Triển khai Đề án “Đẩy mạnh vai trò của Hội Phụ nữ các cấp trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đến năm 2025” của UBND thành phố Hà Nội, từ tháng 10/2022, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố đã tiến hành chỉ đạo điểm mô hình “Phụ nữ tham gia xử lý rơm, rạ sau thu hoạch”.

Hội viên phụ nữ tham gia tập huấn cách nhân men và xử lý rơm, rạ sau thu hoạch bằng chế phẩm vi sinh IMO.


Tại một trong 9 xã thuộc 5 huyện: Mỹ Đức, Thanh Oai, Chương Mỹ, Thường Tín, Ba Vì được lựa chọn là đơn vị thực hiện điểm mô hình, chị Đỗ Thị Thu Hằng, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Tản Hồng, huyện Ba Vì, cho biết hơn 100 cán bộ, hội viên phụ nữ của xã đã được tập huấn cách nhân men và xử lý rơm, rạ sau thu hoạch bằng chế phẩm vi sinh IMO cũng như lợi ích của việc tận dụng nguồn rơm, rạ, phụ phẩm cây trồng có sẵn tại đồng ruộng để chế biến thành phân bón hữu cơ. Sau khi được tập huấn, Hội Liên hiệp phụ nữ xã đã thành lập nhóm nòng cốt với 10 thành viên để tuyên truyền, nhân rộng mô hình cũng như rà soát các hộ gia đình sản xuất nông nghiệp ở các vùng thuận lợi để thực hiện thí điểm. Nhóm nòng cốt đã thử nghiệm làm men vi sinh và xử lý rơm, rạ trên diện tích 2 mẫu ruộng của các hội viên bằng biện pháp xử lý ủ đống và rải ruộng nước. Với cách làm men dễ hiểu, dễ thực hành, giá thành rẻ nhất là xử lý được khối lượng không nhỏ rơm, rạ sau thu hoạch đã thuyết phục được hội viên phụ nữ trong xã.

Cũng bởi mang lại nhiều lợi ích cho nông dân trong sản xuất, sau khi được tập huấn cách tạo men IMO từ những sản phẩm quen thuộc hằng ngày là phụ phẩm nông nghiệp, nhiều hội viên, phụ nữ xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai quyết tâm sẽ làm theo. Chị Nguyễn Thị Kiều, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Tam Hưng, chia sẻ phụ phẩm sau thu hoạch nông sản được chị em làm phân bón cây rau màu các loại. Qua so sánh đánh giá giữa các luống rau được bón phụ phẩm từ rơm, rạ cho cây rau xanh có ánh vàng, chất lượng tốt, khi nấu cho ngọt tự nhiên, còn luống rau bón phân đạm có màu xanh đen, khi ăn không có độ giòn ngon. Tuy còn có hạn chế cần khắc phục, nhưng ai nấy đều nhận thấy việc không đốt rơm, rạ trên đồng ruộng đã góp phần giảm thiểu chi phí cho sản xuất nông nghiệp, nhất là bảo vệ môi trường sống.

Hội viên phụ nữ huyện Thường Tín xử lý rơm, rạ bằng chế phẩm vi sinh IMO làm phân bón, vừa góp phần bảo vệ môi trường.


Trưởng Ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội, Nguyễn Thị Hường thông tin, triển khai Đề án “Đẩy mạnh vai trò của Hội Phụ nữ các cấp trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đến năm 2025”, từ tháng 10/2022 đến nay, các cấp hội đã tổ chức ký cam kết không đốt rơm, rạ sau thu hoạch và hướng dẫn xử lý rơm, rạ thành phân bón hữu cơ cho hơn 2.500 hộ làm nông nghiệp. Có 33 chi hội đã thực hiện mô hình xử lý ủ rơm, rạ thành phân bón hữu cơ; hướng dẫn cho 244 hộ gia đình hội viên cách làm men IMO…

Theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương, phát huy vai trò, trách nhiệm của hội viên phụ nữ và tổ chức Hội trong việc chủ động tham gia giải quyết những vấn đề về môi trường của Thủ đô, nhiều năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội đã thực hiện có hiệu quả các hoạt động bảo vệ môi trường, thu hút được sự tham gia của đông đảo hội viên, góp phần xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tại các địa phương.

Thời gian tới, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội sẽ tập trung chỉ đạo, hướng dẫn Hội Liên hiệp phụ nữ các huyện, thị xã tuyên truyền để phụ nữ hiểu được lợi ích của xử lý rơm, rạ sau thu hoạch, góp phần thay đổi thói quen trong sản xuất; phát huy vai trò trách nhiệm vận động hội viên, phụ nữ nhân rộng mô hình xử lý rơm, rạ sau thu hoạch bằng chế phẩm vi sinh IMO bằng việc tổ chức giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, tham quan các mô hình xử lý rơm, rạ đã được thực hiện có hiệu quả, góp phần xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao./.

Cẩm Linh