Cụm chung cư Văn phòng Quốc hội ở Xuân Phương, Nam Từ Liêm, Hà Nội. (Ảnh minh họa: TA).


Câu chuyện tranh chấp phí bảo trì chung cư không phải là vấn đề mới. Bởi thành phố Hà Nội có gần 2.600 chung cư, chiếm 58% số lượng chung cư của cả nước, nhưng có đến 80% tranh chấp lại liên quan quỹ bảo trì. Nguyên nhân có nhiều, trong đó có thể kể đến là việc các doanh nghiệp đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu mà “bỏ quên” trách nhiệm của mình đối với khách hàng.

Chưa kể, chủ đầu tư cố tình trì hoãn, không thực hiện hết trách nhiệm, cố tình không bàn giao quỹ bảo trì chung cư với số kinh phí 2% lên tới hàng trăm tỷ đồng để tái đầu tư, thu thêm lợi nhuận. Thậm chí nhiều nơi chủ đầu tư còn giảm bớt diện tích sử dụng chung để gia tăng diện tích căn hộ với mục đích bán thu lợi nhuận tối đa… Điều đó cho thấy, việc thực thi pháp luật của các chủ đầu tư nhà chung cư dường như đang có vấn đề, bằng cách này hay cách khác họ vẫn cố tình “lách luật”, “đi đêm” nhằm trục lợi.

Vì vậy, việc lần đầu tiên Thanh tra Bộ Xây dựng đưa vấn đề này vào thanh tra và kết luận cho thấy, những mâu thuẫn nội tại tưởng chừng đã trở thành điệp khúc “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” ấy thực sự không thể tiếp tục coi nhẹ được nữa. Bởi trong số 22 chung cư trong kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng có nhiều chung cư từng là “điểm nóng” tranh chấp, cư dân nhiều lần căng băng rôn phản đối đòi kinh phí bảo trì và chỉ ra hàng loạt sai phạm, thiếu sót.

Kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng cũng đã khẳng định: Quá trình thanh tra chỉ ra nhiều vi phạm, thiếu sót, tồn tại trong công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư của các chủ đầu tư, Ban quản trị và chính quyền các cấp tại 22 chung cư ở Hà Nội.

Bên cạnh đó, có những chung cư do giữa chủ đầu tư và Ban quản trị không thống nhất được việc phân chia diện tích chung riêng và diện tích mà chủ đầu tư giữ lại dẫn đến không quyết toán được số liệu, chậm bàn giao kinh phí bảo trì từ 1 - 3 năm.

Thanh tra Bộ Xây dựng cũng cho hay: “Quá trình làm việc với đoàn thanh tra, nhiều chủ đầu tư và Ban quản trị đã nhận thức được trách nhiệm, chủ động khắc phục tồn tại, chủ động thống nhất với Ban quản trị quyết toán số liệu và đã bàn giao cho Ban quản trị hơn 48,8 tỷ đồng phần kinh phí bảo trì đối với diện tích mà chủ đầu tư giữ lại để kinh doanh”.

Và điều làm cho các cư dân cảm thấy hài lòng nhất là qua 15 kết luận thanh tra, Thanh tra Bộ Xây dựng đã “vạch mặt” những thủ đoạn sai phạm nhằm thu lợi bất chính bằng những con số “biết nói”. Đó là ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, các chủ đầu tư và chủ sở hữu đã nghiêm túc chấp hành khôi phục lại tình trạng ban đầu hơn 1.000m2 bị lấn chiếm trả lại không gian chung cho cư dân; yêu cầu chuyển trả cho Ban quản trị nhà chung cư 250 tỷ đồng; ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 7 chủ đầu tư số tiền 820 triệu đồng và buộc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả tháo dỡ ngay phần lấn chiếm không gian sử dụng chung để trả lại cho cư dân.

Có thể nói kết luận thanh tra không chỉ chỉ ra nhiều vi phạm, thiếu sót, tồn tại trong công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư của các chủ đầu tư, Ban quản trị, kết luận thanh tra còn cho thấy hậu quả của sự thờ ơ, giải quyết chưa đến nơi đến chốn của chính quyền sở tại dẫn tới bất ổn trong bộ phận cư dân địa phương.

Một số người cho rằng, kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ Xây dựng tuy chưa phản ánh hết bản chất các sự việc xảy ra trên địa bàn thành phố Hà Nội đối với các chung cư, song những sai phạm được “chỉ mặt, đặt tên” bằng những con số “biết nói” đã khẳng định những bức xúc của cư dân, những băng rôn, biểu ngữ phản đối chủ đầu tư có sai phạm tại các tòa nhà chung cư là có cơ sở.

Chính những kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng thật sự phần nào đã làm yên lòng, góp phần giải tỏa những bức xúc của các cư dân lâu này. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, đây mới chỉ là kết quả bước đầu. Bởi kết luận chỉ có giá trị khi nó được hiện thực hóa trong đời sống xã hội, nếu không thì chỉ là “đánh trống bỏ dùi”, làm xong rồi để đó mà thôi.

Và nhiều người cho rằng, muốn kết luận đi vào đời sống, công tác giám sát, thực thi các kết luận phải có đầy đủ hành lang pháp lý, đủ cơ chế giám sát chặt chẽ giữa ba bên, gồm chủ đầu tư, người dân và đơn vị quản lý trung lập là rất quan trọng. Và nếu phát hiện sai phạm, phải có chế tài bằng luật xử lý thật nghiêm, “không có vùng cấm” thì việc thực thi trách nhiệm giữa các bên liên quan mới nhanh chóng đi vào cuộc sống, mang lại cho cư dân sự yên tâm khi mua và sống trong các tòa nhà chung cư./.

Trung Anh