Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong 6 tháng năm 2024, toàn Thành phố ghi nhận 745 ca mắc sốt xuất huyết, phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã, không ghi nhận ca tử vong. Tổng số ổ dịch là 11, hiện vẫn còn 3 ổ dịch đang hoạt động tại huyện Đan Phượng và quận Hai Bà Trưng.

Trong đó, tuần qua, toàn TP ghi nhận 38 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 4 ca so với tuần trước đó). Đây là tuần thứ hai liên tiếp có số ca mắc sốt xuất huyết gia tăng. Ngoài ra, trong tuần ghi nhận 1 ổ dịch tại cụm 10, xã Tân Hội, huyện Đan Phượng.

Tại quận Hai Bà Trưng, từ đầu năm đến nay ghi nhận 44 ca mắc (tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2023), 1 ổ dịch, hiện đang xếp thứ 5/30 quận, huyện.

Theo nhận định của Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn TP tăng so với cùng kì năm 2023; đã xuất hiện một số ổ dịch phức tạp, kéo dài. Kết quả giám sát tại các ổ dịch cũ vẫn ghi nhận chỉ số côn trùng cao vượt ngưỡng nguy cơ.

Phun thuốc diệt muỗi chống sốt xuất huyết tại nhà dân ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ảnh: Đỗ Thoa

Thời tiết hiện nay nắng nóng kèm theo mưa rào là điều kiện thuận lợi để phát sinh muỗi truyền bệnh. Các địa phương cần tăng cường các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy đề phòng sốt xuất huyết. Dự báo số ca mắc có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Liên quan đến vấn đề này, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Hoàng Minh Đức đề nghị Hà Nội tiếp tục chủ động triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn TP.

Ngoài ra, TP đẩy mạnh các hoạt động vệ sinh môi trường, tăng cường các hoạt động giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại các khu vực ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao, từ đó triển khai các hoạt động đáp ứng phù hợp và kịp thời. Các đơn vị tăng cường công tác truyền thông, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng chống dịch…

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) kêu gọi người dân, hộ gia đình, mỗi tuần hãy dành 10 phút để phòng, chống sốt xuất huyết với các động tác đơn giản như:

Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bề và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng.

Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ...

Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.

Phối hợp tích cực với ngành y tế trong việc thực hiện các chiến dịch diệt bọ gậy, lăng quăng, phun hóa chất phòng, chống dịch bệnh.

BS.Trần Văn Bắc, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cảnh báo, các bệnh nhân bị sốt xuất huyết Dengue thể nặng, sốt trên 5 ngày có nguy cơ cao hơn bị đồng nhiễm vi khuẩn. Vi khuẩn thường gặp là tụ cầu, nhiều chủng trong số này là tụ cầu kháng thuốc (kháng kháng sinh Meticillin) gây khó khăn trong chẩn đoán và điều trị.

Ngoài ra, các bệnh nhân tuổi cao, nhiều bệnh nền nếu bị mắc sốt xuất huyết Dengue cần được chẩn đoán sớm để có kế hoạch theo dõi nguy cơ đồng nhiễm vi khuẩn, từ đó can thiệp điều trị kịp thời.

BS. Trần Văn Bắc khuyến cáo, người dân nếu có sốt cấp tính trong mùa dịch sốt xuất huyết Dengue nên đi khám và quản lý tại cơ sở y tế, không nên tự truyền dịch tại nhà, không đảm bảo điều kiện vệ sinh, làm tăng nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn.

Người dân cần tăng cường dọn vệ sinh môi trường ở nơi mình sinh sống, diệt bọ gậy để phòng chống sốt xuất huyết.


Đỗ Thoa