Trong hành trình qua những ngôi làng đậm nét Bắc bộ, làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) nổi tiếng là vùng đất địa linh nhân kiệt "một ấp hai Vua" và quần thể di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc cảnh quan độc đáo đang lưu giữ. Di tích lịch sử cấp quốc gia này gồm 9 làng: Mông Phụ, Đông Sàng, Đoài Giáp, Cam Thịnh, Cam Lâm, Phụ Khang, Hà Tân, Hưng Thịnh và Văn Miếu. Nằm rải rác tại các thôn này hiện còn tới 956 ngôi nhà truyền thống có niên đại thế kỷ XVI.
Tới làng, khách thăm dễ dàng cảm nhận được nét cổ kính, bề thế ngay từ cổng làng. Bước qua cổng làng xưa, tới đình Mông Phụ. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, đình Mông Phụ xây dựng vào thời kỳ Hậu Lê và đầu thời nhà Nguyễn. Năm 1858, thời Tự Đức, đình được sửa chữa lần thứ nhất, đến nay vẫn giữ nguyên dạng kiến trúc, điêu khắc đầu thế kỷ XIX. Đình Đường Lâm thờ Tản Viên Sơn Thánh (Sơn Tinh) - vị thần đứng đầu trong Tứ bất tử (Sơn Tinh, thánh mẫu Liễu Hạnh, Thánh Gióng và Chử Đồng Tử) của người Việt. Tản Viên Sơn Thánh cũng là Thành hoàng làng.
Kiến trúc Đình xây dựng theo kiểu chữ Công gồm Nghi Môn, Tả Mạc, Hữu Mạc và Đại Đình. Đáng quan tâm nhất là kiến trúc của tòa Đại Đình “ba gian hai chái”, sáu hàng chân cột đặt trên một nền đất thấp, trên có sàn bằng ván gỗ; xung quanh chỉ có lan can gỗ kiểu chấn song nên rất thông thoáng. Bộ khung đình được trạm khắc các họa tiết rồng, lân, cá chép, chim, hoa lá... Mái đình to, bè, hơi võng nhẹ, bờ nóc hơi cong; trên các góc mái trang trí “tứ linh” như rồng, lân, phượng và hổ, với những vân xoắn lớn. Những họa tiết trang trí khiến cho mái đình, thân đình và dưới đất hợp thành một thể thống nhất.
Từ đình làng có 6 con đường toả đi 6 hướng để đến 9 làng khác nhau. Đường Lâm được hình thành bởi 9 làng, trong đó 5 làng là: Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp và Cam Lâm liền kề nhau, còn hai làng tách biệt là Phụ Khang và Văn Miếu. Các làng này gắn kết với nhau thành một thể thống nhất với phong tục, tập quán, và tín ngưỡng hàng ngàn năm nay không hề thay đổi.
Nét đặc biệt ở Đường Lâm là những di tích lịch sử, văn hóa cổ có giá trị đa chiều, vùng đất địa linh nhân kiệt này đã sinh ra nhiều vị anh hùng của dân tộc như vua Ngô Quyền; Bố Cái Đại vương Phùng Hưng, Thám hoa Giang Văn Minh; bà Man Thiện (mẹ của Hai Bà Trưng); Khâm sai đại thần, Thám hoa Kiều Mậu Hãn...Do đó, Đường Lâm còn được gọi là đất hai vua - Ngô Quyền và Phùng Hưng.
Bên cạnh những di tích lịch sử văn hóa giá trị cao, Đường Lâm đẹp cổ kính qua từng con ngõ nhỏ, cổng nhà, nhà cổ đơn sơ, gần gũi, những giếng cổ hàng trăm năm tuổi. Cùng đó là nghề cổ truyền làm tương có từ xa xưa, nay vẫn được một số gia đình duy trì ở đây.
Lễ rước Thành hoàng làng, một nét đẹp văn hóa truyền thống được nhân dân đang gìn giữ qua nhiều thế hệ tại xã Đồng Lạc, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Ảnh: Thế Dương
Một ngôi làng cổ khác, thôn Song Khê, xã Tam Hưng (Thanh Oai, Hà Nội); ngôi làng được biết đến là nơi chùa cổ Bối Khê niên đại trên 600 năm tọa lạc tại đây, Bối Khê là một trong những ngôi chùa cổ bậc nhất ở vùng Bắc Bộ, lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa ở nhiều thời kỳ khác nhau, có giá trị cao về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc và nghiên cứu triết học.
Tương truyền, chùa xây dựng từ năm 1338, thời Trần, lưu giữ nhiều dấu tích tôn giáo của phái Trúc Lâm, Đạo giáo, Khổng giáo. Chùa thờ Phật, Tam Tòa Thánh Mẫu, thờ Đức thánh Bối Nguyễn Đình An - người có công đánh giặc phương Bắc.
Đức Thánh Bối là nhân vật lịch sử tạo nên mối liên kết tôn giáo giữa chùa Bối Khê và chùa Trăm Gian, biểu trưng về hai vùng đất (Bối Khê - Tiên Lữ/Tứ Bích xưa). Hai ngôi chùa đều thờ chung Thánh Nguyễn Đình An. Cũng do thờ chung Thánh nên từ xưa, hai làng đã có tục "kết chạ" còn lưu giữ đến nay.
Theo tài liệu, chùa Bối Khê trải qua tám đợt trùng tu vào các đời Lê Sơ, Mạc, Lê Trung Hưng và Nguyễn. Nhiều mảng chạm khắc trang trí ở chùa còn lưu giữ dấu tích kiến trúc thời Nguyễn, cùng đó là nhiều nét kiến trúc, mỹ thuật tiêu biểu ở nhiều thời kỳ, do yếu tố trùng tu giữ lại những vật liệu và thừa kế nghệ thuật kiến trúc, mỹ thuật trong quá trình tôn tạo.
Chùa cổ Bối Khê là một điển hình của dạng chùa cụm Đồng bằng Bắc Bộ với kiến trúc gỗ kéo dài theo trục dọc, mở rộng theo tuyến ngang, một nét mới của kiến trúc Phật giáo Việt Nam xuất hiện từ thời Trần. Kiến trúc Chùa bố trí theo trục Tây - Đông, lần lượt các công trình gồm: Năm tháp mộ, đền Đức Ông, sân ngoài, đường lát gạch, Ngũ Không Môn (gồm năm cổng), cầu gạch qua sông Đỗ Động, tam quan, chùa Phật (tiền đường, thiêu hương, thượng điện, hai hành lang), cung Thánh (đại bái, ống muống, hậu cung).
Từ chùa Phật đến cung Thánh được bao bằng vòng tường xây tạo thành dạng kiến trúc nội (nhị) công ngoại quốc. Ngoài vòng tường chữ "quốc" còn có một số kiến trúc khác ở phía Nam và ao, giếng, vườn cây. Ngũ Không Môn và cầu dẫn đến Tam quan được xây bằng gạch, trang trí với phong cách Nguyễn muộn (cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX) với các đề tài tứ linh, hoa trái, voi ngựa đắp bằng vữa và vẽ lên tường.
Bối Khê đang lưu giữ nhiều hiện vật quý giá như các linh vật đá, bia đá có niên đại lâu đời, các mảng chạm gỗ trên xà cột của chùa từ thời Nguyễn; bậc thềm gạch thời Mạc và thời Lê phía trước thượng điện, với những hoa văn và linh vật trang trí chạm nổi gần như nguyên vẹn; sập đá cổ hàng trăm năm tuổi; Hậu cung thờ Đức Thánh Bối có kiến trúc hai tầng tám mái bằng gỗ, lưu giữ giá trị nghệ thuật kiến trúc, xây dựng, điêu khắc cổ của Việt Nam với nhiều mảng chạm khắc tinh xảo, cầu kỳ mang họa tiết hoa sen, hoa cúc, rồng, mây… làng Song Khê là một ngôi làng cổ phản ánh nhiều giá trị lịch sử, văn hoá thuần Việt. Hiện nay, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai mong muốn đưa chùa Bối Khê trở thành điểm du lịch tâm linh và kiến trúc, mở rộng tiềm năng du lịch ở địa phương.
Một ngôi làng khác đó là làng cổ Yên Lạc, xã Đồng Lạc, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, những di vật khảo cổ, những dấu ấn lịch sử còn lưu giữ đến nay cho thấy, làng Yên Lạc là một địa bàn cư dân cư có lịch sử cư trú lâu đời. Sức hấp hẫn ở làng cổ Yên Lạc khắc họa trên mỗi mái nhà, cổng làng, sân đình, bến nước hay quy ước của một làng Việt xưa. Trong khi ở nhiều nơi quá trình đô thị hóa đang làm mai một những giá trị văn hóa truyền thống thì làng cổ Yên Lạc vẫn lưu giữ được những nét đặc trưng của một làng Việt cổ vùng Bắc Bộ.
Làng cổ Yên Lạc còn lưu giữ "cổng tiền" và "cổng hậu" đặc trưng kiến trúc của một ngôi làng Bắc Bộ; ngôi Đình làng - Di tích văn hóa cấp quốc gia, xây dựng từ thế kỷ 17, thờ vị anh hùng Chu Đạt, người đứng lên khởi nghĩa chống lại sự xâm lăng của nhà Hán. Làng có phong cách kiến trúc cổ thuần Việt với những con đường nhỏ uốn lượn, mềm mại đi qua những căn nhà tường đá ong cổ kính, gần gũi. Mỗi góc nhìn của làng đều giúp khách thăm cảm nhận được sự thân thương, quen thuộc của một làng quê vùng Bắc Bộ.
Nét dung dị yên bình của những ngôi làng cổ, cuộc sống chân thực của những người dân địa phương hòa quyện vào đời sống, văn hóa Hà Nội, lan tỏa tới bạn bè trong, ngoài nước hình ảnh về vùng đất, con người Hà Nội - thân thiện, mến khách, giàu truyền thống văn hóa. Những ngôi làng Việt cổ đang là những thực thể lịch sử, văn hóa góp vào bức tranh văn hóa của Thủ đô những sắc mầu lung linh, rực rỡ từ nền tảng văn hóa truyền thống.