Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng báo cáo về công tác phòng chống dịch. 

 

Sáng 9/12, tại Kỳ họp thứ 3, HĐND thành phố (TP) Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026, đã thực hiện phiên chất vấn và trả lời chất vấn về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và việc triển khai các biện pháp tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn TP.

Thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh

Báo cáo về công tác phòng, chống dịch, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay), TP ghi nhận 14.925 ca mắc COVID-19, trong đó 5.443 ca ngoài cộng đồng. Thành phố đã tổ chức thực hiện điều trị tại các bệnh viện và các cơ sở thu dung, điều trị F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ để có thể đáp ứng 100.000 ca bệnh, bảo đảm 1.000 giường cho bệnh nhân nặng.Với tinh thần cầu thị và quyết tâm cao, TP đã có nhiều cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả, chuyển hướng mạnh mẽ từ phòng ngự sang tấn công với nhiều nhiệm vụ mới, khó, chưa có tiền lệ; kiểm soát chặt chẽ nhưng không cực đoan, thực hiện tốt “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa duy trì phát triển kinh tế - xã hội.

Chất vấn các vấn đề quan tâm, các đại biểu HĐND TP Hà Nội đề nghị Sở Y tế cho biết các giải pháp nào cho việc đáp ứng điều trị các ca bệnh, công tác vận chuyển F0, nâng cao năng lực xét nghiệm để khắc phục tình trạng chậm trả kết quả xét nghiệm như hiện nay; việc cách ly F1 và điều trị F0 tại nhà như thế nào?

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, những ngày qua, tình hình dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp trên địa bàn TP, dự báo thời gian tới số ca F0 của Hà Nội có thể lên tới 1.000 ca/ngày và có thể sẽ xuất hiện biến chủng Omicron lây lan nhanh chóng hơn Delta. TP Hà Nội đang cách ly 21.000 trường hợp F1 tại nhà và điều trị tại nhà cho 150 ca F0 thể nhẹ. Tỷ lệ bệnh nhân mắc COVID-19 nặng và nguy kịch chiếm 1,2%, tỷ lệ số ca tử vong chiếm 0,34%. Đây là những con số quan trọng luôn được ngành Y tế Hà Nội cập nhật, theo dõi hàng ngày để có phương án đáp ứng các điều kiện y tế cũng như có phương án phòng, chống dịch phù hợp.

Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà trả lời chất vấn của các đại biểu. 

 

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khẳng định, hệ thống y tế cơ sở vừa qua thể hiện là nòng cốt trong phòng, chống dịch, đặc biệt hiện nay thêm nhiệm vụ quản lý, theo dõi các ca F0 tại nhà. Đây là lực lượng tuyến đầu đã nỗ lực suốt 2 năm qua "chiến đấu" với dịch bệnh.

Trả lời câu hỏi của đại biểu về giải pháp nâng cao chất lượng cơ sở vật chất cho hệ thống y tế cơ sở, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết, nhân lực trạm y tế rất ít, chỉ có từ 5 – 10 cán bộ y tế, kể cả những xã, phường có tỷ lệ dân số cao trên 30.000 dân/đơn vị như tại quận Hoàng Mai và quận Đống Đa, gây quá tải cho hệ thống y tế; chất lượng nhân lực y tế cơ sở chưa cao và chưa thu hút được nhân lực chất lượng cao cho tuyến y tế cơ sở. Cơ sở vật chất và trang thiết bị tại y tế cơ sở còn thiếu và xuống cấp, chưa đáp ứng đủ cho công tác phòng, chống dịch.

Về công tác thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19, Giám đốc Sở Y tế cho biết, TP đã ban hành phương án trong đó có phân tầng thực hiện điều trị tại các bệnh viện và các cơ sở thu dung, điều trị F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ để có thể đáp ứng 100.000 ca bệnh, đảm bảo 1.000 giường cho bệnh nhân nặng.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết, TP sẽ có chính sách thu hút, đãi ngộ cho hệ thống nhân lực y tế cơ sở, tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho tuyến này; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý dữ liệu sức khỏe người dân theo mô hình y học gia đình, khám chữa bệnh từ xa; chủ động đào tạo nguồn nhân lực theo địa chỉ cho ngành y tế, hệ thống y tế nhằm nâng cao chất lượng y tế cơ sở.

Vấn đề về công tác phòng chống dịch COVID-19 được nhiều đại biểu chất vấn. 

 

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội thông tin, thời gian qua, Sở Y tế đã tăng cường tập huấn cho lực lượng y tế, học hỏi kinh nghiệm các tỉnh phía Nam để điều trị các bệnh nhân nặng. Hà Nội cũng đã chuẩn bị cơ số thuốc theo đúng phác đồ điều trị của Bộ Y tế, theo các cấp độ, theo các triệu chứng chuyển tầng. Đặc biệt, thành phố đã quyết định trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp hiện nay tổ chức điều trị cho các trường hợp F0 thể nhẹ và cách ly F1 tại nhà, giao cho y tế cơ sở tiếp cận từng hộ gia đình... Điều này phù hợp với nguyện vọng người dân, đồng thời giúp y tế cơ sở cùng các lực lượng gồm: Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng, các tổ chức đoàn thể cơ sở… chủ động trong việc tiếp cận, hỗ trợ ngành y tế trong lúc ngành đã bị quá tải. Tuy nhiên cũng cần sự giám sát chặt chẽ để quản lý F1 hay điều trị F0 tại nhà, tránh lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Giải pháp gì để nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến?

Liên quan đến công tác đào tạo trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, các đại biểu  cho rằng, nhiều cử tri và phụ huynh lo lắng khi dạy học trực tuyến kéo dài, chất lượng không đáp ứng yêu cầu. Vậy Sở Giáo dục và Đào tạo có giải pháp gì để nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến? Một số địa phương đã cho khối 12 đi học trực tiếp, nhưng phụ huynh băn khoăn việc an toàn đối với dịch bệnh, vậy ngành Giáo dục và Đào tạo TP đã có những giải pháp nào trong lĩnh vực này?

Trả lời câu hỏi trên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương cho biết, đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 64 nghìn/2,2 triệu học sinh được học trực tiếp và bảo đảm an toàn. Để bảo đảm chất lượng giáo dục, Sở xác định tổ chức học trực tuyến và trực tiếp để thích ứng linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn. Trong đó, chú trọng tinh giản chương trình, tập trung vào nội dung cốt lõi. Đồng thời, chủ động rà soát kết quả học trực tuyến và bổ sung kiến thức cần thiết, tránh gây áp lực quá tải với học sinh.

 Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương trả lời chất vấn.

 

Đối với vấn đề đi học trở lại của học sinh , Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương cho biết, qua thời gian thí điểm đi học trực tiếp ở khối 9 và khối 12, đến nay, trên địa bàn TP đã có 64.000 học sinh khối lớp 9 và 12 đi học an toàn.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cũng thông tin, trước tình hình dịch bệnh, vấn đề y tế học đường rất quan trọng, tuy nhiên, toàn TP còn thiếu 423 nhân viên y tế trường học, riêng khối Trung học cơ sở thiếu 88 người. Đồng thời đề xuất cho phép ngành Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Nội vụ tiếp tục tuyển dụng nhân viên y tế trường học, nếu không thì được ký hợp đồng với các nhân viên y tế có trình độ chuyên môn; tăng cường phối hợp giữa cơ sở giáo dục các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã.

Trả lời câu hỏi về việc hỗ trợ giáo viên mầm non ngoài công lập đang rất khó khăn về đời sống, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng nói, đến nay đã hỗ trợ 9.535 người với số tiền gần 25,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, TP cũng hỗ trợ 25,43 tỷ đồng cho 15.653 lao động đặc thù bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. Ngoài các chính sách của TP thì Công đoàn ngành Giáo dục, các quận, huyện, thị xã cũng như các nhà đầu tư các trường mầm non vẫn có những hỗ trợ với các giáo viên mầm non ngoài công lập.

Để bảo đảm chính sách an sinh xã hội thời gian tới, trong đó có đối tượng giáo viên mầm non khi đã phải nghỉ dạy hơn 7 tháng, đồng chí Chử Xuân Dũng cho biết, UBND TP  giao Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát để bổ sung cơ chế đặc thù, chính sách hỗ trợ riêng với giáo viên mầm non ngoài công lập, đặc biệt là các trường hợp đang đóng bảo hiểm bắt buộc nhưng phải tạm hoãn.

Kết luận phiên chất vấn, liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, qua báo cáo của UBND TP và nội dung trả lời chất vấn, các đại biểu đều cơ bản thống nhất và ghi nhận nỗ lực của UBND TP, các sở, ban, ngành, quận huyện và các cấp ngành thời gian qua. Thành phố đã chủ động, kịp thời, kiên định, kiên trì và bình tĩnh trong mọi tình huống để có các chủ trương giải pháp đúng, trúng, với tinh thần quyết liệt và hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định của Trung ương và phù hợp điều kiện thực tiễn của TP.

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị UBND TP tiếp tục nâng cao năng lực phân tích dự báo để khẩn trương hoàn thiện, ban hành và tổ chức triển khai hiệu quả, thông suốt, thống nhất về công tác phòng, chống dịch; tuyệt đối không để lúng túng, bị động, bất ngờ trước những tình huống dịch bệnh có thể phức tạp hơn. Đồng thời sớm khắc phục những vấn đề chưa thống nhất, thiếu đồng bộ trong chỉ đạo, điều hành và triển khai hoàn thiện cơ chế chính sách, huy động phân bổ và sử dụng nguồn lực cho phòng, chống dịch một cách công khai, minh bạch, ngăn ngừa và xử lý nghiêm tiêu cực, nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở… tập trung tháo gỡ khó khăn một cách thực chất, phát triển kinh tế - xã hội./.

 

Thu Hà