Các cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quản lý tham gia lớp bồi dưỡng tại Trường đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong.


Quy định nêu rõ, đối tượng học trung cấp chính trị gồm: Cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ quân đội; cán bộ công an; cán bộ có đủ 6 năm giữ ngạch, bậc chuyên viên và tương đương; chức danh, vị trí việc làm theo quy định phải có trình độ trung cấp lý luận chính trị và trong dự nguồn ngạch trung cấp (tương đương); giảng viên lý luận chính trị ở Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong và các trung tâm chính trị quận, huyện, thị xã. Còn tiêu chuẩn là đảng viên dự bị hoặc chính thức; tốt nghiệp cao đẳng trở lên (tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên đối với cán bộ là dân tộc thiểu số); cán bộ học hệ không tập trung là nữ từ 33 tuổi, nam từ 35 tuổi trở lên.

Đối với cao cấp lý luận chính trị, đối tượng gồm: Cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ quân đội; cán bộ công an; cán bộ có đủ 4 năm giữ ngạch, bậc chuyên viên chính và tương đương; chức danh, vị trí việc làm theo quy định phải có trình độ cao cấp lý luận chính trị và trong dự nguồn ngạch cao cấp (tương đương); giảng viên Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong có đủ 5 năm trực tiếp giảng dạy lý luận chính trị. Còn tiêu chuẩn là đảng viên chính thức; tốt nghiệp đại học trở lên; cán bộ học hệ không tập trung là nữ từ 38 tuổi, nam từ 40 tuổi trở lên.

Đối với việc phân cấp đào tạo lý luận chính trị, trung tâm chính trị quận, huyện, thị xã đào tạo sơ cấp lý luận chính trị. Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong đào tạo trung cấp lý luận chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức thành phố; các cơ quan Trung ương làm việc trên địa bàn thành phố Hà Nội (từ năm 2024).

Ban Tổ chức Thành ủy tham mưu cho Thường trực Thành ủy chọn cử cán bộ, công chức, viên chức thành phố đi đào tạo cao cấp lý luận chính trị do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức giảng dạy.

Hồng Thanh