Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội 


Khơi thông vướng mắc để Thủ đô phát triển xứng tầm

Phát biểu tham luận tại Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện nghị quyết số 15 ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 diễn ra sáng 22/6, 10 đại biểu đại diện cho các bộ, ngành trung ương, một số tỉnh và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương tại Hà Nội đều khẳng định, Nghị quyết 15 có ý nghĩa quan trọng, không chỉ đối với sự phát triển của Thủ đô Hà Nội, mà còn đối với cả nước, nhất là các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô, Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Các đại biểu đều khẳng định phải tập trung sớm nghiên cứu sửa đổi Luật Thủ đô, nhằm thể chế hóa Nghị quyết 15 và tạo hành lang pháp lý để hiện thực hóa các cơ chế đặc thù để phát triển Thủ đô. Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho rằng việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 15 có ý nghĩa quan trọng, giúp bàn giải pháp hoàn thiện các cơ chế, chính sách của Nhà nước nói chung, trong đó có cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách để Thủ đô Hà Nội hoàn thành cao nhất các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho rằng, Hà Nội cũng cần có những giải pháp hiệu quả cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, khai thác tiềm năng, thế mạnh, sức cạnh tranh của thành phố; đẩy mạnh phân cấp quản lý cho các sở, ngành, quận huyện; phối hợp với các cấp, ngành đẩy mạnh công tác sắp xếp, cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước theo đúng kế hoạch đã được các cấp có thẩm quyền quyết định;…

Nhấn mạnh đến công tác quy hoạch đô thị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho rằng, Hà Nội cần khẩn trương tổ chức lập quy hoạch chung đô thị làm cơ sở thực hiện đầu tư phát triển đô thị, dự báo các vấn đề phát triển đô thị, xác định không gian phát triển kinh tế gắn với đô thị hóa; Nâng cao chất lượng đô thị, chất lượng sống cho người dân… Cùng với đó, Hà Nội cần khẩn trương thực hiện công tác rà soát, lập nhiệm vụ và đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội theo chủ trương đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. TP xây dựng đô thị ứng phó với biến đổi khí hậụ, chú trọng các giải pháp tổng thể từ quy hoạch đô thị, lựa chọn địa điểm cho đến các giải pháp công trình, giải quyết ngập úng, sạt trượt trong đô thị; Xây dựng đô thị thông minh…

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng khẳng định, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục đồng hành cùng thành phố Hà Nội để phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 15, đóng góp vào thành công của công tác xây dựng và phát triển đô thị trên cả nước.

Với tinh thần “Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước” và Bắc Ninh trở thành đô thị động lực của vùng Thủ đô, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan cho rằng, Hà Nội cần triển khai giải pháp, lộ trình chuyển đổi các chức năng quy hoạch Vùng Thủ đô đã phân khai cho các địa phương, từng bước thực hiện quy hoạch. Bí thư Đào Hồng Lan đề nghị Hà Nội quan tâm nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông phía Hà Nội đi Bắc Ninh hiện nay đã xuống cấp, phục vụ nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa giữa các địa phương, tạo động lực phát triển mới ...

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa khẳng định, Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên thể hiện sự thống nhất cao và coi việc thực hiện Nghị quyết 15 là trách nhiệm chính trị và sẽ vào cuộc với quyết tâm trên tinh thần vì Hà Nội, cùng Hà Nội. Trước mắt, Hưng Yên sẽ phối hợp chặt chẽ với Hà Nội để triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô với quyết tâm hoàn thành trước năm 2027 như Quốc hội đã đề ra.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông phát biểu tại hội nghị. 


Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, để cụ thể hóa Nghị quyết 15, Hà Nội cần nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, thực hiện nghiêm việc quản lý quy hoạch, sớm hoàn thành Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở triển khai tổ chức quản lý, điều hành trong công tác đầu tư, kêu gọi đầu tư, huy động vốn.

Đại diện các cơ quan và quận, huyện thành phố Hà Nội tham luận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương; Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo; Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Vũ Đăng Định; Bí thư Huyện ủy Đông Anh Lê Trung Kiên đều thể hiện quyết tâm thực hiện Nghị quyết, đồng thời đề xuất các giải pháp phối hợp, tổ chức thực hiện theo lĩnh vực và địa bàn được phân công…

Việc thực hiện Nghị quyết là trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương trong cả nước

Phát biểu kết luận và chỉ đạo tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên Thường trực Ban Bí thư chủ trì tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện một nghị quyết về phương hướng, phát triển Thủ đô; cho thấy ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết. Nghị quyết đã nêu rõ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trên cơ sở ý kiến của các Bộ ngành địa phương tham luận tại hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị Đảng bộ thành phố Hà Nội phải tổ chức cho cán bộ đảng viên và nhân dân nghiên cứu học tập, quán triệt sâu sắc nội dung Nghị quyết, đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông với nhiều hình thức phong phú, phát huy vai trò của các cơ quan báo chí trong tuyên truyền nội dung nghị quyết và kết quả thực hiện, qua đó nâng cao và thống nhất nhận thức về vị trí, vai trò quan trọng yêu cầu nhiệm vụ phát triển Hà Nội trong những năm tới.

Đồng thời huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, kết hợp với nguồn lực của cả nước và nguồn lực quốc tế, xây dựng và phát triển Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại; có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới; ngang tầm với Thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng kết luận và chỉ đạo tại hội nghị.


Đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: Cấp ủy tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp, đặc biệt là Hà Nội phải hết sức coi trọng, tập trung, quyết liệt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết. Ngay sau hội nghị, phải tập trung xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án với nội dung cụ thể, phân công trách nhiệm rõ ràng, lộ trình thực hiện, phấn đấu tạo chuyển biến rõ rệt về phát triển Thủ đô; định kỳ hằng năm đánh giá việc thực hiện, kịp thời báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự đảng Chính phủ sớm chỉ đạo cụ thể hóa nội dung Nghị quyết, hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở hành lang pháp lý phát triển Thủ đô toàn diện, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế.

“Cần lưu ý rằng, việc thực hiện Nghị quyết không chỉ của riêng Hà Nội, mà còn là trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương trong cả nước. Trong đó, các ban, bộ, ngành, đoàn thể trung ương, các tỉnh, thành phố Vùng đồng bằng Sông Hồng, Vùng Thủ đô, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ có liên quan nhiều đến sự phát triển Thủ đô cần xác định rõ trách nhiệm của mình, chủ động phối hợp với thành phố Hà Nội để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết” – Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh

Đồng chí Võ Văn Thưởng lưu ý giải pháp có tính quyết định trong thực hiện Nghị quyết 15 là phải tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị Thủ đô thật sự đoàn kết, trong sạch, vững mạnh toàn diện, đồng thời hoàn thiện tổ chức bộ máy chính quyền theo hướng tinh gọn, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, liên thông phù hợp với vai trò, vị trí và yêu cầu phát triển quản lý Thủ đô trong giai đoạn mới./.

Thu Hà