Xã Sơn Đông đón nhận danh hiệu đạt chuẩn NTM năm 2015. Ảnh: sontay.hanoi.gov.vn

Năm 2020, thị xã Sơn Tây đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2019. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn không ngừng được nâng cấp và và hoàn thiện, đời sống nông dân đang từng bước được cải thiện. Hệ thống trường học và thiết bị dạy học được đầu tư nâng cấp, góp phần từng bước nâng cao chất lượng giáo dục ở khu vực nông thôn. Công trình văn hóa, sân tập thể thao, khu vui chơi, sinh hoạt cộng đồng nhiều nơi được đầu tư xây dựng khang trang.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Sơn Tây đã cùng chung sức đồng lòng, tập trung tối đa mọi nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, tăng tỷ trọng các ngành thương mại dịch vụ, giảm tỷ trọng các ngành nông nghiệp. Bức tranh NTM hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc của làng quê Việt Nam, phát triển bền vững và có môi trường xanh sạch đẹp đã góp phần thu hẹp khoảng cách nông thôn thành thị, diện mạo khu vực nông thôn ngày càng khởi sắc.

Thị xã Sơn Tây có 6 xã thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM là Cổ Đông, Xuân Sơn, Sơn Đông, Đường Lâm, Thanh Mỹ và Kim Sơn. Trong đó xã Sơn Đông được chọn làm điểm từ năm 2010. Với quyết tâm thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM của cả hệ thống chính trị, từ năm 2010 đến nay, Thị ủy, Ban chỉ đạo Chương trình 02 thị xã đã ban hành 63 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc thực hiện. Thị ủy, HĐND, UBND thị xã tập trung quan tâm chỉ đạo sát sao chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM qua việc ban hành nghị quyết, kế hoạch, chương trình, quyết định để triển khai thực hiện đến các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân trên địa bàn, đồng thời phát huy tối đa vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị. Nguồn vốn đã bố trí thực hiện chương trình NTM giai đoạn 2010 đến hết năm 2019 là gần 2 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách Xã hội thành phố, thị xã cũng đã tạo điều kiện hỗ trợ nông dân vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo góp phần xây dựng NTM. Năm 2020, thành phố, thị xã đã bố trí 252 tỷ 450 triệu đồng để tiếp tục triển khai thực hiện chương trình NTM trên địa bàn thị xã.

Cũng từ cuối năm 2016 thị xã Sơn Tây đã hoàn thành công tác dồn diền đổi thửa với tổng diện tích trên 1.078 ha, đạt tỷ lệ 107,37%; diện tích vượt kế hoạch TP giao 74 ha; diện tích đất dôi dư sau dồn điền đổi thửa 52,93 ha đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất. Hiểu được giá trị của chương trình xây dựng nông thôn mới mang lại, đó là dân làm, dân thụ hưởng, nhân dân các xã tự nguyện đóng góp tiền của, ngày công lao động, hiến đất làm đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa và các công trình xây dựng công cộng. Kết quả từ năm 2010 đến nay, thị xã đã vận động các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đóng góp được 94.688 ngày công, hiến 3.440 m2 đất thổ cư, 1.551m2 đất nông nghiệp để mở rộng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, trên 4,8 tỷ đồng tiền mặt, hiện vật để xây dựng nông thôn mới.

Đến nay, 6/6 xã đều đạt và cơ bản đạt 19 tiêu chí xây dựng NTM, đó là: công tác lập, tổ chức thực hiện quy hoạch; giao thông; thủy lợi; điện; trường học; cơ sở vật chất văn hóa; cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; thông tin và truyền thông; nhà ở dân cư; tổ chức sản xuất; thu nhập bình quân đầu người; tỷ lệ hộ nghèo; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên; giáo dục và đào tạo; y tế; văn hóa; môi trường và an toàn thực phẩm; hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật; quốc phòng và an ninh. Bộ mặt nông thôn khởi sắc, người dân được hưởng thành quả từ chương trình mang lại.

Nhân dân đóng góp ngày công lao động xây dựng nông thôn mới. Ảnh: sontay.hanoi.gov.vn

Thị xã thực hiện đầu tư 25 dự án cải tạo nâng cấp và xây mới hệ thống trường học các cấp với tổng nguồn vốn đầu tư trên 589 tỷ đồng. Tập trung hoàn thành xây dựng mới 02 trường đạt chuẩn Quốc gia (trong đó 01 trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2) và 12 trường công nhận lại đạt chuẩn Quốc gia năm 2020 theo kế hoạch. Hệ thống trường học và thiết bị dạy học được đầu tư nâng cấp, góp phần từng bước nâng cao chất lượng giáo dục ở khu vực nông thôn, không còn phòng học tạm, không có trường phải học 03 ca. Toàn thị xã có 94,4% gia đình văn hóa, tăng 6,4% so với kế hoạch giao, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2019; 48/56 làng văn hóa đạt 85,7% (tăng 13% so với cùng kỳ, tăng 23,7% so với kế hoạch Thành phố giao); 54/62 tổ dân phố văn hóa đạt 87% (tăng 1,3% so với cùng kỳ, tăng 15% so với kế hoạch Thành phố giao). Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lượng khách tham quan các điểm di tích lịch sử giảm khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2019. Thực hiện các hoạt động thông tin - tuyên truyền, văn hoá - văn nghệ - thế dục thể thao chào mừng các hoạt động quan trọng của địa phương, nâng cao công tác tuyên truyền Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biếu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, thị xã Sơn Tây được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và chào mừng các ngày lễ lớn, quan trọng.

Với điều kiện thuận lợi như quỹ đất rộng, thị xã Sơn Tây đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, xây dựng những mô hình sản xuất mới theo hướng tăng năng suất. Đến nay, Sơn Tây phát triển được trên 100 trang trại mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều cuộc thi, lễ hội đã và đang được tổ chức nhằm giới thiệu, quảng bá, liên kết xây dựng, hình thành các chuỗi tiêu thụ sản phẩm của địa phương. Bước đầu hình thành 02 mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp là: mô hình liên kết trong chăn nuôi, tiêu thụ gà Mía của Hội chăn nuôi và tiêu thụ gà Mía Sơn Tây và mô hình liên kết nuôi ong lấy mật của Tổ hợp tác ong mật Kim Sơn.

Một số sản phẩm đặc sản của thị xã tham gia chương trình OCOP như: sản phẩm gà Mía, kẹo lạc, kẹo dồi, bánh chè xanh của xã Đường Lâm; mít ta của xã Sơn Đông; bưởi, chè xanh của xã Cổ Đông; mật ong, sữa bò tươi của xã Kim Sơn; dưa chuột của xã Xuân Sơn, bánh tẻ Phú Nhi phường Phú Thịnh, rau an toàn phường Viên Sơn…

Bên cạnh đó, nhờ có sự chung tay góp sức của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân với những tư duy và hành động thiết thực, hiệu quả đã tập trung giúp đỡ và hỗ trợ các địa phương triển khai xây dựng NTM, đầu tư trực tiếp về nông thôn, cam kết sử dụng lao động, giúp nhân dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Toàn thị xã hiện có trên 750 doanh nghiệp, tạo việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho gần 6.500 lao động địa phương.

Mô hình liên kết nuôi ong lấy mật của Tổ hợp tác ong mật Kim Sơn. Ảnh: sontay.hanoi.gov.vn

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII nêu rõ 1 trong các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025 là: 100% huyện đạt chuẩn NTM; 40% xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 20% xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ thị xã Sơn Tây lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng xác định phát triển nông nghiệp, nâng cao chất lượng chương trình xây dựng NTM, chăm lo đời sống của nông dân; Tập trung phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng các ngành dịch vụ. Với hệ thống 244 di tích lịch sử văn hóa, 78 di sản văn hóa phi vật thể, đây là điều kiện lợi thế để thị xã Sơn Tây phát triển các ngành kinh tế gắn với du lịch sinh thái, du lịch văn hóa tâm linh.

Năm 2020, Thị xã Sơn Tây đón nhận Huân chương Lao động Hạng Ba (lần thứ 2). Tổng kết phong trào thi đua "Người tốt, việc tốt", cuộc thi viết về gương Điển hình tiên tiến, Người tốt, việc tốt năm 2020 UBND thành phố Hà Nội tặng danh hiệu "Người tốt, việc tốt" cho 24 gương thuộc thị xã Sơn Tây; tặng Bằng khen cho 03 tập thể, 04 cá nhân có thành tích trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015 - 2020. Chủ tịch UBND thị xã khen thưởng cho 168 tập thể, 1.724 cá nhân có thành tích trong các phong trào thi đua do thị xã phát động. Hội đồng Khoa học, sáng kiến thị xã tiếp nhận, xét duyệt và công nhận 714 sáng kiến ngành giáo dục năm học 2019 - 2020; 72 sáng kiến của các cá nhân đang làm việc, công tác trên địa bàn thị xã.

Trong năm 2021, thị xã đề ra 23 chỉ tiêu kinh tế-xã hội, như tốc độ tăng trưởng tổng giá trị sản xuất đạt 10,1%; thu nhập bình quân đầu người đạt 59 triệu đồng/năm trở lên; hoàn thành các chỉ tiêu thu-chi ngân sách; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 91,5%; tỷ lệ hộ dân được cấp nước sạch đạt 100%; phấn đấu không còn hộ nghèo..

Để thực hiện được các mục tiêu trên, Sơn Tây đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng, xây dựng NTM nâng cao và khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao và các mô hình sản xuất theo hướng liên kết giữa kinh tế hộ gia đình, doanh nghiệp và thị trường tiêu thụ...

 

 

 

PV