Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại buổi tiếp xúc. 


Sáng 5/5, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố (TP) Hà Nội cùng các đại biểu Quốc hội thuộc Đơn vị bầu cử số 4 đã tiếp xúc với cử tri quận Hoàng Mai và huyện Gia Lâm trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV.

Tham gia tiếp xúc cử tri có các đại biểu Quốc hội: Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hà Nội; Vũ Thị Lưu Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri quận Hoàng Mai và huyện Gia Lâm đã nêu ý kiến, kiến nghị với các đại biểu Quốc hội về nhiều vấn đề liên quan đến công tác quản lý đất đai, xây dựng hạ tầng cơ sở, triển khai các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn quận/huyện, công tác đầu tư công, phòng cháy chữa cháy…

Đáng chú ý, cử tri quận Hoàng Mai đề nghị các đại biểu Quốc hội và thành phố có ý kiến đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) sớm bàn giao các ô đất đã quy hoạch xây dựng trường học, bãi đỗ xe... để lập dự án đầu tư phục vụ nhân dân. Đồng thời, thành phố hỗ trợ bố trí nguồn vốn từ ngân sách để xây dựng trường học; xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư cấp tạm bãi đỗ xe đáp ứng nhu cầu cấp thiết đang đặt ra.

Đề cập đến công tác phòng cháy, chữa cháy, một số cử tri cho rằng, hiện nay mô hình liên gia và điểm phòng cháy, chữa cháy công cộng đang được nhân rộng. Tuy nhiên, các quy định Luật Phòng cháy, chữa cháy trong kinh doanh karaoke, nhà nghỉ trọ, cơ sở kinh doanh… còn nhiều bất cập với thực tế. Đa số cơ sở khi được thuê đã sử dụng từ nhiều năm trước và còn nhiều tồn tại phòng cháy, chữa cháy. Cử tri đề nghị các đại biểu Quốc hội có ý kiến với các cơ quan chức năng chỉ đạo giải quyết bất cập nêu trên và không để đình trệ hoạt động kinh doanh karaoke như hiện nay.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri quận Hoàng Mai và huyện Gia Lâm còn kiến nghị Trung ương, thành phố quan tâm trình Thủ tướng Chính phủ về một số nội dung trong việc lập tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, trong đó có điều chỉnh các nội dung còn bất cấp…

Sau khi nghe các vấn đề cử tri nêu, thay mặt các đại biểu Quốc hội, phát biểu tại buổi tiếp xúc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri để tổng hợp báo cáo với Quốc hội và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Đồng chí khẳng định, các ý kiến cử tri nêu đều rất xác đáng và là vấn đề lãnh đạo thành phố quan tâm, trăn trở.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri quận Hoàng Mai và huyện Gia Lâm đã nêu ý kiến, kiến nghị với các đại biểu Quốc hội về nhiều vấn đề Nhân dân quan tâm. 


Trao đổi với của tri một số vấn đề thuộc thẩm quyền, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, đến nay, Tổng Công ty HUD đã có văn bản bàn giao các ô đất quy hoạch về cho thành phố. Quan điểm của thành phố trong việc này là khi tiếp nhận sẽ giao cho quận quản lý, sử dụng. Khi đó, quận phải kêu gọi đầu tư bằng nguồn xã hội hóa. Đối với trường học, nếu không có nhà đầu tư thì mới sử dụng ngân sách nhà nước. Đối với bãi đỗ xe, quận phải khuyến khích đầu tư bãi xe thông minh, cho phép xây dựng bãi đỗ xe cao tầng.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, năm 2023 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng, “năm bản lề” tạo nền tảng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII và các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2025. Thành uỷ Hà Nội và các cấp ủy Đảng tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới phong cách lãnh đạo theo hướng khoa học, dân chủ, sâu sát thực tiễn ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2023, với tinh thần “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” và đã đạt được một số kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, còn nhiều hạn chế, tồn tại cần khắc phục, như: Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp, công tác chỉ đạo giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, quản lý, sử dụng hè phố, lòng đường có lúc, có nơi còn chậm, chưa triệt để…

Bí thư Đinh Tiến Dũng yêu cầu, quận Hoàng Mai, huyện Gia Lâm phải nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn, quyết tâm cao để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2023. Trong đó, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy Đảng, nhất là cấp cơ sở. Phát huy tính tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Kiên quyết phòng, chống, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các biểu hiện tiêu cực khác; củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.

Chia sẻ thông tin kết quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị của thành phố thời gian qua, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết, thành phố đang triển khai những dự án lớn, chủ trương chiến lược về quy hoạch, thể chế, phát triển công nghiệp văn hóa, quản lý tài sản công, cải tạo chung cư cũ...

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kiểm tra thực tế tình hình quản lý, sử dụng vỉa hè, lòng đường ở phố Kim Đồng, quận Hoàng Mai. 


Đề cập đến dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Bí thư Đinh Tiến Dũng thông tin: Mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ là đến 30/6/2023 phải bàn giao cơ bản 70% mặt bằng và tổ chức khởi công được dự án Vành đai 4. Đến 31/12/2023 phải bàn giao 100%. Đến nay, Hà Nội đã bàn giao được khoảng 50% diện tích đất của dự án Vành đai 4. Gần 60% mồ mả được di chuyển, cụ thể có khoảng 11.000 ngôi mộ đến nay đã chuyển được khoảng 6.000 ngôi. Việc di dời mồ mả được các quận huyện tích cực vận động thực hiện trong 2 tháng cuối năm 2022.

"Dự án nhận được sự đồng thuận lớn của bà con, kể cả những ngôi mộ mới chôn cũng di chuyển toàn bộ. Cùng sự đồng thuận của nhân dân, khả năng đến 30/6 tới Hà Nội sẽ khởi công được dự án Vành đai 4", Bí thư Thành ủy chia sẻ.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, tổng số tiền giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 4 trên địa bàn Hà Nội (58,6km) là khoảng 13.000 tỷ đồng, bao gồm phần đường cao tốc, đường song hành hai bên và 30m chiều ngang dự trữ làm đường sắt quốc gia.

“Tính ra, chi phí cho mỗi km đường Vành đai 4 vào khoảng hơn 360 tỷ đồng. Con số này không lớn nếu so với đầu tư cho đường Vành đai 2,5 (chỉ hơn 1km trên địa bàn quận Hoàng Mai mà chi phí hơn 2.500 tỷ đồng); đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục (cũng chỉ hơn 1km, mà chi phí hơn 7.600 tỷ đồng). Nên chúng ta làm sớm được ngày nào, làm đồng bộ luôn một lần thì tiết kiệm được rất lớn. Tiền cũng quan trọng, nhưng quan trọng hơn là đời sống người dân ổn định; không phải lo di dời, giải phóng mặt bằng”, đồng chí Đinh Tiến Dũng nói.

Sáng cùng ngày, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đã đi kiểm tra tình hình quản lý, sử dụng lòng đường, vỉa hè tuyến phố Kim Đồng trên địa bàn quận Hoàng Mai. Gặp gỡ, trò chuyện với người dân có nhà đang kinh doanh buôn bán trên tuyến phố, Bí thư Thành ủy đặt câu hỏi: "Nếu thành phố quy hoạch thiết kế đô thị và cho thuê sử dụng vỉa hè thì bà con có ủng hộ không?" Trả lời câu hỏi này, người dân đều phấn khởi, cho biết hoàn toàn ủng hộ và đề nghị thành phố triển khai sớm chủ trương này.

Theo Bí thư Thành uỷ, vừa qua, cho ý kiến về đồ án thiết kế đô thị tuyến đường Lý Thường Kiệt do Ban Cán sự đảng UBND TP trình, Thường trực Thành uỷ đã chỉ đạo tiến hành nghiên cứu đồng thời cả 2 tuyến đường song song là Hai Bà Trưng và Trần Hưng Đạo để bảo đảm đồng bộ. Bí thư Thành ủy chỉ đạo quận Hoàng Mai tiến hành xây dựng thiết kế đô thị các tuyến phố theo hướng này và trước mắt là tuyến phố Kim Đồng./.

Nhóm PV