Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến kết luận buổi kiểm tra.

Ngày 30/9, Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở TP Hà Nội do đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở thành phố làm Trưởng đoàn đã làm việc với huyện Hoài Đức về kết quả xây dựng và thực hiện QCDC trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), quản lý trật tự xây dựng (TTXD).

Báo cáo với đoàn kiểm tra, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hoài Đức Trần Văn Nghĩa cho biết, thực hiện QCDC đã góp phần đổi mới phương thức, nội dung hoạt động của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở theo hướng “trọng dân, gần dân, hiểu dân và có trách nhiệm với dân”. Trách nhiệm của người đứng đầu, vai trò của các tổ chức trong hệ thống chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện dân chủ cơ sở ngày càng được nâng cao.

Cùng với việc ban hành các văn bản chỉ đạo nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và TTXD trên địa bàn, UBND huyện cũng ban hành quy chế nội bộ thực hiện dân chủ trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…

Kết quả, từ tháng 1/2021 đến nay, UBND huyện đã chỉ đạo triển khai thực hiện 38 dự án, liên quan tới 2.443 hộ gia đình, cá nhân, với diện tích 31,76ha, tương ứng số tiền chi trả là 354,18 tỷ đồng. Huyện đã công khai 55 phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của 22 dự án, với 2.717 hộ ảnh hưởng, trên tổng diện tích 37,18ha và số tiền là 409 tỷ đồng.

Huyện cũng tổ chức 23 buổi làm việc để giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân trong diện thu hồi đất; ban hành 14 văn bản trả lời các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo. Do thực hiện tốt QCDC trong công tác bồi thường GPMB, các công trình, dự án có GPMB trên địa huyện cơ bản nhận được sự đồng thuận của nhân dân, việc bàn giao mặt bằng đảm bảo đúng tiến độ.

Đối với công tác quản lý TTXD, từ 1/2021 đến nay huyện đã cấp 425 giấy phép xây dựng. Từ năm 2021 đến nay, qua kiểm tra 611 công trình, huyện đã phát hiện, xử phạt 38 công trình vi phạm về TTXD … Huyện để nhân dân tham gia ý kiến chủ yếu thông qua họp đại diện hộ gia đình, thông qua các cuộc họp của các tổ chức trong hệ thống chính trị, các buổi tiếp xúc cử tri. Khi lấy ý kiến, chính quyền cung cấp đầy đủ các tài liệu liên quan và tiếp thu đầy đủ các ý kiến phù hợp do nhân dân đóng góp để tổng hợp, quyết định các vấn đề theo thẩm quyền.

Tại buổi kiểm tra, các thành viên trong đoàn và huyện Hoài Đức đã trao đổi nhiều vấn đề nhằm tiếp tục phát huy dân chủ ở cơ sở, đồng thời, khắc phục những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại.

Phát biểu kết luận, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao việc huyện Hoài Đức đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo nhằm xây dựng và triển khai QCDC ở cơ sở, đặc biệt là trong các loại hình mới.

Nhờ vậy, dù Hoài Đức đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ để xây dựng huyện thành quận, song công tác quản lý TTXD khá ổn định. Huyện cũng đã phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong giải quyết kịp thời băn khoăn, vướng mắc của nhân dân. Sự phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội với nhân dân khá chặt chẽ, góp phần hoàn thành những nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Chỉ rõ một số hạn chế còn tồn tại, trong đó có việc một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan có lúc chưa quan tâm đúng mức khi thực hiện QCDC trong GPMB, nhất là việc công khai bản vẽ quy hoạch chi tiết, các dự án, công trình đầu tư..., Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đề nghị huyện cần tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng; trách nhiệm của chính quyền, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong thực hiện QCDC ở cơ sở, nhất là ở lĩnh vực GPMB và quản lý TTXD; khuyến khích xây dựng QCDC trong các lĩnh vực nhân dân quan tâm.

Ngoài ra, Hoài Đức gắn việc thực hiện QCDC với các nhiệm vụ trọng tâm của thành phố, địa phương, cơ sở. Tăng cường đối thoại để tạo sự đồng thuận của nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ. Đặc biệt, trong triển khai thực hiện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp trong Nghị quyết số 15 NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chỉ thị số 16-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác GPMB, tái định cư Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn thành phố.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cũng đề nghị huyện đẩy mạnh cải cách, tạo thuận lợi để nhân dân thực hiện các thủ tục hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, hướng tới chính quyền phục vụ, cung cấp các dịch vụ số mới dựa trên nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Cùng với việc thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân, tăng cường đối thoại, huyện cần chú trọng đối thoại với người dân trong diện thu hồi đất để GPMB; quan tâm giải quyết những kiến nghị, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Đặc biệt, cần phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện QCDC ở cơ sở.

 

Trọng Toàn