Kinh tế phát triển làm cho bộ mặt Thủ đô ngày càng khang trang, sạch đẹp.


Ngày càng xứng đáng vai trò là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế

Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP Hà Nội với nhiều cách làm sáng tạo và quyết liệt, nỗ lực, quyết tâm thực hiện, đưa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thủ đô và Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ TP đi vào cuộc sống. Thành ủy đã triển khai kịp thời, hiệu quả 8 chương trình công tác lớn toàn khóa, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá và đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện, có nhiều dấu ấn nổi bật.

Cụ thể, kinh tế Thủ đô liên tục tăng trưởng và đạt mức khá trong cả nhiệm kỳ. Mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số nhưng Hà Nội đóng góp trên 16% GDP, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước, ngày càng xứng đáng vai trò là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Bình quân giai đoạn 2016 - 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 7,39%, đạt mục tiêu đề ra (từ 7,3 - 7,8%), cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (6,93%). Năm 2020, quy mô GRDP ước đạt 1,06 triệu tỷ đồng, khoảng 45 tỷ USD; GRDP bình quân đầu người ước đạt 5.420 USD, tăng 1,5 lần so với năm 2015, gấp 1,8 lần bình quân cả nước. Thu ngân sách giai đoạn 2016 - 2020 đạt gần 1.200 nghìn tỷ đồng, gấp 1,64 lần giai đoạn 2011 - 2015.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng hiện đại, tỷ trọng khu vực công nghiệp và dịch vụ tăng; khu vực nông nghiệp giảm còn 2,09%. Tăng trưởng khu vực dịch vụ bình quân 7,12%/năm. Hạ tầng thương mại nội địa được chú trọng phát triển. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 10,91%/năm; các hình thức thanh toán trên nền tảng công nghệ hiện đại, thương mại điện tử phát triển mạnh, chiếm khoảng 7% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ. Du lịch dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn có mức tăng doanh thu 12,1%/năm; năm 2019 đón hơn 7 triệu khách quốc tế - Hà Nội nằm trong top 10 điểm đến hàng đầu thế giới…


Để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã có rất nhiều các cuộc làm việc với các Bộ, ngành Trung ương.


Đáng chú ý, khu vực công nghiệp tăng bình quân 8,3%/năm, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng chủ yếu (khoảng 91%). Một số lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao đã có bước phát triển khá như: Điều khiển kỹ thuật số, tự động hóa, rô-bốt, nano, công nghệ sinh học… Hà Nội luôn là địa phương dẫn đầu cả nước về doanh thu công nghiệp ICT (năm 2019 đạt gần 300 nghìn tỷ đồng), với 16.000 doanh nghiệp công nghệ thông tin trên địa bàn và có 2 trên tổng số 5 khu công nghiệp công nghệ thông tin tập trung của cả nước. Hạ tầng khu, cụm công nghiệp tiếp tục được phát triển; đã có 17 khu công nghiệp, khu công nghệ cao; 70 cụm công nghiệp đang hoạt động ổn định, 43 cụm công nghiệp mới.

Ngành xây dựng tăng trưởng vượt trội với tốc độ trung bình 11,65%/năm, cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (6,49%), tỷ trọng trong GRDP tăng từ 6,42% năm 2015 lên 7,78% năm 2020, góp phần quan trọng tạo diện mạo đô thị mới, hiện đại cho Thủ đô.

Điểm nhấn nữa là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt kết quả vượt bậc, giai đoạn 2016 - 2020 đạt 25 tỷ USD, gấp 3,9 lần giai đoạn 2011 - 2015. Khu vực kinh tế tư nhân có bước phát triển, đóng góp trên 22% trong GRDP, tăng hơn 1,2 điểm % so với năm 2015, giải quyết khoảng 83% lao động xã hội. Doanh nghiệp mới thành lập tăng cả về số lượng và vốn đăng ký. Lũy kế 5 năm có khoảng 130 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, gấp 1,6 lần giai đoạn trước; vốn đăng ký bình quân khoảng 14,2 tỷ đồng, gấp 2 lần so với giai đoạn 2011 - 2015.

Theo đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, điều đặc biệt nhất trong nhiệm kỳ vừa qua là xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, đạt kết quả toàn diện, nổi bật. Đến cuối năm 2020, có 10 huyện và 371 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 96,1%, hoàn thành trước hạn 2 năm mục tiêu đề ra, là địa phương có số xã đạt chuẩn nông thôn mới dẫn đầu cả nước. Triển khai và xây dựng được 15 xã nông thôn mới nâng cao. Cơ bản hoàn thành việc dồn điền đổi thửa; chuyển đổi hơn 40 nghìn ha đất trồng lúa sang các mô hình sản xuất hiệu quả cao hơn. Nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh cây ăn quả; chăn nuôi tập trung; trồng hoa, cây cảnh cho hiệu quả kinh tế cao. Bước đầu đã hình thành được các chuỗi liên kết trong sản xuất an toàn thực phẩm. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt kết quả tốt; đã có 1.000 sản phẩm, vượt mục tiêu đề ra và chiếm 41% cả nước. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ước đạt 55 triệu đồng, gấp 1,36 lần năm 2016.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, Đỗ Mạnh Quyền cho biết, nhiệm kỳ qua, một trong những dấu ấn của Hà Nội là huy động và phát huy hiệu quả các nguồn lực xã hội, đẩy mạnh xã hội hóa, mở rộng liên kết. Trong đó, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 1,74 triệu tỷ đồng, gấp 1,65 lần giai đoạn trước, bằng 39,2% GRDP. Xã hội hóa đầu tư được đẩy mạnh, nhất là đối với các lĩnh vực: Cấp nước, bãi đỗ xe, xử lý chất thải, nước thải, hạ tầng công nghệ thông tin, giáo dục, y tế... Cơ cấu đầu tư xã hội dịch chuyển rõ nét; khu vực nhà nước giảm từ 43,44% năm 2015 xuống khoảng 33,88% năm 2020, khu vực ngoài nhà nước và đầu tư nước ngoài tăng nhanh. Vốn đầu tư nước ngoài năm 2019 đạt 8,67 tỷ USD, cao nhất sau hơn 30 năm mở cửa và hội nhập, là năm thứ 2 liên tiếp dẫn đầu cả nước. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp 12,8% về vốn, 10,4% về thu ngân sách và góp phần tích cực chuyển giao công nghệ, tạo việc làm và đào tạo kỹ năng cho người lao động, tham gia vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu….

Nỗ lực cạnh tranh với các thành phố trong khu vực và thế giới

Tuy nhiên, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ, Hà Nội vẫn còn những tồn tại hạn chế. Mặc dù kinh tế có tốc độ tăng trưởng khá, sức chống chịu khá tốt trước những tác động từ bên ngoài và đại dịch COVID-19, nhưng nhìn chung, Hà Nội chưa tạo được các “đột phá lớn” và chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Thành phố. Ngành dịch vụ tăng trưởng dưới tiềm năng, thấp hơn mức tăng GRDP chung. Năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm chủ lực, mũi nhọn chưa cao. Chuyển dịch cơ cấu lao động chưa đồng bộ với chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư, nhất là đầu tư công còn chậm.



Thủ tướng Chính phủ trao chứng nhận đầu tư cho các dự án tại Hội nghị ''Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển''. 

Cùng với đó, việc sắp xếp, cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước chưa đạt mục tiêu. Khu vực kinh tế tư nhân chưa thực sự là một động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế; số lượng doanh nghiệp tư nhân tăng chậm, phần lớn quy mô nhỏ và siêu nhỏ; mức tăng vốn thấp hơn bình quân chung cả nước. Các chỉ số: Hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS); Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) còn ở vị trí thấp so với cả nước.Tỷ lệ đất dành cho giao thông, tỷ lệ vận tải hành khách bằng phương tiện công cộng, xử lý ô nhiễm môi trường không khí, kiểm soát và xử lý nước thải... chưa đạt kế hoạch.

Để khắc phục những vấn đề này, Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP diễn ra tới đây đã xác định mục tiêu, nhiệm vụ và những trọng tâm phát triển Thủ đô giai đoạn 5 năm 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, Báo cáo chính trị đề ra 4 nhóm chỉ tiêu với 20 chỉ tiêu chủ yếu trên các lĩnh vực… Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu rõ, mục tiêu của Hà Nội từ nay đến năm 2025 là phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) bình quân đầu người đạt từ 8.300 đến 8.500 USD. Đây là một mục tiêu lớn và khó, đòi hỏi quyết tâm rất cao trong thực hiện, đòi hỏi cách làm mới, sáng tạo. Chính vì vậy, thành phố đã xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm và chọn 3 khâu đột phá về kết cấu hạ tầng; thể chế, cơ chế, chính sách; văn hóa và nguồn nhân lực.

Trao đổi với chúng tôi, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Nguyễn Văn Phong thông tin, trong nhiệm kỳ tới, Thành ủy Hà Nội sẽ xây dựng 10 chương trình công tác toàn khóa, trong đó, có 3 chương trình mới so với nhiệm kỳ trước là chương trình về thúc đẩy đổi mới sáng tạo; chương trình về chỉnh trang đô thị, phát triển kinh tế đô thị và chương trình về đảm bảo an sinh, phúc lợi cho người dân để người dân là người thụ hưởng các thành quả phát triển của Thành phố. Ngoài ra, Thành ủy phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong nhiệm kỳ tới, trong đó, có 20% số xã nông thôn mới kiểu mẫu, 40% số xã nông thôn mới nâng cao.


Xây dựng nông thôn mới được coi là dấu ấn đặc biệt trong nhiệm kỳ 2015 - 2020.

 
Nhấn mạnh về 3 khâu đột phá: Ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội; đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách và phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực quản lý xã hội, quản trị kinh tế, nhân lực ngành văn hóa, du lịch…, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy cho biết, đây là nút thắt, giải quyết được sẽ tạo sự lan tỏa sang các ngành, lĩnh vực khác. Trong đó về thể chế, Trung ương đã cho Hà Nội thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị; đồng thời cũng đã thống nhất sẽ sửa đổi Luật Thủ đô; đặc biệt tới đây, thành phố sẽ tăng cường phân cấp phân quyền, từ đó tạo cơ hội cho sự chủ động hơn trong điều hành, để tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển…

Đáng chú ý, điểm mới trong Báo cáo chính trị là Hà Nội không đặt mục tiêu cạnh tranh với các tỉnh, thành phố trong nước mà sẽ nỗ lực cạnh tranh với các thành phố trong khu vực và thế giới. Cụ thể, mục tiêu đến năm 2025 sẽ là thành phố lớn trong khu vực, năm 2030 cạnh tranh tầm châu Á, năm 2045 phấn đấu là thành phố lớn trên thế giới, có tính kết nối toàn cầu.

Tại buổi làm việc của Bộ Chính trị với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội diễn ra mới đây về công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Bộ Chính trị cho rằng, với GRDP bình quân đầu người đạt 5.420 USD, Hà Nội bước sang giai đoạn phát triển mới, khác về chất, do đó cần nghiên cứu, bổ sung một số chỉ tiêu phát triển bền vững như chỉ số phát triển con người, tuổi thọ, chỉ số bền vững môi trường… Hà Nội cần hướng tới trình độ phát triển ngang tầm khu vực và quốc tế; phân tích sâu hơn nguyên nhân của việc thành phố chưa tạo được các “đột phá lớn” cho phát triển kinh tế; làm rõ hơn việc thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển Thủ đô (Luật Thủ đô, Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Quốc hội…).

Bộ Chính trị lưu ý, Hà Nội phải đánh giá, làm rõ vai trò trung tâm của Thủ đô là đầu tàu dẫn dắt, đồng thời chia sẻ lợi ích với các địa phương trong vùng và cả nước, từ đó đề ra chiến lược phát triển Thủ đô giai đoạn 2020 - 2025, là động lực lan tỏa, hạt nhân để gắn kết hiệu quả, bền vững và tích hợp được tiềm năng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, trong vai trò trung tâm, cửa ngõ quốc tế và thể hiện vai trò hạt nhân, tiên phong, dẫn dắt của Hà Nội.


Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về công tác chuẩn bị Đại hội XVII Đảng bộ TP, nhiệm kỳ 2020-2025.


Nói về sự phát triển của Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân TP Hà Nội cần nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn nữa vị trí, vai trò, vị thế và trách nhiệm của Thủ đô và Đảng bộ Thủ đô. Hà Nội có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng, vì Hà Nội là Thủ đô của cả nước, Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người, bộ mặt của quốc gia, trái tim của cả nước, thành phố vì hòa bình. Vị thế Hà Nội bây giờ khác xưa nhiều, quy mô lớn, không chỉ có 36 phố phường, không chỉ có Cổ Loa, mà bây giờ mở rộng ra rất nhiều. Nếu nói đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay, thì Hà Nội chưa bao giờ có được quy mô, vị thế, tầm vóc và yêu cầu cao như bây giờ…. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, cần khơi dậy tinh thần tự hào, tình yêu, trách nhiệm với Hà Nội, nơi tụ khí của tinh hoa, địa linh nhân kiệt… Yêu cầu đặt ra đối với Hà Nội không thể như với các địa phương khác, mà phải cao hơn các địa phương khác. Hà Nội phải đi đầu, mẫu mực, làm gương về tất cả mọi phương diện, lâu nay đã quyết tâm rồi, Đại hội tới đây cần có bước chuyển biến mới - đây là yêu cầu khách quan…/.

 


Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, xây dựng Đảng bộ Thành phố có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, GRDP/người đạt 8.300 - 8.500 USD.
Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô; GRDP/người đạt 12.000 - 13.000 USD.

Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là Thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD. 




 



Bài và ảnh: Thu Hà