Phân cấp, ủy quyền đối với 634 thủ tục hành chính

Tại Kỳ họp thứ 9 HĐND TP Hà Nội diễn ra ngày 12/9, Đề án phân cấp quản lý Nhà nước, ủy quyền trên địa bàn thành phố là nội dung rất quan trọng, cấp thiết, có tác động, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền thành phố.

Trao đổi về đề án này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Anh Tuấn cho biết, để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô và xu thế vận động của xã hội, UBND TP thực hiện và xây dựng Đề án phân cấp, ủy quyền và đề xuất HĐND TP ban hành nghị quyết thay thế Nghị quyết số 08/2016/NQ-HĐND.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Anh Tuấn

 

Cụ thể, theo Đề án, thời gian tới, Hà Nội sẽ tăng tính chủ động cho các quận, huyện, thị xã có nguồn lực tốt, có năng lực tổ chức triển khai. Tăng cường ủy quyền triệt để cho cấp huyện để phát huy tính tự chủ trong triển khai nhiệm vụ. Cùng với đó, sẽ rà soát, bóc tách các nhiệm vụ quản lý nhà nước, thủ tục hành chính để đề xuất phân cấp, ủy quyền một cách triệt để.

Theo đồng chí Đỗ Anh Tuấn, đối với việc phân cấp, ủy quyền thủ tục hành chính, tính đến ngày 19/8/2022, tổng số thủ tục hành chính trên toàn địa bàn TP Hà Nội gồm có 1.884 thủ tục. Trong đó, cấp thành phố là 1.534 thủ tục (gồm UBND và Chủ tịch UBND TP 384 thủ tục; sở, ngành có 1.150 thủ tục), cấp huyện là 244 thủ tục, cấp xã là 106 thủ tục.

Qua rà soát, tổng hợp, đề xuất dự kiến sẽ phân cấp, ủy quyền đối với 634 thủ tục hành chính, đạt 35,5% thủ tục hành chính cấp thành phố và cấp huyện; 41,65% thủ tục hành chính cấp thành phố. Hiện nay, thành phố đang chỉ đạo Văn phòng UBND TP, các sở, ngành tiếp tục rà soát để bảo đảm việc phân cấp, ủy quyền theo đúng quy định, khả thi.

Đối với nhiệm vụ quản lý nhà nước, rà soát các các nhiệm vụ quản lý nhà nước tại các luật, nghị định, thông tư đối với các ngành, lĩnh vực, cấp thành phố có 1.220 nhiệm vụ; cấp huyện có 358 nhiệm vụ; cấp xã có 173 nhiệm vụ. HĐND TP, UBND TP đã phân cấp cho cấp huyện 73 nhiệm vụ. UBND TP, Chủ tịch UBND TP đã ủy quyền 67 nhiệm vụ.

Riêng việc phân cấp đầu tư, quản lý sau đầu tư 15 lĩnh vực tại Quyết định số 14/2021/QĐ-UBND là phân cấp “lõi”, sẽ tác động đến việc phân cấp trong ít nhất là 14 lĩnh vực/nhiệm vụ khác, như: Giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư; thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư; thẩm định, phê duyệt dự án; thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; thẩm định, phê duyệt quyết toán; giám sát đầu tư, các nhiệm vụ liên quan xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn, hằng năm, phân bổ ngân sách; như vậy, ít nhất khoảng 210 nhiệm vụ chính được phân cấp theo.

UBND TP cũng đề xuất tiếp tục phân cấp bổ sung đối với 9 nhiệm vụ; dự kiến ban hành/sửa đổi 10 văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, phân cấp trong các lĩnh vực chuyên ngành; tiếp tục đề xuất ủy quyền đối với 36 nhiệm vụ. Ngoài ra, thành phố sẽ còn thực hiện ủy quyền tối đa toàn bộ các thủ tục đầu tư được phép theo quy định cho cấp huyện đối với các dự án thuộc nhiệm vụ chi cấp thành phố được đầu tư bằng ngân sách cấp huyện…

Tháo gỡ “nút thắt” tại quận, huyện

Vấn đề phân cấp, ủy quyền nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu HĐND TP Hà Nội với nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm. Các đại biểu cho rằng, Đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn thành phố là nội dung đột phá của Hà Nội, rất phù hợp với tình hình hiện nay, nhằm nâng cao trách nhiệm, tính chủ động trong công việc của các địa phương.

Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn nêu, quá trình phối hợp giữa các sở, ban, ngành đôi khi chưa hiệu quả dẫn đến ách tắc công việc, vì vậy Đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn thành phố sẽ tạo sự chủ động cho địa phương, thúc đẩy quản lý nhà nước, điều chỉnh và giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Đặc biệt, đại biểu Trần Anh Tuấn hoanh nghênh việc điều chỉnh phân cấp quản lý các chợ, tiêu biểu như thị xã Sơn Tây có chợ Nghệ nằm trong vùng lõi phố đi bộ, khi được phân cấp quản lý sẽ hiệu quả hơn. Về quản lý trường THPT, khi được phân cấp, địa phương sẽ cải tạo sửa chữa đáp ứng yêu cầu giáo dục. Về giao thông, địa phương sẽ quản lý tốt hơn các tuyến đường, vệ sinh môi trường.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức phát biểu tại buổi thảo luận

 

Ở góc nhìn của mình, đại biểu Nguyễn Minh Đức cho rằng, cần phải xác định điều kiện phân cấp; sau phân cấp, việc tiếp nhận và thực hiện phân cấp đấy thế nào, nhất là về vấn đề con người. Khi phân cấp về quận, huyện có đảm bảo yêu cầu không, và cần thiết phải kèm theo các điều kiện phân cấp. Khi phân cấp xong, phải phân định rõ trách nhiệm của người được phân cấp để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Còn Bí thư Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Quang Hiếu nêu quan điểm, việc phân cấp, ủy quyền phải tạo được hành lang, cơ chế pháp lý rõ, làm đồng bộ, không gây khó khăn trong triển khai; ngoài sự lãnh đạo toàn diện của thành phố, cần thiết có sự phối hợp của các sở ngành để tháo gỡ các nút thắt, để chính sách đi vào cuộc sống. Có những việc thẩm quyền, trách nhiệm của thành phố có thể giao việc cho các đơn vị.

Đồng tình với việc phân cấp ủy quyền, Bí thư Quận ủy Long Biên Đường Hoài Nam lưu ý, để đề án đảm bảo khoa học, phải bổ sung thêm đánh giá, tổ chức thực hiện ở cấp quận, huyện. Khi phân cấp 35,5% các thủ tục hành chính cho cấp dưới, trong khâu tổ chức thực hiện, điều kiện tổ chức thực hiện ở các quận, huyện không giống nhau, do đó, thành phố phải có sự điều chỉnh, tạo điều kiện về nguồn lực, con người, cơ sở vật chất để các đơn vị thực hiện được phân cấp. “Liên quan phân cấp ủy quyền với cải cách thủ tục hành chính, đây là điều cần thiết. Trong nội bộ cơ quan quận, huyện phải có quy trình nội bộ để giải quyết thuận lợi công việc” - Bí thư Quận ủy Long Biên Đường Hoài Nam nêu quan điểm.

Gắn với thực tế tại địa phương, Bí thư Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Quang Hiếu thông tin, quận Hoàng Mai có 36 dự án, có những dự án chậm muộn đến 10 năm không thực hiện được. Có dự án quận muốn làm tuyến đường cho đẹp, nhưng vướng mắc bởi phải được chủ đầu tư đồng tình, dẫn đến quận thiếu sự chủ động khi chưa được phân cấp, ủy quyền; mong thành phố quan tâm, tháo gỡ kịp thời.

Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Trường Sơn đánh giá, Đề án phân cấp quản lý nhà nước, uỷ quyền trên địa bàn TP Hà Nội có tính phân cấp mạnh mẽ, đồng bộ, khoa học, có tính thực tiễn cao, trong đó đặc biệt là phân cấp cho các trường học để duy tu, duy trì các trường THPT. Đại biểu đề nghị chú ý về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi bởi tăng thẩm quyền cho quận, huyện phải chú ý về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, quan tâm đến nguồn nhân lực cho các địa phương.

Phân cấp triệt để, tăng trách nhiệm người đứng đầu

Đại biểu Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quốc tế Sơn Hà nhận định, phân cấp quản lý là rất cần thiết, giúp tạo chủ động cho các cấp, hỗ trợ giải quyết các thủ tục hành chính và giảm thời gian phải trình các cấp. Dưới góc độ doanh nghiệp, đại biểu Sơn cho biết, đã được lắng nghe nhiều ý kiến từ những doanh nghiệp phải thường xuyên làm các thủ tục liên quan đầu tư, cho thấy họ đang phải thực hiện nhiều thủ tục, dẫn tới cơ hội đầu tư và năng suất lao động giảm...

“Nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư vào Hà Nội nhưng còn khó khăn về thủ tục, trong khi đó, các địa phương lân cận lại có sự hỗ trợ nhiều hơn. Nếu không cải thiện về thủ tục hành chính có thể làm mất nguồn lực vào các địa phương bên cạnh, do vậy cần xem xét kỹ hơn ở việc phân cấp để tận dụng nguồn lực đầu tư”- đại biểu Lê Vĩnh Sơn nêu ý kiến.

Còn theo Tổng Giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội Nguyễn Thanh Nam, phân cấp là nguyên tắc quản trị tiên tiến tại bất kỳ xã hội nào và Hà Nội cũng đã triển khai từ nhiều năm, khắc phục hạn chế qua các giai đoạn, các thời kỳ, góp phần giải quyết các vấn đề nóng… Tại Kỳ họp này, vấn đề được xem xét kỹ càng hơn để các cấp, ngành chủ động triển khai thực hiện theo đúng tinh thần mở rộng quyền, đẩy mạnh các chỉ số phân cấp, chủ động đến các cấp, đáp ứng phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu người dân. Song, việc phân cấp thực hiện đạt hiệu quả cao nhất, thành phố tăng cường hướng dẫn tập huấn nghiệp vụ cho các địa phương nhất là trong thực hiện các thủ tục hành chính, nhất là với những trường hợp phức tạp…, giúp sâu sát hơn trong triển khai phối hợp xử lý...

Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội Nguyễn Danh Duyên cho rằng cần tăng tính hậu kiểm trong phân cấp, ủy quyền và nhấn mạnh, đã phân cấp phải ủy quyền tuyệt đối. "Ở lĩnh vực điện lực, khi phân cấp chúng tôi giao triệt để hết quyền và chỉ hậu kiểm. Trước khi giao cho các đơn vị cần khoanh lại giải quyết các tồn tại cũ”, đại biểu cho biết.

Cùng quan điểm với ý kiến trên, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Oai Nguyễn Minh Hùng đề nghị nâng cao năng lực thực hiện của cơ quan nhận ủy quyền, đơn vị được phân cấp. Năng lực thực hiện cần được đẩy mạnh qua tăng cường cải cách hành chính, cụ thể cần xây dựng quy trình nội bộ các phòng ở cấp huyện. Như ở cấp huyện, quy trình nội bộ giữa các phòng ban cần được xây dựng cụ thể, áp dụng công nghệ thông tin vào quá trình thực hiện thì sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện của các đơn vị.

Nhiều ý kiến đại biểu đề nghị xây dựng quy định quy trình cụ thể và phân cấp một cách triệt để, thì việc phân cấp mới thực sự đạt hiệu quả. Cùng đó, cần đảm bảo sự liên thông trong quá trình thực hiện, nhằm nếu xảy ra sai sót ở khâu nào thì có chỉ đạo xử lý ngay; trong quá trình giám sát cần đẩy mạnh tiếp thu các ý kiến của cả các tổ chức chính trị-xã hội…

Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo phát biểu tại buổi thảo luận tổ.

Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo cho rằng, Đề án về phân cấp ủy quyền là “cuộc cách mạng” của thành phố. Hiện nay, Đề án là nguyên tắc chung, còn kết quả thực hiện mới là điều quan trọng nhất. Vì vậy cần chú ý các đề án về tổ chức thực hiện. Khi phân cấp thì cơ chế của thành phố như thế nào, ví dụ ở một dự án đầu tư khi phân cấp thì chủ trương đầu tư, dự toán, thẩm định, thiết kế… sẽ triển khai ra sao?

Đại biểu Vũ Đức Bảo cũng lưu ý, sau phân cấp cần đánh giá lại, sang năm 2023 cần có giải pháp đột phá hơn. Thành phố dự kiến thực hiện phân cấp, ủy quyền sâu ở một số sở, ngành, đặc biệt là vấn đề phối hợp liên ngành khi xin ý kiến các nội dung thuộc nhiệm vụ. Đại biểu đề nghị, ở bước đầu sẽ vừa làm vừa rút kinh nghiệm, tiếp tục có đánh giá, rà soát khi triển khai.

Đại biểu Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội cho rằng, việc phân cấp ủy quyền sẽ giúp cho các quận huyện tự chủ, tự tin, gỡ được nhiều “nút thắt” để chính sách đi vào cuộc sống. Trong quá trình thực hiện, chắc chắn có những quận huyện sẽ thực hiện tốt và có những quận huyện với những khó khăn khác nhau nên sẽ còn vướng mắc. Vấn đề quan trọng nhất là thực hiện hết thẩm quyền của từng cơ quan, đơn vị, cá nhân với mục tiêu cao nhất là đem lại kết quả cao nhất. Muốn thế phải chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ, ý thức trách nhiệm của từng cấp, từng ngành.

Các đại biểu nhấn mạnh nhiều về vai trò, trách nhiệm, chất lượng của cán bộ công chức, tính chủ động của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị của thành phố trong việc thực hiện các nhiệm vụ được phân cấp. Đây cũng chính là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của phân cáp, ủy quyền…/.

 

 

 

 

Thu Hà