Quang cảnh Hội nghị

 

Chiều 12/4, Đoàn công tác của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh do đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương làm Trưởng đoàn, làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của thành phố Hà Nội và việc triển khai Quy định số 11-QĐ/TW, ngày 19/5/2021, của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn.

Tiếp và làm việc với đoàn có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong...

Gần 1,9 triệu lượt cán bộ được bồi dưỡng kiến thức

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Nguyễn Minh Long cho biết, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và các đối tượng khác của TP Hà Nội được thực hiện đồng bộ, có hiệu quả. Trọng tâm là thực hiện tốt công tác đào tạo lý luận chính trị và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Qua đó, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và phát triển Thủ đô trong tình hình mới.

Hà Nội từng bước đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng theo hướng đa dạng hóa các hình thức đào tạo gắn với nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác bồi dưỡng. Công tác quản lý, kỷ luật, kỷ cương trong đào tạo, bồi dưỡng được tăng cường. Công tác tổ chức các lớp được thực hiện bài bản và có sự phối hợp tích cực, chặt chẽ giữa các đơn vị có liên quan của Thành phố. Nhận thức của các cấp ủy, cơ quan, đơn vị trong công tác đào tạo, bồi dưỡng được nâng lên. Ý thức, trách nhiệm của cán bộ được cử đi đào tạo, bồi dưỡng có chuyển biến rõ rệt, tinh thần thái độ nghiêm túc.

Cụ thể, về đào tạo Cao cấp lý luận chính trị, giai đoạn 5 năm (2018-2022), Thành phố đã phối hợp tổ chức 12 lớp Cao cấp lý luận chính trị hệ không tập trung với 879 học viên. Về đào tạo Trung cấp lý luận chính trị, trong 5 năm, Thành phố đã phối hợp với Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong tổ chức 111 lớp với 8.890 học viên.

 Đối với công tác bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của Thành phố, đối với đối tượng 3 (Cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý), Thành phố đã tổ chức 14 lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức với 2.777 lượt học viên. Đối với đối tượng 4 (Cán bộ diện ban thường vụ cấp ủy cấp huyện quản lý), toàn Thành phố đã tổ chức 257 lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức với 23.800 lượt học viên.

 Ngoài ra, trên cơ sở Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hằng năm của Thành phố giao, các cơ quan, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức mở các lớp bồi dưỡng đảm bảo nội dung, chương trình, đối tượng theo quy định. Giai đoạn 5 năm (2018-2022), Khối các Ban Đảng, Văn phòng Thành ủy đã tổ chức được 40 lớp/9.065 học viên. Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội Thành phố tổ chức được 355 lớp/53.765 học viên. Các Đảng ủy Khối, Đảng ủy các khu công nghiệp và chế xuất, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong đã tổ chức được 485 lớp/82.935 học viên. Các quận, huyện thị ủy đã hoàn thành mở 5.175 lớp/895.275 học viên cho cán bộ công chức, viên chức Khối Đảng, đoàn thể theo phân cấp quản lý.

Phát huy vai trò nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn

Báo cáo về kết quả thực hiện Quy định số 11-QĐ/TW, ngày 19/5/2021, của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn, Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong Phạm Minh Anh cho biết, trong những năm qua, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3735-QĐ/TU ngày 18/10/2022 về việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Chiến lược phát triển Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong thành phố Hà Nội, đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Sau một thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, đến nay, Thành phố chuẩn bị ban hành “Chiến lược phát triển trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, đến năm 2030, tầm nhìn 2045” và “Đề án xây dựng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong TP Hà Nội đạt trường chính trị chuẩn”.

 Ngoài ra, từ năm 2019, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo sắp xếp lại tổ chức bộ máy của trường theo đúng quy định và hiện tại, Trường có 3 khoa, 2 phòng (trước đó 5 khoa, 3 phòng). Hằng năm, Thành phố có kế hoạch cụ thể về công tác đào tạo, bồi dưỡng giao cho trường đảm nhận. Trong 5 năm qua, việc thực hiện kế hoạch đều đạt kết quả tốt. Những năm gần đây, Thành phố cũng đã quan tâm đến việc giao các nhiệm vụ khoa học để từng bước phát huy vai trò nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của trường.

Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong phát biểu tại buổi làm việc.

 

Bên cạnh đó, Thành phố cũng quan tâm bố trí kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho nhà trường, cơ bản đáp ứng được yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Thành phố. Năm 2022, Thành phố đã bố trí vốn để xây dựng cơ sở mới cho trường, trên diện tích hơn 4,2ha. Dự kiến năm 2026, đưa vào sử dụng, đảm bảo về quy mô, chất lượng và hiệu quả đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển mới. Đến nay, Trường đã đạt 39/55 chỉ tiêu thuộc 6 nhóm tiêu chí theo Quy định số 11-QĐ/TW của Bộ Chính trị.

Tăng cường phối hợp trong đào tạo cán bộ

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, trong những năm qua, Hà Nội rất quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác này, bao trùm là Đề án 04-ĐA/TU ngày 20/9/2017 về “Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quản lý”. Thành ủy cũng thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Chiến lược phát triển Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, do Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong làm Trưởng Ban Chỉ đạo.

Trên cơ sở những kết quả, hạn chế, khó khăn và nhiệm vụ đã đề ra đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và xây dựng trường chính trị chuẩn, Hà Nội đề xuất Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh kiến nghị với Trung ương có cơ chế đặc thù cho Hà Nội về tỉ lệ được cử cán bộ đi đào tạo cao cấp lý luận chính trị nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn của địa phương. Xây dựng và ban hành Khung chương trình bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức đối với từng loại hình bồi dưỡng bồi dưỡng; đồng thời, ban hành Quy định cụ thể, thống nhất về công tác đánh giá, xếp loại học viên sau các khóa bồi dưỡng. Hà Nội cũng kiến nghị Học viện tạo điều kiện để viên chức, giảng viên, nhất là những giảng viên đã công tác tại Trường từ 5 năm trở lên được học Cao cấp lý luận chính trị; Quan tâm, tạo điều kiện để cán bộ, giảng viên của Trường được xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó giáo sư.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng phát biểu kết luận Hội nghị.

 

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng ghi nhận, đánh giá cao sự quan tâm của Thành ủy Hà Nội trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, qua đó có những chuyển biến rất rõ nét, bài bản, nền nếp, nội dung và chương trình đào tạo đã bám sát và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, Hà Nội vẫn cần phải quan tâm, phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trong đổi mới việc xây dựng nội dung, chương trình đào tạo, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, các văn bản chỉ đạo mới của Đảng và cập nhật, đáp ứng yêu cầu thay đổi rất nhanh của tình hình thực tiễn. Đồng thời, có sự chia sẻ những kinh nghiệm hay của các tỉnh, thành phố; kế thừa các bài học kinh nghiệm tốt đã được tổng kết, đúc rút. Phương pháp đào tạo cũng cần thay đổi, chú trọng ứng dụng công nghệ trong quản lý học viên…

 Lưu ý một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, Hà Nội cần bám sát Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để từ đó xây dựng kế hoạch, nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trong quá trình đó cần tăng cường phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Với Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đề nghị Trường cần chủ động rà soát những vấn đề còn thiếu so với Quy định số 11-QĐ/TW. “Từng cán bộ, giảng viên nhà trường cũng cần tự học, tự hoàn thiện bản thân thông qua việc đi biệt phái, tham gia các cuộc họp của Thành phố để nắm bắt thực tế về tình hình kinh tế - xã hội”, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.

Về những kiến nghị của thành phố Hà Nội, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng ghi nhận, đồng thời khẳng định, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh luôn ủng hộ Hà Nội trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; cũng như cần có cơ chế, chế độ, chính sách đặc thù để thu hút được những chuyên gia, giảng viên giỏi…/.

 

Nhóm PV