Quang cảnh buổi họp báo. 


Chiều 16/12, UBND TP Hà Nội tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội Quý IV/2022 và công tác chuẩn bị Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Chánh Văn phòng UBND TP kiêm người phát ngôn của UBND TP Trương Việt Dũng chủ trì họp báo.

Kinh tế Thủ đô phục hồi mạnh mẽ


Mở đầu họp báo, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Vũ Duy Tuấn đã thông tin về tình hình kinh tế - xã hội TP quý IV và cả năm 2022. Theo đó, kinh tế Thủ đô phục hồi mạnh mẽ, quý IV/2022 tăng 6,76%; ước cả năm tăng 8,89%. Xuất khẩu phục hồi mạnh, nhập khẩu duy trì mức tăng cao. Ngành du lịch cũng phục hồi mạnh. Lũy kế 11 tháng, khách trong nước đến Hà Nội đạt 1,277 triệu lượt, tăng 57%; khách quốc tế đạt 952 nghìn lượt, tăng gần gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch 11 tháng đầu năm cũng tăng hơn 5 lần.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 332.961 tỷ đồng, đạt 106,8% dự toán, tăng 2,7% so với thực hiện năm 2021. Tổng chi ngân sách địa phương dự kiến 100.567,7 tỷ đồng, đạt 94,1% dự toán giao đầu năm, trong đó, chi đầu tư phát triển là 46.022,7 tỷ đồng, đạt 90,1% dự toán; chi thường xuyên 50.883,9 tỷ đồng, đạt 95,5% dự toán giao đầu năm.

 Thu hút đầu tư được đẩy mạnh, ước cả năm 2022, vốn đầu tư phát triển đạt 468 nghìn tỷ đồng, tăng 13,8% và bằng khoảng 39% GRDP. Lũy kế 11 tháng đầu năm, TP Hà Nội thu hút khoảng 1.540 triệu USD vốn FDI (tăng 11,6%). Trong 11 tháng đầu năm 2022, có 27.601 doanh nghiệp thành lập mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, với số vốn đăng ký 312.377 tỷ đồng (tăng 26% về số lượng doanh nghiệp và tăng 4% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước).

Công tác quy hoạch được đẩy mạnh, nhiều quy hoạch quan trọng được phê duyệt. Trong đó, đã được Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; UBND TP phê duyệt 04 đồ án quy hoạch quan trọng: Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; 02 quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống; Quy hoạch bến bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thành phố cũng đang tập trung triển khai Dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; đẩy mạnh phát triển, tổ chức lại mạng lưới giao thông, góp phần nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng. Các dự án có sử dụng đất chậm tiến độ được tập trung rà soát, xử lý dứt điểm.

Thành phố còn tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế, chiến lược phát triển Thủ đô. Tiêu biểu như triển khai Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Dự thảo tổng kết thực hiện Luật Thủ đô và đề xuất sửa đổi Luật Thủ đô; Xây dựng và triển khai thực hiện phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn Thành phố, trong đó, đã rà soát 1.884 thủ tục hành chính; tiếp tục phân cấp, ủy quyền hơn 700 thủ tục hành chính cùng 1.220 nhiệm vụ quản lý nhà nước cấp Thành phố, 358 nhiệm vụ cấp huyện và 173 nhiệm vụ cấp xã…

Thành lập tổ công tác rà soát vi phạm về quản lý đất đai, trật tự xây dựng tại khu vực Đầm Bông

Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về vi phạm quản lý đất đai, trật tự xây dựng tại Đầm Bông (phường Định Công, quận Hoàng Mai), Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Đỗ Thanh Tùng cho biết, tiếp thu thông tin từ các cơ quan báo chí, quận Hoàng Mai đã thành lập tổ công tác để rà soát toàn bộ vi phạm về quản lý đất đai, trật tự xây dựng tại khu vực này trong vòng 5 năm trở lại đây.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Đỗ Thanh Tùng, Khu công viên hồ điều hòa có ký hiệu là A1/CXKV ở phường Định Công rộng hơn 26 ha, trong đó, khu vực Đầm Bông rộng 3,5 ha. Những vi phạm về quản lý đất đai, trật tự xây dựng tại khu vực này là vấn đề nhức nhối và là vấn đề lịch sử để lại. Trên khu vực này có 1.042 trường hợp vi phạm, trong đó, có 192 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị cấp sai quy định. Riêng khu Đầm Bông có 80 trường hợp vi phạm về trật tự xây dựng. Những vi phạm này từ quận đến Thành phố và Chính phủ đều đã biết. UBND TP đã cho Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tiến hành thanh tra và yêu cầu quận xử lý đối với 1.042 trường hợp vi phạm này; đồng thời, nhiều cán bộ liên quan đến những vi phạm này đã bị xử lý kỷ luật, bị khởi tố.

 Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Đỗ Thanh Tùng cho biết, tiếp thu thông tin từ các cơ quan báo chí, quận Hoàng Mai đã thành lập tổ công tác do Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng quận để rà soát toàn bộ vi phạm về quản lý đất đai, trật tự xây dựng tại khu vực này trong vòng 5 năm trở lại đây.

Chấn chỉnh ngay công tác quản lý hè đường trên các tuyến phố

Trả lời câu hỏi về công tác lát đá vỉa hè, việc lấn chiếm vỉa hè làm bãi đỗ xe, công tác đầu tư và quản lý sau đầu tư hè đường các tuyến phố trên địa bàn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Mạc Đình Minh thông tin, Thành phố không quy định thời gian triển khai chỉnh trang vỉa hè vào dịp cuối năm mà phụ thuộc vào kế hoạch, tiến độ triển khai dự án do UBND cấp quận, huyện, thị xã quy định. Theo đó, dự án phải được triển khai theo đúng trình tự, quy định. Thành phố cũng ban hành nhiều văn bản, gửi đến các quận, huyện, thị xã về việc cải tạo, chỉnh trang hè phố. Trong đó, chỉ đạo các quận, huyện, thị xã triển khai các biện pháp đồng bộ đảm bảo an toàn cho người dân, phương tiện khi tham gia giao thông và mỹ quan đô thị…  Trong năm 2022, Sở Xây dựng Hà Nội đã kiểm tra đột xuất 7 dự án chỉnh trang hè phố. Qua đó, đã phát hiện nhiều tồn tại, do đó, đã gửi đề xuất để các quận, huyện, thị xã triển khai đồng bộ. 

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Mạc Đình Minh trả lời các câu hỏi của phóng viên tại buổi họp báo. 


Theo phản ánh của báo chí về tình trạng vỉa hè một số tuyến phố: Nguyễn Trãi, Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân); Trần Phú (quận Hà Đông)…, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đây là những tuyến phố Thành phố đầu tư từ giai đoạn 2016-2017. Ở mỗi giai đoạn, Thanh tra Thành phố đã có kết luận và chỉ rõ nguyên nhân, hạn chế. Vì vậy, Thành phố đã yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã khắc phục tồn tại; chỉ đạo xử lý, kiểm điểm tổ chức cá nhân liên quan…

Thông tin về việc lát đá vỉa hè trên phố Nguyễn Trãi, ông Lê Hồng Thắng, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho biết: Dự án đầu tư xây dựng vỉa hè đường Nguyễn Trãi được giao cho quận Thanh Xuân, thực hiện từ năm 2017, đến năm 2018, dự án đã hoàn thành. Theo quy định, tháng 6/2020, công trình hết bảo hành. Sau khi hết bảo hành, quận đã thực hiện quy định bảo trì và hiện nay, đang triển khai bảo trì kết cấu công trình đường bộ theo quy định của Sở Xây dựng Hà Nội tại đường Lê Trọng Tấn và đường Nguyễn Trãi. Dự kiến, quận sẽ hoàn thành bảo trì những điểm hư hỏng lớn trước tết Âm lịch để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

 Thông tin thêm về nội dung này, Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Trương Việt Dũng cho biết: Trong hôm nay (16/12), UBND TP Hà Nội đã có Văn bản số 4236/UBND-ĐT, về chấn chỉnh công tác đầu tư và quản lý sau đầu tư hè đường các tuyến phố trên địa bàn TP Hà Nội. Theo đó, Chủ tịch UBND TP yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, giám sát công tác quản lý, sử dụng hè phố theo đúng công năng, mục tiêu đầu tư và thiết kế đã được phê duyệt; rà soát tạm dừng ngay việc sử dụng hè phố làm điểm đỗ xe ô tô, tập kết vật liệu xây dựng gây hư hỏng hè phố, báo cáo UBND TP kết quả thực hiện trong tháng 12/2022, nếu vi phạm cần chấm dứt ngay.

Đồng thời, phát huy vai trò giám sát cộng đồng trong quá trình thi công, cải tạo, quản lý vỉa hè. Giao Sở Xây dựng Hà Nội quản lý nghiêm các công trình xây dựng làm hỏng kết cấu hè phố... UBND các quận huyện, thị xã, các chủ đầu tư kịp thời duy tu, sửa chữa công trình đảm bảo mỹ quan đô thị, tăng cường bảo hành, bảo trì... Sở Xây dựng Hà Nội phối hợp các Sở, ngành, đơn vị liên quan rà soát kỹ các nguyên nhân tình trạng đá vỉa hè bị bong nứt, vỡ... Tham mưu đề xuất các giải pháp cụ thể,  báo cáo UBND Thành phố, trong quý I/2023, để xem xét chỉ đạo…/.

 

 

Thu Hà