Hiệu quả từ tái cơ cấu nền nông nghiệp

Thạch Thất là một trong những huyện đi đầu trong tái cơ cấu nền nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của thành phố Hà Nội. Những năm qua, huyện đã củng cố mạng lưới liên kết sản xuất – chế biến – tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, xây dựng tổ hợp tác hoặc HTX sản xuất kinh doanh, ứng dụng có hiệu quả tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; chuyển đổi cây trồng vật nuôi, tập trung vào những mặt hàng có giá trị gia tăng cao. Nhờ đó, nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao như mô hình lúa cao sản chất lượng cao, mô hình trồng hoa, nấm đông trùng hạ thảo, nấm linh chi ở Đại Đồng, mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở Tiến Xuân; vùng sản xuất rau hữu cơ, rau an toàn với diện tích 200 ha ở các xã: Hương Ngải, Dị Nậu, Yên Trung, Bình Yên, Yên Bình. Tái cơ cấu nền nông nghiệp đúng hướng góp phần vào sự phát triển bền vững của địa phương. Đến nay, kinh tế - xã hội của huyện tăng trưởng đều đặn, bình quân đạt 14,92%/năm, thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 63 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 0,58%. Đế nay, huyện đã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.


Mô hình trồng rau sạch tại huyện Đan Phượng cho thu nhập 6,6 tỷ đồng/ha. Ảnh: Hoàng Mẫn


Còn tại huyện Đông Anh, việc chuyên canh vùng, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung và mô hình sản xuất theo quy trình Vietgap cho năng suất, chất lượng cao; xây dựng thương hiệu đặc sản; chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình sang chăn nuôi tập trung…. đã nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp bình quân đạt trên 2000 tỷ đồng; giá trị canh tác đạt 267 triệu đồng/ha, vượt 117 triệu đồng so với kế hoạch đề ra. Đó là những kết quả đáng mừng, đóng góp vào thành tựu của huyện với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 10,2%, thu nhập bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng. Đặc biệt, huyện không còn hộ nghèo. Năm 2020, huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Tái cơ cấu nền nông nghiệp bằng những bước đi thích hợp

Thực hiện Chương trình 03 của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển thủ đô nhanh, bền vững giai đoạn 2016-2020”, ngành nông nghiệp thành phố Hà Nội đẩy mạnh việc thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp nhằm phát triển nông nghiệp gắn với nông thôn mới theo hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bền vững, thông minh, có sức cạnh tranh cao, từ đó nâng cao thu nhập và đời sống dân cư nông thôn. Hà Nội được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Thành công đầu tiên là công tác dồn ghép ruộng đất, tạo đòn bẩy cho phát triển nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị.

Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, những năm gần đây, sản lượng cây ăn quả và rau của Hà Nội tăng mạnh và giảm dần ở cây lương thực. Năm 2020, sản lượng cây ăn quả ước đạt gần 301.000 tấn, giá trị thu được trên một đơn vị diện tích đất tăng cao. Trong chăn nuôi, Hà Nội tập trung sản xuất con giống bằng việc đưa những giống mới chất lượng cao vào sản xuất bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, đẩy mạnh và phát triển các chuỗi giá trị với 52 chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, phát triển 76 xã chăn nuôi sản phẩm chủ lực.


Chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang các loại cây ăn quả, hoa... mang lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: TL


Nhờ đó, thu nhập và đời sống người dân ngày càng được cải thiện, giá trị kinh tế trên 1 ha canh tác ngày càng tăng. Tăng trưởng ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 -2020 đạt gần 2,5%; tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2020 ước đạt 38.049 tỷ đồng, tăng 14,5% so với năm 2015. Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn ngày càng tăng, dự tính đến hết năm 2020 đạt 55 triệu đồng/người/năm, tăng 22 triệu đồng so với năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn khoảng 0,5%.

Một trong những kết quả nổi bật trong 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Thủ đô là thành tựu trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay, Hà Nội đã có 6 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Ngoài ra, 368/382 xã (chiếm 96,3%) đã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 167 xã so với năm 2015. 23 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, được Trung ương đánh giá là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về xây dựng nông thôn mới.

Phát triển nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường

Ông Chu Phú Mỹ cho biết, trong thời gian tới, Hà Nội tập trung phát triển tại các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, sản xuất theo hướng hàng hóa; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau, đậu, cây ăn quả, hoa và cây cảnh; từng bước nâng diện tích sản xuất theo hướng hữu cơ trên các cây trồng chủ lực. Khai thác có hiệu quả diện tích đất bãi sông để sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng trang trại gắn với kết hợp du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm; tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết, chuỗi giá trị. Cùng với đó, phát triển chăn nuôi và thủy sản theo hướng bền vững, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn dịch bệnh và đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái, xây dựng các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, an toàn dịch bệnh, sản xuất theo hướng VietGAP, GlobalGAP,...

Việc đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng, kinh tế dưới tán rừng cũng sẽ được chú trọng nhằm tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao từ kinh tế đồi rừng, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân. Phấn đấu nâng mức thu nhập 01 ha đất lâm nghiệp lên 60 triệu đồng/ha/năm vào năm 2030.

Thành phố cũng sẽ tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; phấn đấu đến năm 2025, 100% các huyện, các xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 30% số xã đạt chuấn nông thôn mới nâng cao; 15% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; đến năm 2030 Thành phố có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Phấn đấu đến thu nhập của nông dân khu vực nông thôn đạt 65 triệu đồng/người/năm trở lên vào năm 2025 và đạt 80 triệu đồng/người/năm trở lên vào năm 2030; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên khu vực nông thôn đạt trên 95% vào năm 2025 và đạt trên 98% vào năm 2030; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn dưới 1% (theo tiêu chí mới) vào năm 2025 và còn dưới 0,5% (theo tiêu chí mới) vào năm 2030.

Quang Huy