Quang cảnh phiên chát vấn.


Bao giờ Hà Nội có khu nông nghiệp công nghệ cao?

Đại biểu Đàm Văn Huân, Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội cho biết, dự án Khu nông nghiệp sinh thái ứng dụng công nghệ cao Hoa Lâm Viên tại huyện Đông Anh, dù đã được phê duyệt đến nay gần 10 năm nhưng chưa được triển khai, gây nhiều ý kiến trong dư luận.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong những định hướng quan trọng của Hà Nội. Thành phố phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ đạt 70% tổng giá trị sản xuất của toàn ngành nông nghiệp.

Về dự án Khu nông nghiệp sinh thái ứng dụng công nghệ cao Hoa Lâm Viên tại huyện Đông Anh, Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền thông tin, dự án đã được Thường trực Thành uỷ Hà Nội thông qua năm 2013; đến năm 2014 thì được phê duyệt Quy hoạch chi tiết 1/500. Dự án cũng phù hợp Quy hoạch về phòng chống lũ đã được Bộ NN&PTNT thẩm định trước đó.

Tháng 8/2022, khi thẩm quyền phê duyệt cấp phép đầu tư vào dự án vẫn thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), đã có nhà đầu tư nộp hồ sơ xin ý kiến của Bộ này. Sau khi Luật Đầu tư có hiệu lực, mới đây vào ngày 15/2/2023, Bộ KH&ĐT đã có văn bản trả lời nhà đầu tư, trong đó có nêu thẩm quyền phê duyệt thuộc về TP Hà Nội.

“Hiện nay, thành phố đang giao Sở KH&ĐT hướng dẫn nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện dự án Khu nông nghiệp sinh thái ứng dụng công nghệ cao Hoa Lâm Viên tại huyện Đông Anh trong thời gian sớm nhất…” - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết.

Đồng thời Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cũng thông tin thêm, ngoài dự án Khu nông nghiệp sinh thái ứng dụng công nghệ cao Hoa Lâm Viên tại huyện Đông Anh, UBND thành phố đã rà soát, đề xuất Bộ NN&PTNT bổ sung thêm 7 dự án khu nông nghiệp công nghệ cao khác nhằm cụ thể hoá Quyết định số 575/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Đại biểu Đàm Văn Huân - Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố đặt câu hỏi chất vấn

 

7 dự án cụ thể là: Khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Hoài Đức, quy mô diện tích khoảng 668ha, thuộc địa phận xã An Thượng và xã Song Phương; Khu sản xuất, dịch vụ ứng dụng công nghệ cao phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông), quy mô diện tích khoảng 76ha thuộc vùng đất bãi sông Đáy; Khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại vùng bãi ven sông Hồng thuộc xã Hoàng Kim, huyện Mê Linh, quy mô diện tích khoảng 105ha.

Bên cạnh đó là các Khu nghiên cứu và phát triển giống, cây trồng công nghệ cao tại xã Song Phượng (huyện Đan Phượng), với quy mô diện tích 9,44ha; Khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại vùng bãi ven sông Đáy thuộc xã Đồng Tháp (huyện Đan Phượng) quy mô diện tích 23,3ha; Khu sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái tại xã Hiệp Thuận (huyện Phúc Thọ), với quy mô diện tích khoảng 200ha; Khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Kim Sơn (thị xã Sơn Tây), quy mô diện tích khoảng 80ha.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, hiện nay Thủ tướng Chính phủ chưa phê duyệt 7 dự án nêu trên. Thành phố vẫn đang giao Sở NN&PTNT kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào các dự án. Dù vậy, việc phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao hiện vẫn còn nhiều khó khăn do đòi hỏi nguồn lực đầu tư ban đầu lớn nhưng thời gian thu hồi vốn lại rất chậm.

“Thành phố đang giao Sở NN&PTNT rà soát cơ chế, chính sách mang tính đặc thù để tổng hợp vào Luật Thủ đô sửa đổi nhằm tạo hành lang thúc đẩy hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư hình thành các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hà Nội cũng mong muốn Quốc hội sớm thông qua Luật Thủ đô để tạo điều kiện thực hiện mục tiêu phát triển những khu nông nghiệp công nghệ cao…” - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết thêm.

Cương quyết tháo dỡ, phá dỡ công trình vi phạm

Đề cập đến vấn đề vi phạm trong nông nghiệp, các đại biểu HĐND TP Hà Nội đặt vấn đề trách nhiệm, hướng xử lý đối với một số đơn vị khi để diễn ra tình trạng đất nông nghiệp chuyển thành nhà hàng, khu vui chơi, giải trí. Đại biểu Vũ Ngọc Anh (tổ Bắc Từ Liêm) nêu câu hỏi: Tình trạng vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp ở bãi bồi ven sông trên địa bàn nhiều năm chưa được xử lý, nhiều khu sản xuất nông nghiệp chuyển đổi trái phép làm nhà hàng khu vui chơi, giải trí, trách nhiệm quản lý với các sai phạm trên thuộc về ai? Giải pháp nào thời gian tới?.


Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền trả lời tại phiên chất vấn. 

Trả lời câu hỏi trên, Chủ tịch UBND quận Long Biên Nguyễn Mạnh Hà cho biết, với phản ánh về tình trạng vi phạm trên đất nông nghiệp tại địa bàn các phường Long Biên, Thạch Bàn, Cự Khối, quận đã chuyển đổi vùng bãi, tuy nhiên, quá trình triển khai chưa triệt để, còn vi phạm khi một số diện tích sử dụng chưa đúng mục đích.

"Chúng tôi đã tập trung cương quyết tháo dỡ, phá dỡ công trình vi phạm. Các nhà mái, mái che nằm ở diện tích đất bãi bồi, không phải đất nông nghiệp hay đất công ích. Với các vùng này khi nước lên thì ngập, nước rút tạo thành bãi bồi và đã được duyệt quy hoạch 1/2.000 và 1/5.000. Hiện quận đã đo đạc, lập hồ sơ đánh giá, quyết tâm không để vi phạm mới phát sinh. Đồng thời, quận đã lập đề án, phương án quản lý khai thác đất vùng bãi và mong muốn có chính sách phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch"- ông Nguyễn Mạnh Hà nêu.

Trả lời câu hỏi đại biểu Vũ Ngọc Anh, đại diện UBND huyện Phúc Thọ cũng thông tin về trường hợp vi phạm ở vườn sinh thái Phúc Thọ Hoa Bay. Theo đó, công trình này nằm ở xã Hợp Thuận, tại bờ Hữu sông đáy, diện tích khó canh tác, thường bỏ hoang mọc cỏ dại. Qua khảo sát xã đã lập tờ trình xin ý kiến huyện phê duyệt làm vùng hoa cây cảnh. Việc xây dựng trong diện tích 9.400m2 được phê duyệt không sai, quá trình làm chủ dự án thuê thầu thêm 14.000m2 đất của dân để trồng hoa, trong quá trình làm thì khách đến chụp ảnh, huyện đã lập biên bản xử lý.

Trả lời câu hỏi của các đại biểu liên quan đến những nhiều diện tích đất nông nghiệp trong phạm vi nghiên cứu dự án hoặc chậm triển khai chưa giải phóng mặt bằng, dẫn đến dân có tư tưởng chờ dự án hoặc triển khai không đầy đủ, từ đó đất để không, hoang hóa gây lãng phí nguồn lực? Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Huy Cường cho biết, HĐND đã có Nghị quyết và UBND TP cũng có kế hoạch tổng rà soát toàn bộ 404 dự án liên quan chậm, muộn triển khai. Quá trình kiểm tra, rà soát đã phát sinh thêm 173 dự án. Sau khi thực hiện Nghị quyết 04 của HĐND TP, các cơ quan liên ngành của Thành phố đã ra quyết định chấm dứt với 15 dự án trên địa bàn; 44 dự án tiếp tục gia hạn 24 tháng, thu về ngân sách cho thành phố 500 tỷ đồng. Như vậy, toàn bộ quỹ đất giao cho chủ đầu tư thì chủ đầu tư sẽ phải chịu trách nhiệm. Quá trình triển khai thực hiện, giải phóng mặt bằng liên quan phân cấp, phân quyền. Thành phố đã giao cho quận, huyện trong công tác quản lý đất đai, thực hiện dự án chưa đúng theo chủ trương đầu tư (biến tướng thành nhà chòi, khu sinh thái) thì địa phương phải xử lý nghiêm.


21 lượt đại biểu phát biểu, 7 lượt đại biểu tranh luận, tái chất vấn về nguyên nhân chậm trễ trong thực hiện chính sách nông nghiệp. 

Đề cập đến việc xây dựng các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, hiện chưa có quy định cụ thể do còn vướng mắc ở Luật Đất đai. Với các dự án đầu tư xây dựng các công trình trên đất để triển khai dự án phải được được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đầu tư đảm bảo. Tuy nhiên tại khu vực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản thì thực hiện theo Nghị định 94 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ NN&PTNTN và theo kế hoạch hàng năm của Thành phố.

Trong Nghị định 94 đối với vùng chuyển đổi được phép trồng trọt, nuôi trồng thủy sản trên đất nông nghiệp, nhưng chưa có hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu để phục vụ chăn nuôi. Đồng nghĩa với đó, các công trình xây dựng trên đất lúa là chưa phù hợp. Thời gian tới, Thành phố sẽ tiếp tục kiến nghị sửa đổi hoàn thiện Luật Đất đai, rà soát bổ sung vào Luật Thủ đô.

Với việc lắp đặt nhà màng nhà lưới, nhiều mô hình sản xuất tốt, Thành phố đã giao Sở NN&PTNT chủ trì cùng các ngành, địa phương hướng dẫn vùng sản xuất để lắp đặt phục vụ trực tiếp sản xuất, không phục vụ mục đích khác như du lịch./.
Nhóm PV