Các tiết mục nghệ thuật tại chương trình. 


Chương trình nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân, cộng đồng xã hội trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em gái; thúc đẩy bình đẳng giới, dần xóa bỏ sự phân biệt giữa trẻ em trai và trẻ em gái.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết, UBND các cấp của Hà Nội đã ban hành và triển khai nghiêm túc kế hoạch thực hiện các chương trình, chiến lược trên địa bàn: Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững của Liên hợp quốc với 17 mục tiêu, trong đó đặt ra mục tiêu 5 là “Đạt được sự bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái”, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2030, Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 – 2030, Kế hoạch Hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, giai đoạn 2020 – 2025.

Tuy nhiên, trẻ em vẫn còn phải chịu những tác động mạnh mẽ bởi bạo lực trên cơ sở giới, định kiến giới, khuôn mẫu giới tạo nên bất bình đẳng giới giữa trẻ em nam và nữ. Theo báo cáo điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam năm 2020-2021 do Tổng cục thống kê Việt Nam thực hiện, có đến 70,8% trẻ em dưới 15 tuổi đã từng phải chịu ít nhất một hình thức xử phạt tâm lý hoặc thể xác bởi các thành viên gia đình.

Mất cân bằng giới tính khi sinh hiện nay cũng là thách thức với công tác dân số ở Việt Nam. Việt Nam vẫn nằm trong nhóm cuối trong 3 nhóm trên toàn cầu về tỷ số giới tính khi sinh. Năm 2022, tỷ số giới tính khi sinh vẫn còn ở mức cao là 112 bé trai/100 bé gái.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN TP Hà Nội nhấn mạnh, là tổ chức chính trị - xã hội đại diện chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em, thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã tích cực triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, diễn đàn trẻ em…, xây dựng và nhân rộng các mô hình hiệu quả nhằm tăng cường quyền năng trẻ em, thúc đẩy bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.

Điển hình, cấp Thành phố đã thành lập Hội đồng Tư vấn tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ cấp Thành phố, cấp huyện và cơ sở đã nhân rộng được 74 tổ “Tư vấn giải quyết các vụ việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em”.

Bên cạnh đó, Hội đã thành lập điểm và nhân rộng các mô hình: “Làng quê an toàn”, “Tổ dân phố an toàn”, “Thành phố an toàn, thân thiện đối với phụ nữ và trẻ em gái”, trong đó xây dựng các tiêu chí về môi trường sống an toàn, lành mạnh, không có bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, nhận được sự đánh giá cao của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thuỷ phát biểu tại chương trình. 


Hưởng ứng Ngày quốc tế trẻ em gái với chủ đề năm 2023: “Thúc đẩy bình đẳng giới, góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”, Hội LHPN Hà Nội kêu gọi chính quyền các cấp, các cơ quan, tổ chức, cộng đồng và mỗi cá nhân tiếp tục chung tay thúc đẩy bình đẳng giới, xây dựng môi trường an toàn, thân thiện với trẻ em góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”, đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao, kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội đề nghị cán bộ, hội viên phụ nữ và các cấp Hội Phụ nữ triển khai, thực hiện hiệu quả các Đề án của Chính phủ, kế hoạch của Trung ương, Thành phố về bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, phòng ngừa, xâm hại trẻ em trên địa bàn thành phố Hà Nội nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của cán bộ, hội viên, phụ nữ và các tầng lớp Nhân dân về bình đẳng giới, đảm bảo thực hiện quyền trẻ em, tăng cường tạo cơ hội trẻ em được bày tỏ ý kiến nguyện vọng của mình, xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, thân thiện trên địa bàn.

Gắn hoạt động phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em với thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không 3 sạch, gia đình 5 có 3 sạch, trong đó chú trọng tiêu chí gia đình không có bạo lực, gắn với việc thực hiện đề án 938 “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề liên quan đến đến phụ nữ”, Đề án “Phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2026”

Bên cạnh đó, tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, trong đó chú trọng xây dựng và triển khai hiệu quả các mô hình nhằm tăng cường quyền trẻ em, thúc đẩy bình đẳng giới, phòng ngừa ứng phó bạo lực, xâm hại trẻ em. Tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức thiết thực, hiệu quả các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em; tích cực phát hiện, hỗ trợ, phối hợp tham gia xử lý kịp thời các vụ việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của trẻ em.../.

Linh Nhi