Quang cảnh Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội khóa XVII. Đó là điều được Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025” diễn ra ngày 11/5. Chỉ đạo này đã truyền đi thông điệp khẳng định ý chí quyết tâm, tinh thần trách nhiệm của Đảng bộ thành phố Hà Nội trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Chỉ đạo này được đưa ra sau hơn 2 năm thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU với những kết quả khá ấn tượng. Cách đây hơn 1 năm, Hà Nội là một trong những cấp ủy cấp tỉnh đầu tiên trong cả nước thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ngay sau khi đi vào hoạt động, Ban Chỉ đạo đã theo dõi, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực mà nhân dân quan tâm. Đến nay, 47 vụ việc, vụ án đã được đưa vào diện theo dõi. Cùng với đó, Thành phố đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng. Đó là tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; nâng cao hiệu quả của các cơ quan nội chính với các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo… Đặc biệt, Thành phố tập trung bịt các “kẽ hở” về cơ chế chính sách thông qua việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý, cải cách hành chính, phân cấp, ủy quyền, xây dựng các quy chế, định mức cụ thể, rõ ràng,... Ở cấp quận, huyện, sở, ngành cũng đồng loạt xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU. Từ đó, tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức ngày càng chuyển biến. Điều này được thể hiện rõ nét trong bước tiến vượt bậc của Hà Nội về chỉ số cải cách hành chính năm 2022. Và hiện nay, việc Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội đã vào cuộc ngay từ đầu để triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô với nguyên tắc “nơi nào để xảy ra sai phạm mà không tự phát hiện ra thì bí thư cấp ủy và chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cấp ủy nơi đó phải chịu trách nhiệm” cũng thể hiện quyết tâm phòng ngừa sai phạm từ sớm, từ xa. Ý chí quyết tâm của công tác phòng chống tham nhũng của Thành phố còn được thể hiện rõ trong việc thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá những hạn chế, yếu kém. Đó là công tác tự phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong nội bộ một số cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn còn là khâu yếu. Tính nêu gương của người đứng đầu và sự vào cuộc của một số cấp ủy, chính quyền có nơi, có lúc còn chưa sâu sát, chưa kịp thời, chưa quyết liệt... Đặc biệt, công tác tự phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong nội bộ một số cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn là khâu yếu, phần lớn là không tự phát hiện ra các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát phát hiện nhiều sai phạm, nhưng phát hiện để chuyển cơ quan điều tra các sai phạm liên quan đến tham nhũng, tiêu cực chưa nhiều… Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo đã thẳng thắn chỉ ra: Trên thực tế, nhiều biểu hiện tiêu cực vẫn còn diễn ra trong các sở, ngành, nhất là với các đơn vị có đặc thù công việc giải quyết thủ tục hành chính của các tổ chức, doanh nghiệp. Qua kiểm tra thực thi công vụ, các đoàn kiểm tra của thành phố đã phát hiện nhiều sở, ngành chưa xây dựng quy chế. Có đơn vị xây dựng quy chế nhưng không thực hiện. Vì vậy, đã xảy ra trường hợp hồ sơ của doanh nghiệp bị “bỏ quên”, gây lãng phí lớn thời gian, tiền bạc của người dân, doanh nghiệp.Cùng với việc chậm cải cách thủ tục hành chính của một số sở, ngành, lãng phí còn tồn tại ở chính sự đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, sợ ban hành văn bản… Thực tế này đã dẫn đến xảy ra tình trạng lãng phí rất lớn vốn ngân sách nhà nước tại nhiều dự án do “có tiền mà không tiêu được”. Với sự quyết tâm, thẳng thắn nêu trên, Hà Nội cũng đã đề ra 9 nhiệm vụ giải pháp toàn diện, đồng bộ để thực hiện trong trong thời gian tới. Đồng tình với các giải pháp đề ra, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương nhấn mạnh đến việc giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận trong công tác này. Đặc biệt, theo đồng chí Nguyễn Lan Hương: “Việc tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của MTTQ Việt Nam chỉ mang tính xã hội, không mang tính quyền lực nhưng được bảo đảm bằng sức mạnh của dư luận xã hội, bằng sự đồng thuận của nhân dân và xã hội. Đây là những yếu tố quan trọng, là cơ sở giúp cho MTTQ Việt Nam thành phố thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”. Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo lưu ý đến việc tăng cường kiểm tra việc xây dựng và thực hiện các quy chế, quy trình thực thi công vụ trong các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là các sở, ngành có đặc thù công việc liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp. Cùng với việc xây dựng các chuyên đề kiểm tra sâu, cần tiến hành các cuộc kiểm tra đột xuất, không báo trước nhằm kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế và xử lý nghiêm sai phạm. Bí thư Quận ủy Ba Đình Hoàng Minh Dũng Tiến cho rằng, các cấp ủy phải quan tâm lãnh đạo chính quyền cùng cấp đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính; gắn cải cách hành chính với thực hiện các quy chế dân chủ cơ sở; tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp giám sát hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, viên chức và tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Đặc biệt, cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác kiểm tra giám sát của Đảng, thanh tra của chính quyền; tạo điều kiện thuận lợi để Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội vận động cán bộ, hội viên, các tầng lớp nhân dân tham gia phòng, chống tham nhũng. Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng nêu yêu cầu phải tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và lãng phí; đặc biệt là phát huy hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp trong công tác xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách để không tạo kẽ hở, dễ bị lợi dụng… Có thể nói, khi thực hiện đúng, thực hiện nghiêm quy chế, quy trình thực thi công vụ cũng sẽ giúp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tiền bạc, nguồn lực của Nhà nước và người dân, doanh nghiệp. Quan trọng hơn cả, khi thực hiện nghiêm quy chế, quy trình cũng sẽ tạo ra những động lực tích cực để phát triển kinh tế - xã hội. Điều quan trọng là để thực hiện nhất quán ý chí quyết tâm và tinh thần trách nhiệm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, các cấp, các ngành phải tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm các chủ trương, giải pháp về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước,… đặc biệt là các ý kiến chỉ đạo, kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Một giải pháp có tính chất quyết định khác là phải huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và lãng phí; đặc biệt là phát huy hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp trong công tác xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách để không tạo kẽ hở, dễ bị lợi dụng. Trong quá trình đó phải chú trọng là phát huy cao độ tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu vì “Quyền lực càng cao, trách nhiệm càng lớn”./. |