Các đồng chí lãnh đạo TP Hà Nội tham dự Đại hội đại biểu các cơ quan TP nhiệm kỳ 2020-2025. (Ảnh: TA)

 

 Triển khai đồng bộ, bài bản

Với quyết tâm chính trị cao, Hà Nội triển khai đồng bộ công tác xây dựng Đảng từ việc chủ động quán triệt, triển khai nghiêm túc, bài bản các nghị quyết của Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; các quy định về nêu gương; Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, hệ thống chính trị; Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp; Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức...

Trong đó, công tác chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) được tiến hành đồng bộ và đạt nhiều kết quả quan trọng. Nhìn chung, các cấp ủy, tổ chức đảng từ Thành phố tới cơ sở đã triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả 4 nhóm giải pháp chủ yếu của Nghị quyết, trọng tâm là nhóm giải pháp tự phê bình, phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và nhóm giải pháp về tổ chức, cán bộ, gắn với thực hiện Chương trình số 01-CTr/TU ngày 26/4/2016 của Thành ủy về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ; tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, tạo sự chuyển biến mạnh về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng hệ thống chính trị các cấp thực sự trong sạch, vững mạnh”. Đây là chương trình có ý nghĩa “cốt lõi, xương sống”của Thành ủy. Do đó, Thành ủy và các cấp ủy trực thuộc đã triển khai quyết liệt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp, các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình bằng các đề án, đề tài, chuyên đề cụ thể, trong đó có nhiều việc mới, việc khó đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn.

Những việc thực hiện nêu trên đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên, tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng, có tác dụng cảnh báo, răn đe, ngăn chặn các hành vi tiêu cực; nâng cao nhận thức, ý thức tu dưỡng, rèn luyện về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Điểm nhấn là công tác tổ chức cán bộ, đặc biệt là xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ có chuyển biến tốt hơn. Qua kiểm điểm tự phê bình, từng tập thể cấp ủy và mỗi cán bộ, đảng viên đã nỗ lực, quyết tâm tự sửa chữa, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; kịp thời phát hiện, biểu dương, nhân rộng nhân tố điển hình, ngăn chặn các biểu hiện suy thoái, tiêu cực và xử lý nghiêm vi phạm, tạo ra bước chuyển biến mới về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Cùng với đó, công tác chính trị tư tưởng gắn với việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được chú trọng và tăng cường. Chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng và tổng kết thực tiễn được nâng lên. Trong nhiệm kỳ, Thành ủy đã tham mưu cho Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 11 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011 - 2020, Quốc hội ban hành Luật Thủ đô; chỉ đạo tổng kết, đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội (khóa XII) về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô; 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới ở Hà Nội, 9 chương trình và nhiều đề án công tác lớn của Thành ủy (khóa XV).

Phương thức lãnh đạo của cấp ủy các cấp tiếp tục được đổi mới, bảo đảm bài bản, khoa học, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm. Thành công nổi bật trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm kỳ qua là, Thành ủy đã, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XV thành 9 chương trình công tác lớn; xác định rõ 5 nhiệm vụ chủ yếu và 2 khâu đột phá, kết hợp với xác định chủ đề công tác từng năm để tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả. Đổi mới mạnh mẽ phong cách công tác, lề lối làm việc, thực hiện “nói đi đôi với làm”, tiến hành phân cấp mạnh cho cơ sở, đề cao trách nhiệm cá nhân, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, địa phương, đơn vị. Bám sát thực tiễn, gần dân; tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện, ngăn ngừa và xử lý kịp thời các vi phạm, nhất là những vấn đề nổi cộm, bức xúc, phát sinh.  

Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, vai trò, trách nhiệm của các tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng cao. Cải cách hành chính trong Đảng và hệ thống chính trị các cấp tiếp tục được đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả, đặc biệt là trong việc xây dựng, hoàn thiện, chỉ đạo thực hiện tốt các quy chế, quy định và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; dân chủ trong Đảng và đời sống xã hội tiếp tục được mở rộng; quyền làm chủ của nhân dân và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân Thủ đô ngày càng được phát huy.

Với 13 chuyên đề, 4 nhóm chỉ tiêu, 8 nhóm giải pháp, Chương trình số 07-CTr/TU về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, giai đoạn 2016 - 2020” đã được các cấp, ngành thành phố tổ chức triển khai thực hiện với tinh thần chủ động; cách làm, bước đi chặt chẽ, bài bản, khoa học và có nhiều tính sáng tạo, bước đầu đã đạt được kết quả nhất định ở cả hai lĩnh vực phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thông được thực hiện nghiêm túc, kịp thời, đầy đủ, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân...

Những điểm nhấn không thể phai mờ

Với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của hệ thống chính trị, đến nay, công tác kết quả công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ TP Hà Nội nhiệm kỳ 2015-2020 thể hiện sinh động, thuyết phục trên từng lĩnh vực. Cụ thể, việc chỉ đạo quán triệt, hướng dẫn triển khai tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và của Thành ủy tiếp tục được đổi mới, bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng được triển khai tích cực, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng bộ và sự đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân Thủ đô đối với Đảng bộ và sự nghiệp đổi mới của Đảng. Công tác lãnh đạo các hoạt động báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ được quan tâm, kịp thời nắm bắt, định hướng tư tưởng, hướng dẫn dư luận, đấu tranh có hiệu quả với âm mưu “diễn biến hòa bình” và thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, góp phần giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc và mới phát sinh về tư tưởng trên địa bàn. Việc quán triệt, nghiên cứu, học tập các Nghị quyết của Trung ương và Thành ủy được triển khai sâu rộng, tăng cường hội nghị trực tuyến đến tận xã, phường, thị trấn...

 

Đến nay, 50/50 đảng bộ cấp trên cơ sở TP Hà Nội đã tổ chức thành công đại hội nhiệm kỳ 2020-2025. (Ảnh:TA)

 

Công tác tổ chức, cán bộ tiếp tục được đổi mới và có chuyển biến tích cực, tập trung lãnh đạo thực hiện tốt Chương trình số 01 của Thành ủy về xây dựng Đảng. Trọng tâm là, lãnh đạo xây dựng hệ thống chính trị các cấp vững mạnh, xây dựng, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 09 của Thành ủy, tạo bước chuyển biến mạnh về công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của chủ doanh nghiệp và người lao động đối với nhiệm vụ xây dựng Đảng và hệ thống chính trị các cấp; phát huy được vai trò, tác dụng của các tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp. Đến nay, đã thành lập mới 540 tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, kết nạp 3.117 đảng viên, trong đó có 16 chủ doanh nghiệp tư nhân.

Thành ủy, các cấp ủy thành phố Hà Nội đã dành nhiều công sức củng cố, sắp xếp, kiện toàn, hoàn thiện mô hình tổ chức, bộ máy của cả hệ thống chính trị. Mặc dù phải thực hiện khối lượng công việc rất lớn, phức tạp, nhưng luôn bảo đảm đoàn kết, thống nhất, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Ban Thường vụ Thành ủy đã sắp xếp, củng cố, kiện toàn các đảng bộ trực thuộc Thành ủy giảm từ 59 còn 50 đảng bộ. Riêng giai đoạn 2018-2020, khối các cơ quan Đảng, đoàn thể, chính quyền giảm hơn 1.900 biên chế và dự kiến giảm 19.052 biên chế viên chức các đơn vị sự nghiệp công lập khi thực hiện tự chủ tài chính. Ở cấp cơ sở, sau sắp xếp, toàn thành phố đã giảm 5 đơn vị hành chính cấp xã; 2.708 thôn, tổ dân phố; 985 chi bộ và 33.583 người hoạt động không chuyên trách. Kết quả này khắc phục được tình trạng cồng kềnh về bộ máy và chồng chéo trong lãnh đạo, chỉ đạo kéo dài trong nhiều năm, bước đầu nâng cao được chất lượng hoạt động hệ thống chính trị ở cơ sở.

Đảng bộ chú trọng củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở đảng, nhất là cấp chi bộ. Công tác đánh giá chất lượng tổ chức đảng; quản lý, phát triển đảng viên, nhất là đảng viên trong đội ngũ trí thức, học sinh, sinh viên được chú trọng. Số lượng tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh, đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, số đảng viên được kết nạp hằng năm,... đều đạt và vượt chỉ tiêu Đại hội XV. Trong nhiệm kỳ 2015-2020, toàn Đảng bộ kết nạp 64.998 đảng viên; bình quân kết nạp gần 13.000/năm.

Việc đánh giá, quy hoạch, bố trí, sắp xếp, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển và thực hiện chính sách cán bộ được chỉ đạo thực hiện đồng bộ, dân chủ, công khai, minh bạch, hiệu quả. Trong nhiệm kỳ, đã điều động, luân chuyển được gần 180 cán bộ Thành ủy quản lý. Thực hiện tốt Chỉ thị 07 của Ban Thường vụ Thành ủy về quy hoạch, đào tạo và sử dụng cán bộ nữ, cán bộ trẻ để chuẩn bị nhân sự cho đại hội đảng các cấp. Toàn Thành phố đã đào tạo được 1.250 cán bộ nguồn khối đảng, đoàn thể, chính quyền và 106 cán bộ dự nguồn cấp ủy của Thành phố. 

Điểm nhấn của công tác xây dựng Đảng chính là công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường và thực hiện có hiệu quả. Nội dung kiểm tra, giám sát tập trung vào một số trọng tâm, như: việc thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác lớn của Thành phố; các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII); công tác quản lý đất đai, tài chính, quy hoạch đô thị, dự án đầu tư, công tác tổ chức cán bộ, thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Thành ủy Hà Nội tăng cường kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và giám sát chuyên đề, nhất là những địa phương, đơn vị có nhiều hạn chế, khuyết điểm, nội bộ có biểu hiện mất đoàn kết, dư luận bức xúc và các cơ quan báo chí phản ánh. Thành ủy, các cấp ủy đã kiểm tra 9.810 lượt tổ chức Đảng, 4.309 đảng viên; giám sát 4.786 lượt tổ chức Đảng, 3.900 đảng viên; qua đó thi hành kỷ luật 4.143 đảng viên (khiển trách 3.088 đảng viên, cảnh cáo 622 đảng viên, cách chức 72 đảng viên, khai trừ 361 đảng viên) và thi hành kỷ luật 59 tổ chức Đảng. 

Công tác dân vận được quan tâm và đạt kết quả tích cực. Hệ thống dân vận từ Thành phố đến cơ sở được củng cố, kiện toàn, phương thức hoạt động tiếp tục được đổi mới; chất lượng, hiệu quả hoạt động được nâng lên. Việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở được mở rộng và chỉ đạo quyết liệt, tạo đồng thuận trong xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh của Thủ đô. Công tác tôn giáo, dân tộc được chú trọng, giải quyết thành công nhiều việc mới, việc khó; đời sống đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn được cải thiện tốt hơn...

Công tác nội chính của Thành ủy Hà Nội đã góp phần quan trọng bảo đảm an ninh quốc gia, không để hình thành các tổ chức đối lập, các hoạt động gây rối, khủng bố, phá hoại. Hà Nội đã bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu trọng điểm; các sự kiện quan trọng của quốc gia, quốc tế diễn ra trên địa bàn; tăng cường bảo đảm an ninh nông thôn, an ninh tôn giáo, an ninh đô thị. Nhiều vụ việc khiếu kiện đông người, nổi cộm, phức tạp, bức xúc kéo dài được giải quyết...

Kết quả ấn tượng về công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ 2015-2020 là cơ sở, nền tảng để Đảng bộ TP Hà Nội tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong nhiệm kỳ 2020-2025. Và trước tình hình mới cũng đặt ra cho Đảng bộ TP Hà Nội nhiều thách thức, trong đó TP tiếp  tụcxác định công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng vẫn giữ vị trí then chốt và cấp bách, có ý nghĩa quyết định đối với việc giữ vững, phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng bộ TP Hà Nội trong thời gian tới./.

 

 

 

 

 

 

 

Trung Anh