Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải báo cáo tại kỳ họp. 

Kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội

Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; thu - chi ngân sách 8 tháng của năm 2021 và nhiệm vụ trọng tâm các tháng cuối năm 2021 tại kỳ họp thứ hai HĐND TP Hà Nội sáng 22/9, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho biết, thành phố tiếp tục thực hiện mục tiêu “phát triển kinh tế - xã hội gắn với phòng, chống dịch COVID-19 và bảo đảm an sinh xã hội”. Nhiều chủ trương, biện pháp, cơ chế chính sách đặc thù đã được ban hành và tổ chức thực hiện kịp thời. Đến ngày 16/9/2021 ngân sách các cấp Thành phố đã hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 khoảng 850 tỷ đồng.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý II tăng 6,61%, cao hơn quý I (5,17%), góp phần thúc đẩy tăng trưởng chung 6 tháng đạt 5,91% - cao hơn mức tăng chung của cả nước (5,64%) và mức tăng cùng kỳ năm 2020 (2,92%). Một số chỉ tiêu 8 tháng của năm 2021 duy trì tăng khá: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,3% (cùng kỳ tăng 4,1%); năng suất lúa vụ đông xuân tăng 2,1 tạ/ha so với cùng kỳ; tổng vốn đầu tư xã hội đạt 164,4 nghìn tỷ đồng, tăng 8,4% (cùng kỳ tăng 5,9%).

Do tác động bởi đại dịch COVID-19, đặc biệt là đợt dịch thứ tư và trải qua 4 đợt giãn cách xã hội, một số chỉ tiêu 8 tháng của năm 2021 đạt thấp so với kế hoạch và cùng kỳ năm 2020: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 6,3%; kim ngạch xuất khẩu giảm 5,2%; doanh thu vận tải hành khách giảm 2,3%, vận tải hàng hóa tăng 0,5% (cùng kỳ tăng 2,1%); khách du lịch quốc tế giảm 83,3%.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 164.483 tỷ đồng, đạt 69,8% dự toán Trung ương giao (đạt 65,4% dự toán thành phố giao), tăng 10,3% cùng kỳ (chưa bao gồm 13.200 tỷ đồng được gia hạn theo Nghị định số 52/NĐ-CP ngày 19-4-2021 của Chính phủ). Thành phố đã thực hiện điều hành ngân sách tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo cân đối ngân sách; chỉ đạo kịp thời các sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc Thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện rà soát, cắt giảm và tiết kiệm theo Nghị quyết số 581 của Chính phủ là 1.167,7 tỷ đồng để bổ sung nguồn phòng, chống dịch COVID-19; đồng thời tiếp tục thực hiện rà soát, cắt giảm chi thường xuyên năm 2021, thu hồi các khoản chi ngân sách thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để tập trung nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch...

Thành phố đã xây dựng và tổ chức triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn giai đoạn 2021-2025; đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đến nay, đã có 13/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 368/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 96,3%), 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao…

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải, tăng trưởng GRDP 6 tháng được duy trì và cao hơn cùng kỳ năm 2020, tuy nhiên do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên mức độ đạt được thấp hơn khá nhiều so với cùng kỳ năm 2019 và thấp hơn kịch bản cơ sở (7,5%) đưa ra đầu năm.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho biết, Thành phố hiện đang giao các ngành tập trung phân tích và tham mưu kế hoạch phục hồi và xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế căn cứ theo lộ trình chuyển trạng thái trong tình hình mới.

Với mục tiêu phấn đấu đạt cao nhất chỉ tiêu kế hoạch năm 2021, UBND TP xác định thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan hành chính các cấp. Tiếp tục phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, chung sức đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân Thủ đô trong công tác phòng, chống và kiểm soát dịch COVID-19 với phương châm “5K + vắc xin + thuốc điều trị + công nghệ”; thiết lập trạng thái “bình thường mới” để ổn định đời sống nhân dân và thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

Tập trung thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ 17, các kế hoạch thực hiện 10 Chương trình công tác của Thành ủy. Thực hiện chủ đề năm 2021 và triển khai kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2025 sau khi HĐND TP thông qua.

Chỉ đạo các cấp, các ngành sớm hoàn thiện và tham mưu báo cáo Trung ương 3 nội dung để tạo hành lang pháp lý cho chiến lược phát triển trong giai đoạn tới của Thành phố, cụ thể: Thứ nhất, điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.

Quang cảnh kỳ họp. 

 

Thứ hai, tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị và xây dựng, đề xuất ban hành Nghị quyết mới về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp lớn phù hợp cho từng thời kỳ.

Thứ ba, đánh giá kết quả thi hành Luật Thủ đô năm 2012 để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô (sửa đổi).

Bên cạnh đó, UBND TP sẽ thực hiện các giải pháp đồng bộ tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế Thủ đô dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tiếp tục phát huy các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành trong giải quyết khiếu nại, tố cáo; phát huy vai trò của các cơ quan giám sát trong phòng chống tham nhũng, lãng phí…

"Bảo vệ vững chắc vùng xanh, xanh hóa vùng vàng, thu hẹp vùng đỏ”

Báo cáo về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng cho biết, đến nay, thành phố cơ bản kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh; đã kịp thời khoanh vùng đúng và trúng các đối tượng nguy cơ cao. Hiện nay, thành phố đã điều chỉnh một số biện pháp phòng, chống dịch tại một số quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn không có ca bệnh mắc mới tại cộng đồng (vùng xanh), người dân đang thu hoạch vụ mùa; cơ sở kinh doanh, dịch vụ đã hoạt động trở lại.

Về công tác xét nghiệm và tiêm vắc xin COVID-19, để đáp ứng năng lực xét nghiệm, Sở Y tế đã huy động toàn bộ lực lượng y tế trong và ngoài công lập Thủ đô với sự vào cuộc của Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, huy động các lực lượng sinh viên của Trường cao đẳng Y Hà Nội, Hà Đông, Bệnh viện Bạch Mai... cùng với lực lượng hỗ trợ của 12 tỉnh phía Bắc để thần tốc triển khai chiến dịch tổ chức lấy mẫu. Kết quả, từ ngày 8-15/9, toàn thành phố đã lấy tổng số 4.197.528 mẫu, đạt 84% kế hoạch, qua đó phát hiện 21 ca dương tính virus SARS- CoV-2.

Từ ngày 8/9, thành phố đã tiến hành đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng tại tất cả các quận, huyện, thị xã và các điểm tiêm chủng cố định, lưu động được đặt tại các bệnh viện, trường học, phòng khám tư nhân, nhà văn hóa... đặc biệt ưu tiên và lưu ý cho lực lượng y tế tuyến đầu, người cao tuổi, các trường hợp có bệnh lý nền, phụ nữ mang thai và đẩy nhanh việc tăng độ bao phủ tiêm chủng.

Phó Chủ tịch UBND TPHà Nội Hà Minh Hải báo cáo tại kỳ họp. 

 

Bộ Y tế đã phân bổ vắc xin kịp thời và sự vào cuộc của các cấp, ngành, được sự ủng hộ của người dân, bình quân mỗi ngày trong chiến dịch đã tiêm được 420.000 - 550.000 mũi. Ngày cao điểm nhất đã tiêm 606.000 mũi.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng, người dân không được chủ quan lơ là vì tình hình dịch vẫn còn phức tạp, khó lường, trên địa bàn thành phố còn có thể xuất hiện những ca bệnh rải rác trong cộng đồng.

Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp phù hợp với từng giai đoạn của diễn biến tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố; Phân loại mức độ nguy cơ để có biện pháp phòng, chống dịch phù hợp theo nguyên tắc “bảo vệ vững chắc vùng xanh”, “xanh hóa vùng vàng”, “thu hẹp vùng đỏ”.

Đồng thời, Thành phố tiếp tục rà soát tiêm vét mũi 1 vắc xin phòng COVID-19 cho người dân từ 18 tuổi chưa tiêm hoặc hoãn tiêm, tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 trên cơ sở số vaccine được phân giao của Bộ Y tế. Nâng cao năng lực xét nghiệm trên địa bàn thành phố đồng thời huy động cả các đơn vị trong và ngoài công lập, các đơn vị Trung ương, Bộ, ngành trên địa bàn.

Thành phố cũng sẽ củng cố các “pháo đài” chống dịch tại từng phường, xã, thị trấn, lấy người dân là “chiến sĩ”, trung tâm, chủ thể phòng, chống dịch với sự vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị. Thành phố cũng phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu tiêm chủng vắc xin bao phủ cho toàn bộ người dân trên địa bàn….

Tại kỳ họp, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà đã trình bày tóm tắt báo cáo hoạt động của HĐND TP 8 tháng của năm 2021 và nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2021. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương đã thông báo về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tham gia xây dựng chính quyền 8 tháng của năm 2021, nhiệm vụ 4 tháng cuối năm 2021 và những kiến nghị với HĐND và UBND thành phố.

Các đại biểu đã nghe thư ký kỳ họp trình bày dự thảo Nghị quyết về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 8 tháng của năm 2021 và nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2021. HĐND TP thảo luận tại Hội trường và các điểm cầu về kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 8 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2021.../.

Nam Khánh