Quang cảnh Hội nghị.
Sáng 19/1, Thường trực Thành uỷ Hà Nội làm việc với Sở Du lịch và ngành du lịch về kết quả thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành uỷ về phát triển du lịch Thủ đô giai đoạn 2016 – 2020; kết quả của ngành du lịch thành phố (TP) năm 2020; định hướng nhiệm vụ, giải pháp năm 2021 và giai đoạn 2021 – 2025.
Chủ trì buổi làm việc có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Vương Đình Huệ; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong.
Xây dựng 3 kịch bản phát triển du lịch Thủ đô trong năm 2021
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết: Năm 2020, do tác động của dịch COVID-19, ngành du lịch Thủ đô bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì sự sụt giảm nguồn khách quốc tế đến, nguồn khách trong nước đi du lịch quốc tế và nguồn cầu du lịch trong nội địa. Kết quả đón khách du lịch và tổng thu từ khách du lịch đến Hà Nội năm 2020 chỉ bằng khoảng 30% so với năm 2019, nhiều doanh nghiệp du lịch lữ hành, lưu trú, vận chuyển bị thiệt hại phải tạm dừng hoặc thôi không hoạt động.
Cụ thể, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 8,65 triệu lượt khách (giảm 70% với năm 2019). Trong đó, khách quốc tế ước đạt 1,11 triệu lượt khách (giảm 84,4%); khách nội địa ước đạt 7,54 triệu lượt khách (giảm 65%).
Trong 2 đợt bùng phát dịch đã có khoảng 90% số doanh nghiệp lữ hành đóng cửa, tạm dừng hoạt động và có 950/3.587 cơ sở lưu trú tạm dừng hoạt động. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 28,02 nghìn tỷ đồng (giảm 73% so với năm 2019 và tương đương giảm 75,79 nghìn tỷ đồng).
Trong bối cảnh đó ngành Du lịch đã nỗ lực cao nhất để giảm thiểu tác động của dịch, kịp thời tham mưu thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, chủ động triển khai kế hoạch kích cầu du lịch nội địa; các doanh nghiệp đã chủ động cơ cấu lại thị trường, sản phẩm, năng lực quản trị; mức giảm doanh thu lữ hành 11 tháng năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019 của Hà Nội là 46,8% (thấp hơn mức bình quân của cả nước giảm ở mức 58,6%).
Giám đốc Sở Du lịch Đặng Hương Giang báo cáo tại buổi làm việc.
Cùng với đó, ngành du lịch Hà Nội vẫn còn những khó khăn như chất lượng dịch vụ du lịch tại một số điểm đến du lịch văn hóa gắn với di tích lịch sử, làng nghề truyền thống chưa cao, thiếu các sản phẩm du lịch trải nghiệm phục vụ du khách. Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch chưa đồng bộ, hệ thống nhà hàng, ẩm thực, cơ sở mua sắm chưa đáp ứng được tốc độ tăng trưởng và nhu cầu đa dạng của du khách. Bên cạnh đó, tiến độ một số đề án, dự án phát triển du lịch triển khai còn chậm, nhất là các dự án đầu tư xây dựng khu du lịch vui chơi giải trí, khách sạn cao cấp...
Trên cơ sở các dự báo và xem xét đánh giá, so sánh kết quả ngành Du lịch Thủ đô đạt được trong năm 2020 và giai đoạn 2016-2020, thực tế diễn biến dịch COVID-19 trong những tháng qua, ngành du lịch xác định mục tiêu năm 2021 là tập trung nguồn lực vào thúc đẩy thị trường du lịch nội địa; theo dõi tình hình dịch bệnh COVID-19 để chuẩn bị sẵn sàng đón khách du lịch quốc tế khi điều kiện cho phép nhằm khôi phục hoạt động của ngành du lịch.
Ngành du lịch xây dựng 3 kịch bản phát triển du lịch Thủ đô trong năm 2021, với chỉ tiêu kế hoạch đón lượng khách nội địa đạt từ 50-70% so với năm 2019 (tương ứng đạt từ 10,96 - 15,34 triệu lượt khách) và khách quốc tế đạt từ 2,2 - 3,7 triệu lượt khách. Tổng lượng khách du lịch sẽ đạt khoảng từ 13,16 - 19,04 triệu lượt khách. Trong đó, ngành du lịch kỳ vọng một kịch bản sớm phục hồi, chuẩn bị các điều kiện đảm bảo sẵn sàng đón và phục vụ khách quốc tế khi điều kiện cho phép…
Các ý kiến tại cuộc làm việc đều cho rằng, tài nguyên du lịch của Hà Nội rất phong phú và có nhiều nét đặc trưng, nổi bật. Tuy nhiên, cần phải có giải pháp để khai thác hết tiềm năng, dư địa sẵn có và góp phần thúc đẩy tăng trưởng, phát triển của thành phố. Do đó, các ý kiến đề nghị cần tăng cường liên kết, hợp tác với các địa phương để kết nối và phát triển các sản phẩm; tổ chức các sự kiện độc đáo, phát triển kinh tế đêm; phải có sản phẩm phục vụ phù hợp nhu cầu... Cùng với đó phải nuôi dưỡng lực lượng và có cơ chế xây dựng doanh nghiệp lữ hành mạnh để có thể phối hợp với thành phố tạo nên sản phẩm đặc trưng, sắp xếp lại các nhóm sản phẩm du lịch....
Đa dạng các giải pháp để phát triển du lịch nội địa
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, năm 2020, ngành du lịch Việt Nam chịu tác động và thiệt hại nặng nề. Riêng tại Hà Nội, năm 2020, khách quốc tế và nội địa sụt giảm mạnh khiến đóng góp của ngành du lịch vào tăng trưởng chung của Hà Nội chỉ còn hơn 3,4% (năm 2019 là hơn 12%).
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, du lịch không phải là ngành dịch vụ mà là ngành tổng hợp, mang đậm bản sắc văn hóa, có tính liên ngành rất cao. Sự phục hồi của ngành du lịch là một trong những nhân tố quyết định nhất đến việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng của Hà Nội trong năm nay, cùng với đó là giải quyết việc làm, thu ngân sách…
Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, dự báo du lịch thế giới phải 2,5-4 năm mới phục hồi lại được như năm 2019; nên năm 2021 để tăng trưởng được, ngành Du lịch phải dựa vào khách nội địa. Tuy nhiên, sản phẩm du lịch của Thủ đô hiện nay rất hạn chế: Du lịch làng nghề trọng điểm như Vạn Phúc chưa rõ; điểm du lịch Hoàng thành Thăng Long gần như “dậm chân tại chỗ”; không có địa điểm “Outlet” nào, thiếu địa điểm vui chơi, giải trí tầm cỡ; chưa tổ chức được sự kiện tầm cỡ quốc gia, quốc tế mang tính thương hiệu... Kết quả thực hiện những giải pháp lâu dài theo Nghị quyết số 06-NQ/TU cũng còn nhiều thiếu sót, chưa đạt yêu cầu.
“Việc tái cơ cấu lại ngành du lịch của Hà Nội trong điều kiện mới sẽ gặp thách thức hơn rất nhiều và nếu không hành động quyết liệt, ngay, nhanh sẽ tụt hậu, ảnh hưởng trực tiếp mục tiêu tăng trưởng của Thành phố từ 7,5-8% trong năm 2021. Qua đại dịch mới bộc lộ ra các yếu điểm của du lịch Hà Nội từ môi trường, hạ tầng, doanh nghiệp và nhất là sản phẩm du lịch, quản lý Nhà nước về du lịch” - Bí thư Thành ủy Hà Nội lưu ý.
Nhấn mạnh việc phát triển du lịch Hà Nội nhanh và bền vững trong thời gian tới đặt ra thách thức to lớn với ngành du lịch và Thành phố, Bí thư Vương Đình Huệ đề nghị, Sở Du lịch lập ngay kế hoạch, trình UBND Thành phố để phục hồi và phát triển du lịch năm 2021 theo tinh thần tập trung mọi nỗ lực thu hút khách nội địa, bao gồm tổ chức cho khách Hà Nội đi tham quan ở các nơi khác. Đồng thời chuẩn bị sẵn sàng tâm thế khác khi thị trường du lịch mở cửa lại phải đáp ứng được yêu cầu du lịch quốc tế.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc làm việc.
Đồng chí Vương Đình Huệ cũng đề nghị tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa các hoạt động, thiết chế văn hóa liên quan đến du lịch; có chính sách về thuế, phí, rà soát mức phí và giá phù hợp; muốn dịch vụ cao hơn thì chất lượng dịch vụ phải tốt hơn, chu đáo, chất lượng hơn....
Trước mắt, Bí thư Thành ủy Hà Nộ đề nghị, năm 2021, Sở Du lịch tập trung có chính sách thu hút khách từ các tỉnh về Hà Nội, khách của Hà Nội đi các tỉnh, có gói sản phẩm phù hợp từng đối tượng; có kế hoạch tổ chức sự kiện, hội nghị, hội thảo mang tầm vóc, trong đó có sự kiện liên quan SEA GAMES 31; tổ chức các festival, lựa chọn đại sứ du lịch cho Hà Nội, đăng cai các sự kiện văn hóa, thể thao tầm khu vực tại thành phố.
Cùng với đó, đẩy mạnh du lịch học đường phù hợp với định hướng nâng cao tinh thần yêu nước cho học sinh, sinh viên tại các bảo tàng, làng văn hóa, các tour tìm hiểu về Thăng Long Tứ trấn; tổ chức du lịch tâm linh kết hợp du lịch nghỉ dưỡng... Cần nghiên cứu để xây dựng con đường du lịch xuyên thành phố, có thể kết nối lên đến Ba Vì. Đồng thời phát triển mạnh loại hình du lịch ẩm thực, hình thành các khu ẩm thực, làng ẩm thực ngoài khu phố cổ, lựa chọn một số tuyến phố có không gian phù hợp để phát triển loại hình này. Và với lợi thế về số lượng các làng nghề truyền thống, cần quan tâm để phát triển mạnh hơn các loại hình du lịch làng nghề.../.