Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà trình bày tờ trình của UBND TP Hà Nội.

 

Nghị quyết này áp dụng với cá nhân người Việt Nam, người nước ngoài có thành tích hoặc có quá trình cống hiến, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của TP Hà Nội và các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan.

Huy hiệu “Vì sự nghiệp xây dựng Thủ đô” chỉ xét tặng một lần đối với mỗi cá nhân, không áp dụng hình thức truy tặng Huy hiệu. Việc xét tặng Huy hiệu “Vì sự nghiệp xây dựng Thủ đô” được tiến hành thường xuyên, thẩm quyền xét tặng thuộc UBND TP Hà Nội.

Về tiêu chuẩn, Huy hiệu “Vì sự nghiệp xây dựng Thủ đô” xét tặng cho cá nhân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có đóng góp tích cực trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô, đạt một trong các tiêu chuẩn sau: Cá nhân tham gia hoạt động cách mạng trước ngày 19-8-1945 ở Hà Nội; cá nhân tham gia hoạt động cách mạng trước ngày 19-8-1945 không hoạt động ở Hà Nội; cá nhân tham gia kháng chiến chống Pháp tại Hà Nội đã được tặng thưởng Huân chương, Huy chương kháng chiến chống Pháp; cá nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ tại Hà Nội đã được tặng thưởng Huân chương, Huy chương kháng chiến chống Mỹ; cá nhân được thành phố Hà Nội tặng thưởng Huân chương, Huy chương kháng chiến chống Mỹ; cá nhân được TP Hà Nội trình và đã được khen thưởng một trong các hình thức: Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lao động, Nhà giáo nhân dân, Thầy thuốc nhân dân, Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ nhân nhân dân, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Chiến sĩ thi đua toàn quốc, Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, đoạt giải Nhất, Huy chương vàng trong các cuộc thi, giải đấu cấp khu vực hoặc thế giới; cá nhân trong thời gian công tác tại Bộ Tư lệnh Thủ đô, Công an TP Hà Nội được tặng thưởng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Quân công; cá nhân được Thành ủy, UBND TP tặng thưởng một trong các hình thức: Công dân Thủ đô ưu tú, 10 lần được tặng Bằng khen về thành tích công tác năm hoặc danh hiệu “Người tốt, việc tốt” thành phố, 3 lần được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” cấp thành phố, 3 lần được tặng Bằng “Sáng kiến Thủ đô” (bao gồm cả cá nhân có tên trong nhóm tác giả); cá nhân đã hoặc đang đảm nhiệm một trong các chức vụ: Bí thư, phó bí thư, ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP; ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, ủy viên thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP; giám đốc, phó giám đốc sở, ban, ngành; trưởng, phó đoàn thể chính trị - xã hội thành phố; bí thư, phó bí thư, chủ tịch HĐND, UBND các quận, huyện, thị xã hoặc chức vụ tương đương một nhiệm kỳ (5 năm) trở lên; đại biểu HĐND TP; ủy viên ban thường vụ các tổ chức chính trị - xã hội thành phố; ủy viên ban thường vụ quận ủy, huyện ủy, thị ủy, đảng ủy cấp trên cơ sở; phó chủ tịch HĐND, UBND các quận, huyện, thị xã từ hai nhiệm kỳ (8 đến 10 năm) trở lên....

Đối với cá nhân thuộc các bộ, ban, ngành, MTTQ, các đoàn thể Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Có đóng góp tích cực và hiệu quả cho sự phát triển của Thủ đô Hà Nội trên các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại, tăng cường sự hợp tác giữa Thủ đô với các tỉnh, thành phố trong nước và trên thế giới, được các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị thuộc thành phố đề xuất.

Đối với cá nhân là người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài: Có đóng góp tích cực cho sự phát triển của Thủ đô Hà Nội trên các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội, an ninh, quốc phòng, tăng cường tình hữu nghị, hợp tác giữa Thủ đô Hà Nội với thủ đô, thành phố và các nước trên thế giới, được các sở, ban, ngành, đoàn thể đề xuất..

Trường hợp đặc biệt, cá nhân có đóng góp tích cực cho sự phát triển của thành phố trên các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội, an ninh quốc phòng được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố ghi nhận.

* Cũng trong sáng 10/12, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình phát triển thanh niên TP Hà Nội giai đoạn 2021-2030 với 100% đại biểu có mặt tán thành.

Quang cảnh kỳ họp.

 

Nghị quyết về Chương trình phát triển thanh niên TP Hà Nội giai đoạn 2021-2030 gồm 3 điều, trong đó thông qua Chương trình phát triển thanh niên TP Hà Nội giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu tổng quát là: Xây dựng thế hệ thanh niên TP Hà Nội phát triển toàn diện, giàu lòng yêu nước, có ý chí tự cường, tự hào dân tộc; Có lý tưởng cách mạng, hoài bão, khát vọng vươn lên xây dựng Thủ đô và đất nước; Có đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật; Có sức khỏe và lối sống lành mạnh; Có văn hóa, kiến thức, trình độ học vấn, kỹ năng sống, nghề nghiệp và việc làm; Có ý chí lập thân, lập nghiệp, năng động, sáng tạo làm chủ khoa học công ngh.

Phát triển nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của Thủ đô, đất nước, hội nhập quốc tế; Phát huy tinh thần cống hiến, xung kích, tình nguyện và nâng cao trách nhiệm của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Thủ đô và Tổ quốc.

Nghị quyết đề ra 6 nhóm mục tiêu cụ thể: Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, cung cấp thông tin về tư vấn hỗ trợ pháp lý cho thanh niên; Giáo dục, nâng cao kiến thức, kỹ năng, tạo điều kiện để thanh niên bình đẳng về cơ hội học tập, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo; Nâng cao chất lượng đào tạo nghề và tạo việc làm bền vững cho thanh niên, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; Bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho thanh niên; Nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho thanh niên; Phát huy vai trò của thanh niên trong tham gia phát triển kinh tế -xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Trong đó, đáng lưu ý, đến năm 2030: 100% thanh niên được tuyên truyền, phổ biến, cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật thông qua các ứng dụng pháp luật trực tuyến, mạng xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng; 15% số thanh niên được ứng dụng, triển khai ý tưởng sáng tạo, công trình nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất và đời sống; Tăng 15% số công trình khoa học và công nghệ do thanh niên chủ trì; Tăng 10% số thanh niên làm việc trong các tổ chức khoa học, công nghệ (so với năm 2020);

Phấn đấu 20% thanh niên trong cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội được đưa vào quy hoạch lãnh đạo cấp vụ, Sở, phòng và tương đương, 15% thanh niên trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo quản lý; Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp ở đô thị dưới 6%, tỉ lệ thanh niên thiếu việc làm ở nông thôn dưới 4%; Ít nhất 60% thanh niên sử dụng thành thạo các phương tiện kỹ thuật số phục vụ mục đích giao tiếp, truyền thông, kinh doanh trên nền tảng kinh tế số.

Hăng năm, 100% sinh viên các trường đại học, cao đẳng, học viện được trang bị kiến thức hội nhập quốc tế và chuyển đổi số; 30% số ý tưởng, dự án khởi nghiệp của thanh niên là học sinh, sinh viện được kết nối với doanh nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc được hỗ trợ đầu tư từ nguồn kinh phí phù hợp. 100% thanh niên công nhân làm việc tại các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất được khám sức khỏe và chăm sóc y tế định kỳ.../.

 

 

Linh Nhi