Các đồng chí chủ trì buổi làm việc.
Ngày 9/2, dưới sự chủ trì của đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã làm việc với quận Long Biên về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 và những năm tiếp theo.
Cùng chủ trì buổi làm việc có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong.
Điểm sáng về xây dựng, phát triển đô thị
Báo cáo tại cuộc làm việc, Bí thư Quận ủy Long Biên Đường Hoài Nam cho biết, sau 19 năm xây dựng và phát triển, với tinh thần chủ động, đổi mới, phát huy dân chủ, Đảng bộ quận đã thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; các chỉ thị, nghị quyết của thành phố; phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực của địa phương; đoàn kết vượt qua khó khăn, thách thức, xây dựng quận Long Biên từng bước hướng tới đô thị, văn minh, hiện đại.
Quận luôn duy trì tốc tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm ở mức cao (từ 15-21%/năm). Cơ cấu ngành kinh tế có sự chuyển dịch đúng định hướng, đến hết năm 2022, tỷ trọng ngành thương mại, dịch vụ chiếm 73,4%, trong đó ưu tiên phát triển những ngành, lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh như: Trung tâm thương mại lớn, dịch vụ Logistic, dịch vụ giáo dục, y tế chất lượng cao, tài chính ngân hàng, vui chơi giải trí, du lịch, ẩm thực và lưu trú, kinh doanh ô tô... Lĩnh vực Công nghiệp - Xây dựng chiếm tỷ trọng 26,5%. Sản xuất nông nghiệp giảm còn 0,1%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 là 86,9 triệu/người/năm, dự kiến năm 2025 sẽ là 107 triệu/người/năm.
Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn quận hàng năm đều đạt và vượt so với kế hoạch giao, tạo nguồn lực quan trọng đầu tư phát triển trên địa bàn. Các thành phần kinh tế phát triển mạnh, số doanh nghiệp trên địa bàn tăng nhanh, với 10.152 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng gấp 15,7 lần so năm 2004 (647 doanh nghiệp) và trên 11.000 hộ kinh doanh cá thể.
Đáng chú ý, sau 19 năm thành lập, đến nay, Long Biên đã cơ bản hoàn thiện hệ thống hạ tầng khung, với 100% đường giao thông trên địa bàn được đầu tư, cải tạo, nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường đô thị. Quận đã triển khai 64 dự án từ quỹ đầu tư phát triển Thành phố với tổng kinh phí 6.850 tỷ đồng; 928 dự án từ nguồn ngân sách quận với tổng kinh phí 8.820 tỷ đồng... thông qua đó đã khớp nối hạ tầng khu vực với các quận, huyện bạn, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
Năm 2022, quận đã hoàn thành toàn bộ 16/16 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, với 4 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Trong đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 16,7%, gần gấp đôi tốc độ tăng trưởng của thành phố. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 là 86,9 triệu/người/năm. Quận không còn hộ nghèo.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo quận Long Biên đã nêu nhiều kiến nghị với Thành phố trong lĩnh vực xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và phát triển kinh tế - xã hội. Đáng chú ý, quận kiến nghị Trung ương, Thành phố chỉ đạo di dời 14 cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm và không phù hợp quy hoạch. Đồng thời, tháo gỡ khó khăn trong việc triển khai các dự án phục vụ phát triển thương mại, dịch vụ trên địa bàn quận như: Dự án Công viên công nghệ Thông tin Hà Nội; Trung tâm Logistics Hateco - Cảng cạn ICD Long Biên; Công viên Chuyên đề tại ô Quy hoạch C.6/CXTP; Điều chỉnh bất cập Quy hoạch phân khu đô thị N10; Cụ thể hoá Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 và Quy hoạch phân khu đô thị sông Đuống (R6), tỷ lệ 1/5000…
Quận cũng kiến nghị Thành phố giao cho quận lập Đề án quản lý 883 ha đất nông nghiệp khu vực ngoài đê (gồm 751,22ha đất nông nghiệp giao cho các hộ dân; 32,6ha đất công ích; 74,2ha đất nông nghiệp khác; 25,07 ha đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản) và 341,2 ha đất chưa sử dụng (bãi bồi ven sông Hồng, sông Đuống).
Đưa Long Biên trở thành điểm đến hấp dẫn, nơi đáng sống
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu chỉ đạo và kết luận buổi làm việc.
Tiếp đó, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ban, ngành tập trung thảo luận, giải đáp các kiến nghị của quận. Thường trực Thành ủy Hà Nội biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân quận Long Biên đạt được sau gần 20 năm thành lập; cho rằng, sự phát triển của quận hiện nay đang đi đúng hướng, là minh chứng rõ nét cho chủ trương đúng đắn xây dựng và phát triển các huyện lên quận. Do vậy, từ những kết quả sau 20 năm thành lập, Long Biên cần mạnh dạn, dám nghĩ những vấn đề lớn lao hơn, thay đổi về chất trong quá trình phát triển; xây dựng quận vừa văn minh hiện đại, vừa giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống để Long Biên là đô thị đáng sống, với chỉ số hạnh phúc cao.
Đánh giá cao Long Biên là quận có nhiều cách làm năng động, chủ động, sáng tạo, được thành phố nhân rộng, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, với đặc thù là quận có tốc độ đô thị hóa rất cao, do vậy, Long Biên cần tiếp tục quan tâm, làm tốt công tác quản lý đô thị, chỉnh trang đô thị, gắn với thực hiện hiệu quả Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về "Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025".
Theo Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh, từ những kết quả sau 20 năm thành lập, Long Biên cần phân tích, đánh giá sâu hơn về bài học kinh nghiệm, về nguyên nhân đạt được những kết quả trên. Đồng chí gợi mở, phải chăng đó là sự nhất quán, xuyên suốt từ đầu trong công tác quy hoạch; sự vững mạnh của hệ thống chính trị từ quận tới cơ sở. Về các kiến nghị của quận Long Biên, Chủ tịch UBND Thành phố giao Văn phòng UBND Thành phố phối hợp với Văn phòng Thành ủy rà lại từng việc, sớm tham mưu thông báo của Thường trực Thành ủy, trên cơ sở đó, Thường trực Quận ủy Long Biên bám sát từng việc, cùng các sở, ngành Thành phố tập trung tham mưu giải quyết từng việc, từng kiến nghị với những mốc thời gian hoàn thành cụ thể.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đánh giá cao quận Long Biên luôn chủ động, tích cực, đăng ký làm điểm đối với các nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của Thành phố. Đồng chí đề nghị quận kế thừa, phát huy những kết quả đạt được, tiếp tục quan tâm và triển khai hiệu quả các lĩnh vực công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Thay mặt Thường trực Thành ủy kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhìn nhận, mặc dù mới thành lập được 20 năm, nhưng quận Long Biên đã có bước phát triển toàn diện, ấn tượng, nhiều lĩnh vực đi đầu, là điểm sáng của thành phố. Nguyên nhân hàng đầu là nhờ Đảng bộ quận luôn đoàn kết, có quyết tâm và hoài bão phát triển, có nhiều đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, thách thức.
Lưu ý bên cạnh những kết quả đạt được, quận Long Biên còn một số hạn chế tồn tại cần tập trung khắc phục trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng chỉ đạo quận tiếp tục tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tạo đồng thuận trong Đảng, trong nhân dân làm cơ sở huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân thực hiện các nghị quyết của Đảng, các nhiệm vụ chính trị được giao.
Đối với công tác xây dựng Đảng, tiếp tục nắm chắc tình hình, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng; đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII); kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”... Tiếp tục đổi mới tư duy, phương thức lãnh đạo của cấp ủy tổ chức Đảng; thống nhất ý chí, quyết tâm hành động; phát huy hơn nữa tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm xây dựng quận Long Biên văn minh, thanh lịch, hiện đại, đáng sống.
Các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội xem sa bàn quy hoạch phát triển quận Long Biên.
Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị quận Long Biên cần tiếp tục rà soát đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị ngày càng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao năng lực quản lý, điều hành, quan tâm thực hiện việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị; làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch phát triển đô thị, quản lý đất đai, trật tự xây dựng và môi trường; cập nhật những chủ trương mới như công nghiệp văn hóa vào chương trình, kế hoạch công tác, tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng; giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống, đưa Long Biên trở thành điểm đến hấp dẫn, nơi đáng sống...
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, thành phố sẽ chọn Long Biên là một trong những nơi ưu tiên làm điểm những vấn đề mới của thành phố trên các lĩnh vực, kể cả giao cho quận làm chủ đầu tư những dự án của thành phố trên địa bàn, qua đây tạo sức bật mới cho quận. Do đó, quận chú trọng thực hiện nhiệm vụ phân cấp, ủy quyền, nhất là khâu cụ thể hóa; qua đó tham mưu, kiến nghị cụ thể đối với hơn 700 thủ tục hành chính đã phân cấp, ủy quyền và các thủ tục còn lại...
Trước đó, mở đầu chuyến công tác, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và đoàn đã tham quan Cụm di tích lịch sử cấp quốc gia Đình - chùa Lệ Mật (phường Việt Hưng). Đây là cụm di tích mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, kết nối những giá trị làng trong phố đã được bảo tồn, nâng cấp hiệu quả, có sức lan tỏa trong đời sống đô thị./.