng thời trưng bày cố định tại số 28 Hàng Buồm và 87 phố Mã Mây.
"Nhiều năm qua, sức sống mãnh liệt tranh Hàng Trống vẫn cứ trường tồn, nhờ sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, tạo điều kiện cho tôi làm nghề. Tôi bắt đầu được cha ông truyền nghề vẽ tranh Hàng Trống từ năm 11 tuổi, vì vậy có thể nói tất cả mọi thứ về tranh Hàng Trống, từ cách bồi giấy, in bản khắc, pha rồi tô màu, vẽ tranh… tất cả đã ngấm vào máu, ăn sâu bén rễ trong tôi từ thuở đó.", nghệ nhân Lê Đình Nghiên chia sẻ.
Chương trình còn được giao lưu với là “cây sáng kiến” Trần Quốc Hai của Công ty TNHH sản xuất nhựa Việt Nhật (huyện Thanh Oai, Hà Nội). Anh có hơn 50 sáng kiến lớn nhỏ làm lợi cho công ty. Không những thế, anh còn trở thành động lực cho nhiều công nhân, lao động khác, góp phần lan tỏa phong trào sáng kiến, sáng tạo Thủ đô.
|
Nghệ nhân vẽ tranh dân gian Hàng Trống Lê Đình Nghiên chia sẻ tại chương trình. |
Đó là gương mặt thanh niên khuyết tật tiêu biểu toàn quốc Nguyễn Đức Thiện, sinh viên chuyên ngành sáo trúc, Khoa Nhạc cụ truyền thống, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.
Tuy không thể nhìn thấy ánh sáng từ nhỏ, nhưng Thiện đã nỗ lực vượt lên số phận, trở thành sinh viên tài năng của Khoa Nhạc cụ truyền thống, được trao học bổng mang tên GS Trần Văn Khê. Thiện hiện là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hát xẩm Tâm Việt - câu lạc bộ đàn, hát xẩm đầu tiên của người khiếm thị tại Việt Nam. Dưới sự dẫn dắt của Thiện, câu lạc bộ đã đạt được nhiều giải thưởng cao tại các cuộc thi hát xẩm toàn quốc, góp phần bảo tồn và phát triển nghệ thuật truyền thống độc đáo này. Ngoài ra, anh còn cùng thầy giáo của mình thành lập Mái ấm Đông Đô và ban nhạc người khiếm thị “Nắng mới”, không chỉ để thỏa mãn đam mê âm nhạc mà còn giúp đỡ những người khiếm thị khác có cơ hội học nhạc, chơi nhạc và tự nuôi sống bản thân.
Chương trình cũng giao lưu với bà Nguyễn Thị Thu Hiền, chuyên viên Ban Tiếp công dân Văn phòng HĐND - UBND quận Nam Từ Liêm, luôn mẫn cán, trách nhiệm, vững chuyên môn, đặc biệt là phong thái, kỹ năng ứng xử với các tình huống khi tiếp dân rất khéo léo, linh hoạt, mang lại hiệu quả cao trong công việc. Bà được mệnh danh là “cuốn từ điển sống” bởi nắm chắc kiến thức pháp luật ở nhiều lĩnh vực.
Bà Hiền chia sẻ về động lực gắn bó với công việc: “Mình cứ cố gắng làm tốt nhất có thể, cống hiến hết mình, chắc chắn đến một ngày nào đó mọi người sẽ biết. Đặc biệt, người dân sẽ ghi nhận. Bản thân mình cũng cảm thấy vui vì đã làm được việc gì đó giúp cho mọi người...”.
Chương trình còn được nghe Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Sỹ Liên (huyện Chương Mỹ) Lê Thị Tượng chia sẻ những kỷ niệm đầy xúc động trong hành trình “trồng người”, góp thành tích trong 41 năm xây dựng và phát triển của nhà trường; nghe em Đỗ Trà My, học sinh lớp 6A18, Liên đội phó Trường THCS Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy chia sẻ về việc cân đối thời gian để vừa là học sinh giỏi vừa năng nổ trong các hoạt động Đội và phong trào thanh, thiếu nhi…/.