Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong trình bày tổng hợp ý kiến
góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị.
Nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm
Báo cáo tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hà Nội diễn ra từ ngày 11-13/10 về tổng hợp ý kiến góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu lần thứ XVII, Đảng bộ thành phố, đồng chí Nguyễn Văn Phong, Ủy viên Ban Thường vụ Thành uỷ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết, đã có 6.672 ý kiến của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô đã đóng góp vào Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội đại biểu XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội.
Các ý kiến góp ý đã thể hiện tâm huyết, tinh thần trách nhiệm, là kết tinh trí tuệ, tình cảm và sự quan tâm của các cấp, ngành, các giới, của nhân dân Thủ đô và của các ban, bộ, ngành với Đảng bộ Thành phố. Với sự đóng góp nhiệt thành, tâm huyết, trí tuệ, Dự thảo Báo cáo Chính trị đã được hoàn thiện, trình Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng.
Các ý kiến nhấn mạnh, dự thảo các văn kiện được chuẩn bị một cách công phu, nghiêm túc; bố cục chặt chẽ, khoa học; nội dung ngắn gọn, súc tích, thể hiện tính toàn diện và khái quát cao, cơ bản kết tinh được trí tuệ của Đảng, vừa kế thừa thành tựu của nhiệm kỳ trước, vừa có nhiều phát triển phù hợp với thực tiễn và đổi mới tư duy đối với các vấn đề trọng đại của đất nước trong tình hình mới.
Với chủ đề của Đại hội là “Gương mẫu xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy ý chí, phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại”, hầu hết ý kiến nhất trí cao với chủ đề của Đại hội và cho rằng chủ đề có 4 thành tố là rất rõ, phù hợp với thực tiễn phát triển của Thành phố cũng như đã cập nhật quan điểm của Đảng trong Dự thảo các văn kiện Đại hội XIII,, phù hợp với thực tiễn cách mạng theo hướng phát triển.
Chủ đề Đại hội lần này không chỉ kế thừa trí tuệ của các nhiệm kỳ trước mà còn đưa thêm nhiều yếu tố mới thể hiện tư duy, tầm nhìn đổi mới, sáng tạo và phát trển của Đảng bộ: “gương mẫu”, “khơi dậy ý chí”, “đổi mới sáng tạo”, “hội nhập quốc tế”. Cùng với những thành tố về “xây dựng Đảng bộ”, “phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân”, “xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh”, đây sẽ là những tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của Đảng bộ Thành phố trong phát triển Thủ đô 5 năm tới, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2015-2020, hầu hết các ý kiến nhất trí cao đối với đánh giá chung “Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô đã thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVI, đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện, có nhiều dấu ấn nổi bật”. Các ý kiến cũng bày tỏ sự đồng tình cao với các nhận định, đánh giá đối với từng nội dung, kết quả cụ thể và cho rằng đánh giá như vậy là chính xác, sát với thực tiễn của Thành phố 5 năm qua.
Hầu hết các ý kiến nhất trí cao với đánh giá kết quả được nêu trong Dự thảo Báo cáo là “Thành ủy đã triển khai kịp thời, hiệu quả 8 chương trình công tác lớn toàn khóa, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Thành phố đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 16/16 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ Thành phố, có 4 chỉ tiêu vượt kế hoạch, trong đó, có 3 chỉ tiêu hoàn thành sớm 2 năm” cũng như nguyên nhân kết quả đạt và cho rằng đánh giá, nhận định như vậy là khách quan, có sức thuyết phục và phản ánh đúng thực tiễn.
Khơi dậy được ý chí và khát vọng
Đặc biệt, ở phần thứ hai về mục tiêu, nhiệm vụ và những trọng tâm phát triển Thủ đô giai đoạn 5 năm 2020-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, hầu hết các ý kiến góp ý đều nhất trí cao với Dự thảo Báo cáo, cho rằng việc đưa ra các mục tiêu, nhiệm vụ và những trọng tâm phát triển Thủ đô giai đoạn 5 năm 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn và điều kiện của Thủ đô.
Đáng chú ý, một số ý kiến đề nghị bổ sung nội dung: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng” vào thành tố thứ nhất, cụ thể là: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”.
một số ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung nội dung, từ ngữ trong các nhiệm vụ, giải pháp; nhiều ý kiến còn băn khoăn, đề nghị xem xét điều chỉnh, bổ sung chỉ tiêu cụ thể đề ra đến năm 2025. Có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung về quan điểm phát triển trong giai đoạn mới, thể hiện được tính chiến lược trong phát triển của Thành phố với vai trò, vị trí “đầu tàu”, tiên phong, dẫn dắt phát triển, đổi mới của Hà Nội đối với cả nước, trong thời đại cạnh tranh, hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0.
Quang cảnh Đại hội.
Đáng chú ý, một số ý kiến đề nghị cần dự báo, đánh giá thêm và rõ hơn về một số vấn đề: Cạnh tranh chiến lược đang ngày càng quyết liệt, tranh chấp biển Đông chuyển sang giai đoạn mới, quyết liệt, trắng trợn hơn... có thể ảnh hưởng tới quốc phòng, an ninh, kinh tế của Thủ đô; Quan hệ hợp tác song phương, đa phương, nhất là với các nước lớn, trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng khốc liệt và xu hướng dịch chuyển/thay đổi chuỗi sản xuất hàng hóa đã và đang diễn ra trên bình diện thế giới và khu vực. Tiềm năng phát triển các nguồn lực của Thủ đô; Tỷ lệ dân số già tăng cao, gây áp lực về an sinh xã hội; nhu cầu sử dụng các nguồn tài nguyên, đặc biệt là đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước… ngày càng tăng.
Về các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025, hầu hết các ý kiến đều nhất trí cao với các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, môi trường đến năm 2025 đề ra trong Dự thảo Báo cáo là phù hợp với điều kiện, tiềm năng, lợi thế và thực tiễn phát triển của Thủ đô. Song cũng có ý kiến đề nghị cần phải đặt các chỉ tiêu cụ thể cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước để thể hiện được ý chí, khát vọng “phát triển nhanh, bền vững, xây dựng đô thị xanh, thành phố thông minh...” của Thủ đô trong giai đoạn mới.
Nhiều ý kiến còn bày tỏ băn khoăn, đề nghị xem xét điều chỉnh, bổ sung một số chỉ tiêu để phù hợp hơn với thực tế và mục tiêu tổng quát. Cụ thể, đề nghị bổ sung thêm chỉ tiêu: Chỉ tiêu về phát triển nhà ở; Chỉ tiêu về tỷ lệ giới tính khi sinh; Chỉ tiêu về tỷ lệ thất nghiệp nói chung (thành thị và nông thôn); Chỉ tiêu về tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; Chỉ tiêu về tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; Chỉ tiêu về Tỷ lệ che phủ rừng và tỷ lệ diện tích cây xanh đô thị bình quân trên đầu người; Chỉ tiêu về Tỷ lệ hoàn thành xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường;
Các ý kiến đề xuất bổ sung chỉ tiêu về sử dụng đất như, đất trồng lúa, đất khu công nghiệp, đất cụm công nghiệp, đất thương mại, dịch vụ, đất phát triển hạ tầng, đất ở đô thị, đất đô thị; Chỉ tiêu giải quyết việc làm, trong đó có chỉ tiêu giải quyết việc làm trong nước và việc làm ngoài nước, chỉ tiêu chuyển dịch cơ cấu lao động và chỉ tiêu về việc làm xanh, việc làm bền vững…
Đối với những định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá, hầu hết các ý kiến nhất trí với 5 định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá như Dự thảo đã nêu; trong đó, không chỉ đề cập đến xây dựng Đảng, cả hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu mà còn cập nhật, bổ sung quan điểm, định hướng lớn của Đảng như: củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng bộ; thí điểm tổ chức thành công mô hình chính quyền đô thị, củng cố chính quyền nông thôn; cụ thể hóa và tổ chức thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hà Nội; đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, tôn trọng pháp luật.
Về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong giai đoạn 2020-2025, hầu hết các ý kiến đều tán thành với các nhiệm vụ, giải pháp mà Dự thảo Báo cáo đã nêu, cho rằng như vậy là phù hợp và sát với các định hướng, mục tiêu tổng quát, vừa mang tính khả thi cho nhiệm kỳ này vừa tạo tiền đề cho các nhiệm kỳ tiếp theo.
Ngoài ra, có một số ý kiến đề xuất thêm một số vấn đề như: cần phác họa về thành phố kết nối toàn cầu, kinh tế số, củng cố niềm tin đối với Đảng bộ; chuẩn bị cho hội nhập quốc tế và điểm nhấn 5 năm tới là gì; các giải pháp đột phá trong các nhiệm vụ đặt ra, chú ý tới 3 trụ cột chính: (1) là thể chế và thực thi thể chế, trong đó, đặc biệt quan tâm đến nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô, (2) là phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng dữ liệu… tạo nền tảng phát triển kinh tế số (tỷ trọng kinh tế số trong GRDP khoảng 30%) và (3) là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực sáng tạo, nhân lực quản trị xã hội, quản trị kinh tế, nhân lực ngành văn hóa, du lịch; xây dựng cơ chế phù hợp để phát triển hệ sinh thái học tập sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội; phát huy các giá trị văn hóa ngàn năm văn hiến, anh hùng, vì hòa bình, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và phát triển toàn diện, giàu lòng tự hào dân tộc, tự lực, tự cường, ý chí và khát vọng phát triển.
Đồng chí Nguyễn Văn Phong khẳng định, từ sự đóng góp nhiệt thành, tâm huyết của đông đảo các tầng lớp nhân dân, các ban, bộ, ngành Trung ương… Dự thảo Báo cáo Chính trị của Đảng bộ Thành phố đã được Trung ương đánh giá cao và mong muốn Báo cáo của Đảng bộ Thành phố phải thể hiện được quyết tâm cao, khơi dậy được ý chí và khát vọng của Thành phố, phát huy được những truyền thống tốt đẹp của Thủ đô cũng như bản lĩnh của Đảng bộ Hà Nội.
Thông qua việc góp ý kiến lần này, Trung ương không chỉ kỳ vọng vào việc Hà Nội phát huy được sức mạnh nội sinh của mình mà còn có nhiều gợi mở định hướng phát triển cho thành phố: Hà Nội phải hướng tầm nhìn ra bên ngoài phạm vi quốc gia, sánh ngang với các thủ đô phát triển trong khu vực, xứng tầm châu lục và của cả thế giới…/.