Nhiều tiềm năng, lợi thế

Hà Nội với lợi thế về tiềm năng du lịch nông nghiệp, nông thôn, đồng thời nhằm cụ thể hóa Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về việc đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025, trong đó quan tâm việc phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố. Do đó, việc khai thác và làm nổi bật những đặc trưng riêng có về du lịch nông nghiệp, nông thôn trong định hướng phát triển du lịch của Thủ đô và cả nước.

Hiện nay, Hà Nội đã có 11 trang trại nông nghiệp sinh thái hoạt động theo mô hình giáo dục, du lịch trải nghiệm; 4 hợp tác xã nông nghiệp khai thác mô hình trang trại đồng quê, tiêu biểu như: Công viên nông nghiệp Long Việt (huyện Sóc Sơn), Trang trại đồng quê (huyện Ba Vì), Trang trại học đường Vạn An (huyện Thanh Trì), Vườn sinh thái Phúc Thọ Hoa Bay (huyện Phúc Thọ)…

Hà Nội có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. (Ảnh: H.T)


Ngoài ra, một số điểm được du khách biết đến nhiều như: Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), làng gốm Bát Tràng, làng hoa giấy Phù Đổng (huyện Gia Lâm), làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân (huyện Thường Tín), hồ Đồng Đò, núi Hàm Lợn (huyện Sóc Sơn)... Đây là điều kiện thuận lợi để ngành Du lịch Thành phố khai thác thúc đẩy phát triển.

Hiện, toàn Thành phố đã có 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Trên cơ sở đề nghị của các huyện, thị xã, đến nay, Hà Nội đã tổ chức đoàn thẩm định được 40 xã đủ điều kiện trình Hội đồng Thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022; đồng thời đã tiến hành thẩm định 12 xã đề nghị công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022. Kết quả, 12 xã đủ điều kiện trình Hội đồng thẩm định nông thôn mới Thành phố xem xét, trình Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội công nhận. Đây là cơ sở để lựa chọn để lựa chọn xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Phát triển theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững

Tại Hội thảo "Xây dựng tiêu chí đánh giá phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững trên địa bàn thành phố Hà Nội" vừa được Sở Du lịch Hà Nội tổ chức, TS. Đoàn Mạnh Cương, Vụ Văn hóa, Giáo dục - Văn phòng Quốc hội cho biết, có thể thấy, hoạt động du lịch tại khu vực nông nghiệp, nông thôn thời gian qua đã được triển khai tại nhiều địa phương, trong đó đã hình thành nên hệ thống sản phẩm du lịch nông nghiệp ngày càng phong phú tại nhiều vùng quê trên địa bàn thành phố Hà Nội. Nhu cầu và xu hướng khách du lịch nội địa và quốc tế đến các vùng nông thôn, nông nghiệp ngày càng gia tăng.

Tuy nhiên, du lịch nông nghiệp, nông thôn ở Hà Nội hiện chủ yếu vẫn mang tính tự phát, manh mún, nhỏ lẻ, chất lượng dịch vụ hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp. Liên kết ngành giữa du lịch, nông nghiệp và khu vực nông thôn để tạo chuỗi giá trị sản phẩm chưa thực sự hiệu quả, chưa phát huy được lợi thế của một quốc gia nông nghiệp.

TS. Đoàn Mạnh Cương cho rằng, để phát triển loại hình du lịch này, cần nghiên cứu những yếu tố ảnh hưởng để có những giải pháp, phương thức khai thác và phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả du lịch gắn với nông nghiệp bền vững, theo TS. Đoàn Mạnh Cương, các cấp, các ngành và địa phương cần sớm xây dựng chiến lược phát triển du lịch nông nghiệp phù hợp với mô hình “tăng trưởng xanh”, gắn với đặc thù, khả năng của từng địa phương. Vấn đề là cần có cơ chế chính sách cụ thể từ phía chính quyền để khơi dậy sức dân, để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng phát triển bền vững của du lịch Hà Nội.

Theo Th.S Vũ Thị Thanh Như, Hội Khoa học kinh tế nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, khi phát triển loại hình du lịch này cần lưu ý đến tính thời vụ của sản phẩm nông nghiệp, nông thôn, để từ đó, có chính sách đầu tư phù hợp.

Th.S Vũ Thị Thanh Như đề xuất xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá về du lịch nông nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững. Đây là cơ sở để định hướng phát triển du lịch nông nghiệp trên địa bàn thành phố theo hướng chú trọng giảm thiểu các tác động tiêu cực của hoạt động du lịch đối với môi trường, xã hội, kinh tế; đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của các điểm du lịch thông qua việc tránh lãng phí điện, nước, nhân công; đáp ứng nhu cầu của thị trường khách du lịch đang có xu hướng quan tâm đến môi trường, văn hóa địa phương và nâng cao khả năng cạnh tranh giữa các điểm du lịch trước bối cảnh cạnh tranh về du lịch ngày càng gay gắt như hiện nay.

Theo các chuyên gia, việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững trên địa bàn thành phố Hà Nội là phù hợp với xu thế thời đại, đáp ứng nhu cầu khám phá, trải nghiệm, thưởng thức của đông đảo du khách.

Tuy nhiên, muốn phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn tăng trưởng xanh và bền vững, trước hết cần đánh giá các điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội đặc thù, quy hoạch phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn hiện tại. Bên cạnh đó, hoạt động du lịch này cần gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững, các đại biểu đề xuất tổ chức rà soát quy hoạch, xác định rõ thế mạnh để phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn riêng của từng địa phương.

Đẩy mạnh tính liên kết vùng để phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc trưng. Thực hiện một số chính sách nhằm thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân để phát triển du lịch nông nghiệp của từng vùng đặc biệt là các sản phẩm du lịch chất lượng cao, khai thác đồng thời giá trị nông nghiệp và phát triển du lịch; sử dụng lao động là người địa phương; các hoạt động du lịch có tính chất cộng đồng; các dự án sản xuất hàng hóa và dịch vụ của khu vực nông thôn vào tiêu dùng du lịch.

Phát triển nguồn nhân lực cho phát triển du lịch nông nghiệp. Cần đổi mới và xây dựng kế hoạch hoàn chỉnh cho quảng bá cho du lịch nông nghiệp trên cơ sở giá trị đặc trưng, nổi bật của từng địa phương gắn với nhu cầu thị trường. Chú trọng công tác điều phối và quản lý điểm đến nhằm phát triển du lịch nông nghiệp bền vững. Cần xây dựng kế hoạch và triển khai chương trình hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP vào tiêu dùng du lịch...


H.Thanh