Quang cảnh Hội nghị.
Ngày 10/4, Ban Chỉ đạo Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020-2025 để đánh giá kết quả công tác quý I, triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II năm 2024.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị.
Tham dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thành ủy - Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong...
Thông suốt, hiệu quả
Trình bày báo cáo, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo cho biết, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện việc rà soát, sắp xếp, kiện toàn chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy và biên chế của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động, hiệu lực, hiệu quả được Ban Chỉ đạo quan tâm, xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, chỉ đạo quyết liệt. Trong quý I/2024, Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo hoàn thành việc quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy các ban Đảng, Văn phòng Thành ủy; các sở, ngành, đơn vị thành phố; rà soát, xây dựng danh mục, hoàn thiện bản mô tả, khung năng lực vị trí việc làm theo quy định. Các cơ quan thành phố cũng đã xây dựng phương án thực hiện luân chuyển, điều động, biệt phái, chuyển đổi vị trí công tác các ngành Y tế, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài chính theo Kế hoạch của Ban Thường vụ Thành ủy.
Ban Chỉ đạo đã kịp thời tham mưu cho Ban Thường vụ Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các quy định của Trung ương về sắp xếp tổ chức bộ máy nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế, gắn với tinh giản biên chế theo lộ trình; đồng thời chú trọng công tác cải cách thủ tục hành chính nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp thông suốt, hiệu quả. Kết quả thực hiện đã tạo hiệu ứng tích cực, toàn diện trong cả hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở, nâng cao tinh thần, trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Bên cạnh các kết quả đã đạt được, Ban Chỉ đạo chỉ ra rằng vẫn còn tồn tại một số nội dung chưa đảm bảo yêu cầu, tiến độ kế hoạch công tác năm 2024 và một số kế hoạch của Ban Thường vụ Thành ủy và thông báo kết luận của Ban Chỉ đạo. Cụ thể là: Xây dựng kế hoạch, báo cáo rà soát theo yêu cầu Kế hoạch 188-KH/TU của Ban Thường vụ Thành ủy khối đảng, đoàn thể thành phố; tổ chức lại và đổi tên Ban Quản lý các công trình nhà ở và công sở thành Trung tâm quản lý nhà thành phố Hà Nội thuộc Sở Xây dựng; sắp xếp bộ máy, nhân sự của Tổng Công ty Vận tải Hà Nội và Công ty TNHH MTV Vườn thú Hà Nội; Phương án tổng thể mạng lưới, cơ chế, chính sách trợ giá, đối tượng hành khách được hỗ trợ khi tham gia giao thông bằng xe buýt; Rà soát, xây dựng danh mục dịch vụ sự nghiệp công, định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá các lĩnh vực của thành phố còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Ngoài ra, việc đánh giá hiệu quả hoạt động của Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai khu vực Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, đề xuất mở rộng mô hình Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Khu vực trên toàn thành phố chưa được thực hiện.
Các đại biểu tham dự hội nghị đã xem xét đánh giá Báo cáo sơ kết thực hiện Đề án số 21-ĐA/TU ngày 25-10-2022 của Ban Thường vụ Thành ủy về thí điểm thi tuyển chức danh Trưởng phòng, Phó trưởng phòng và tương đương thuộc các ban Đảng, Văn phòng Thành ủy và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội thành phố, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, Báo Hànộimới; đồng thời thảo luận làm rõ những giải pháp thúc đẩy những nội dung còn chậm nêu trên.
Dám nghĩ, dám làm
Kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo khẳng định, từ quyết tâm chính trị cao của Thường trực Ban Chỉ đạo đã lan toả xuống các cấp, các ngành, các hệ thống đã có sự chuyển động về nhận thức dẫn đến những chuyển biến trong hành động, vượt qua những hạn chế cố hữu, đổi mới từ những việc thường xuyên như lòng đường, vỉa hè, vệ sinh môi trường, bãi trông giữ xe, đến những việc lớn hơn như quản lý tài sản công... Chuyển biến rõ nhất là cải cách hành chính, phân cấp ủy quyền, thủ tục liên thông, liên ngành.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, trong Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 về “Phương hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Bộ Chính trị yêu cầu xây dựng Hà Nội trở thành Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”, nên cả hệ thống chính trị thành phố phải tập trung quyết liệt để thực hiện, trước hết là làm cho Hà Nội ngày càng ngăn nắp, trật tự hơn, phục vụ hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp. Bí thư Thành ủy nêu rõ, quan điểm của Thành ủy là không ngại khó, không ngại khổ. Nên từ trong cấp ủy phải tiếp tục quyết liệt chỉ đạo, phải tạo ra sức ép, thậm chí sức ép lớn để cùng nhau chuyển động.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Viết Thành.
Về nhiệm vụ quý II và thời gian tới, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục tuyên truyền vận động ngay trong cán bộ, đảng viên bảo đảm đồng thuận cao trong thực hiện các chủ trương sắp xếp, tổ chức bộ máy; đồng thời kiên định những nhiệm vụ đã đặt ra, hành động kiên quyết, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, đối với những việc mới việc khó thì bàn kỹ, thống nhất cao rồi bắt tay vào làm ngay.
Đồng chí nêu rõ định hướng cụ thể đối với những nhiệm vụ quan trọng; những nội dung này đều sẽ được đưa vào Thông báo kết luận của hội nghị để các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện cũng như kiểm tra, giám sát để báo cáo tình hình, kết quả trong hội nghị lần tới. Đáng chú ý, đồng chí Đinh Tiến Dũng yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành đẩy mạnh thực hiện điều động, luân chuyển cán bộ cấp phòng, bảo đảm đúng quy định, tạo động lực thúc đẩy hiệu quả công tác và phục vụ người dân, cũng như phòng ngừa, hạn chế tiêu cực; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, sở, ngành nào làm chậm phải xem xét trách nhiệm người đứng đầu.
Trưởng ban Chỉ đạo lưu ý các sở, ngành phải có kế hoạch sẵn sàng triển khai thực hiện Luật Thủ đô (sửa đổi) để ngay sau khi Quốc hội thông qua, luật có hiệu lực là triển khai thực hiện được ngay. Vì chủ trương chung của Trung ương hiện nay, như Luật Đất đai là luật ban hành rồi, nội dung nào không cần hướng dẫn sẽ bóc tách ra cho thực hiện ngay, nội dung nào cần nghị định hướng dẫn mới phải chờ.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND thành phố tập trung chỉ đạo đẩy nhanh việc xây dựng định mức, đơn giá nhất là các lĩnh vực vệ sinh môi trường, văn hóa, thể thao; đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến đổi mới quản lý lòng đường, vỉa hè, quản lý nhà, thiết kế đô thị, quản lý tài sản công, giao thông thông minh..., phấn đấu trình đề án trong quý II/2024. Đồng thời, Ban Cán sự đảng UBND thành phố cần nhanh chóng hoàn thành và trình Ban Thường vụ Thành ủy Kế hoạch phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, đây là nhiệm vụ rất quan trọng nhằm thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển mới cho kinh tế Thủ đô trong thời gian tới./.