Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc.
Sáng 19/3, GS.TS Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố (TP) Hà Nội làm việc với trường Đại học Thủ đô về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị thời gian qua, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.
Tham dự hội nghị có các đồng chí: PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; TS Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội; TS Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội…
Báo cáo tại buổi làm việc, TS Đỗ Hồng Cường, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho biết: Trường Đại học Thủ đô Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 2402/QĐ-TTg ngày 31/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở nâng cấp trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội. Sau 6 năm xây dựng và phát triển, nhà trường có 3 cơ sở với tổng diện tích 9.498ha, gồm: Cơ sở 1 tại số 98 phố Dương Quảng Hàm, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy; Cơ sở 2 tại thôn Đạc Tài, xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn; Cơ sở 3 tại số 6 phố Vĩnh Phúc, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình.
Hiện nay, nhà trường đã được phép tổ chức đào tạo 23 ngành đào tạo trình độ đại học (trong đó có 7 ngành sư phạm), 1 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ (ngành Quản lý giáo dục), với đội ngũ 379 cán bộ, giảng viên, nhân viên (trong đó có 1 giáo sư, 8 phó giáo sư, 60 tiến sĩ, 226 thạc sĩ, 70 đại học, 14 trình độ khác). Tổng số sinh viên đang theo học tại trường là 8.401…
Công tác tổ chức và quản lí các ngành đào tạo trình độ đại học được thực hiện theo đúng yêu cầu với mục tiêu đào tạo theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng, lấy nhu cầu của thị trường lao động làm trung tâm. Tỷ lệ sinh viên có việc làm trong năm đầu tiên tốt nghiệp ra trường thường xuyên là khoảng 75%, có nhiều ngành đạt 100%.
Cùng với đó, số lượng và chất lượng đề tài được nâng lên theo hàng năm, đặc biệt là các đề tài có tính ứng dụng cao. Số lượng đề tài lũy kế đến năm 2020 cấp cơ sở là 195 đề tài (trong đó số lượng đề tài năm 2019 tăng gấp đôi so với giai đoạn trước năm 2015). Bên cạnh đó, các hoạt động khoa học, công nghệ của cán bộ trẻ, sinh viên nghiên cứu khoa học, sáng tạo khởi nghiệp được quan tâm, định hướng phát triển và đẩy mạnh,…
Tuy nhiên, Trường vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Chưa phát huy hết tiềm năng phát triển sau khi chuyển đổi mô hình từ trường cao đẳng chuyên đào tạo giáo viên thành trường đại học đa ngành và lợi thế của một cơ sở giáo dục đại học duy nhất của Thủ đô. Cơ sở phân tán, xuống cấp, hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị chưa tương xứng với mô hình đào tạo đại học. Tổ chức bộ máy vẫn chưa được tinh gọn. Đời sống và thu nhập của đội ngũ giảng viên còn ở mức thấp so với mặt bằng chung…
Tại buổi làm việc, trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã kiến nghị tới thành phố 5 nhóm vấn đề, trọng tâm là đổi mới cơ chế quản lý, thực hiện mô hình tự chủ và trách nhiệm giải trình về các mặt hoạt động...
Trao đổi tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đề nghị trường sớm xây dựng quy chế phối hợp giữa Đảng ủy, Hội đồng nhà trường và Ban Giám hiệu. Đồng thời quan tâm đến công tác tư tưởng chính trị trong giảng viên, sinh viên; Tăng cường phối hợp công tác với đội ngũ giảng viên có chất lượng cao ngoài trường; nâng cao hơn nữa công tác xây dựng Đảng, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ thì mới thực hiện được các nhiệm vụ trong thời gian tiếp theo…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của nhà trường trong xây dựng chiến lược phát triển, đào tạo, kiện toàn đội ngũ, phát huy truyền thống, mở thêm một số ngành, nghiên cứu khoa học và phát triển… Tuy nhiên, đồng chí cho rằng, đối chiếu với sứ mệnh, tầm nhìn và mong muốn thì Trường chưa đạt được như kỳ vọng, chưa có nhiều thay đổi về “chất”; cơ sở vật chất vẫn còn nhiều bất cập, phân tán…
Theo Bí thư Vương Đình Huệ, nguyên nhân có cả khách quan và chủ quan nhưng nguyên nhân chủ quan là thứ yếu, do đó cần rà soát lại để hoàn thiện bổ sung nhằm đáp ứng được nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho Thủ đô ngàn năm văn hiến và tầm nhìn đến năm 2030 trở thành một trong những trường đại học đào tạo theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng có uy tín và ảnh hưởng rộng lớn.
Trong quá trình thực hiện tập trung vào tiềm năng, thế mạnh chứ không nên giàn trải, đi theo đa ngành nhưng phải tập trung vào ngành cốt lõi là sư phạm. Đồng thời nâng cao chất lượng người thầy, giáo trình sư phạm, sách giáo khoa. Phấn đấu đến năm 2030 có ít nhất 5% cán bộ giảng dạy và nghiên cứu có học hàm GS, PGS và có 40% giảng viên, nghiên cứu viên đạt học vị Tiến sĩ. Ngoài giáo viên cơ hữu phải xây dựng được đội ngũ cộng tác viên có uy tín, tăng cường phối hợp với các tổ chức quốc tế về giáo dục đào tạo…
Bí thư Vương Đình Huệ lưu ý khai thác triệt để các nguồn lực để tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học, cải thiện môi trường làm việc. Tập trung quy hoạch tổng thể và từng bước xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại 3 cơ sở theo hướng tiên tiến, hiện đại, thông minh, xác định rõ nơi đặt đại bản doanh, đối ngoại và nơi tổ chức đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế…
Về tự chủ, nhà trường được tự quyết trên cơ sở bộ máy phù hợp với khả năng chi trả nhưng không nên quá vội vàng, đốt cháy giai đoạn. “Tự chủ tài chính là tất yếu nhưng phải có lộ trình” – Bí thư Vương Đình Huệ nói. Đồng thời đề nghị trường phải đặt mục tiêu để có hướng đi cụ thể, rõ ràng, như 10 năm trường sẽ phải làm được gì? 60 năm làm được gì và phải có phong trào thi đua thì mới bật lên được, mới có mốc cụ thể để phấn đấu.
Đối với những kiến nghị của nhà trường, Bí thư Vương Đình Huệ giao cho các ban Đảng, Văn phòng Thành ủy và Ban cán sự đảng UBND TP chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu, trả lời và tại Hội nghị ngày hôm nay. Văn phòng Thành ủy sẽ ban hành Thông báo kết luận kèm theo phụ lục giải quyết các nội dung kiến nghị của Trường, các nội dung trả lời sẽ cụ thể đơn vị chủ trì và tiến độ, làm cơ sở để các cơ quan, đơn vị và Nhà trường triển khai thực hiện.
Trước khi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội và đoàn đã tham quan cơ sở vật chất và trồng cây lưu niệm trong khuôn viên nhà trường./.