Những con đường, những góc phố mới đang bừng sáng lên với một tư thế mới, diện mạo mới, sức sống mới của Thủ đô trên con đường đổi mới và hội nhập quốc tế. 

Hơn 1000 năm về trước, vào mùa Thu năm Canh Tuất 1010, đức vua Lý Thái Tổ ban “Chiếu dời đô”, đưa kinh thành từ Hoa Lư về Đại La. Từ cuộc dời đô lịch sử đó, vùng đất Thăng Long - Hà Nội đã trải qua nhiều thăng trầm, nhưng Thăng Long - Hà Nội đã trở thành biểu tượng linh thiêng cao đẹp, hào hùng của dân tộc anh hùng; mảnh đất “địa linh nhân kiệt” tiêu biểu cho truyền thống ngàn năm văn hiến. Thế hệ sau tiếp bước thế hệ trước đã đoàn kết một lòng, kiên cường chiến đấu và chiến thắng, viết nên những bản hùng ca bất diệt, trong đó có Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954.

68 năm là khoảng thời gian không dài so với hàng ngàn năm lịch sử, nhưng đấy có lẽ là ý nghĩa lịch sử cốt lõi nhất, bao trùm nhất. Tinh thần của ngày tiếp quản Thủ đô không chỉ dừng lại ở ngày 10/10/1954, mà mãi về sau vẫn được nhân lên và tiếp nối. Bởi đó chính là cội nguồn sức mạnh của Thủ đô, của đất nước và của dân tộc, là nền tảng vững chắc góp phần tạo ra thế và lực để Hà Nội có bước chuyển mình mạnh mẽ.

Nhìn từ Hà Nội hôm nay có thể thấy, kinh đô xưa, Thủ đô hôm nay vẫn lưu giữ những hình ảnh rất đỗi thân quen. Vẫn là một Thăng Long - Hà Nội với 36 phố phường đã in sâu vào tiềm thức của nhiều người với những nét giản dị mộc mạc từ những cái tên quen thuộc Hàng Mắm, Hàng Muối, Hàng Hành… cổ kính nhưng vẫn đậm chất Tràng An…. Đi giữa các phố phường của Thủ đô, mỗi chúng ta đều nhận thấy những thành tựu rất cụ thể của quá trình đổi mới, hội nhập, phát triển, càng thêm yêu và tự hào về Hà Nội - Thủ đô hoa lệ. 

Mỗi một thành quả của Hà Nội trong 68 năm qua đã kết nối được những mạch nguồn lịch sử và tinh hoa của dân tộc, nơi hội tụ, tỏa sáng của tinh thần yêu nước, yêu hòa bình, tình đoàn kết và khát vọng vươn lên. Thăng Long - Hà Nội của hơn một ngàn năm lịch sử giờ đang vững vàng đi trên con đường đổi mới và hội nhập quốc tế, tô thắm thêm truyền thống "Văn hiến - Anh hùng - Hòa bình - Hữu nghị", đã trở thành biểu tượng được thế giới thừa nhận, tôn vinh: "Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người", "Thành phố Vì hòa bình", “Thành phố sáng tạo”…

Đi qua những giai đoạn phát triển, Hà Nội đã có những đổi thay mạnh mẽ. Từ một đô thị có quy mô dân số khoảng 43,7 vạn người, chịu sự tàn phá nặng nề của chiến tranh, Hà Nội hôm nay không chỉ là trung tâm chính trị, văn hóa, mà đã trở thành một trung tâm kinh tế trọng điểm, thu hút nhiều tập đoàn, nhà đầu tư danh tiếng hàng đầu thế giới và là động lực tăng trưởng quan trọng trong tiến trình hội nhập, toàn cầu hóa của cả nước.

Ngày nay, mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số cả nước, nhưng hằng năm, Thủ đô đóng góp trên 16% GDP, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa, 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu và mức này đang ngày càng tăng. Mức tăng trưởng hằng năm của thành phố đều gấp 1,5 lần so với mức tăng bình quân chung của cả nước, kể cả hơn 2 năm chịu tác động từ đại dịch COVID-19. Vai trò, vị thế của Hà Nội ngày càng được khẳng định, Hà Nội hiện có quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 thành phố, Thủ đô của các nước; có quan hệ kinh tế thương mại với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ....

Cùng với đó là những con đường, những cây cầu mang dấu ấn, những vành đai không chỉ tạo sự kết nối thuận tiện trong nội đô, mà còn kết nối Hà Nội với các tỉnh, thành phố lân cận, làm nên một Thủ đô to đẹp hơn, xứng đáng là “trái tim của cả nước”.

Tuy đã đạt nhiều thành tựu rất đáng tự hào, nhưng Hà Nội vẫn còn không ít công việc cần phải dồn tâm, dốc sức để giải quyết như quy hoạch, phát triển đô thị bền vững; hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị; xây dựng thành phố sáng tạo; từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống ở cả vật chất và tinh thần cho người dân; giải quyết những vấn đề về môi trường... để hướng tới xây dựng, phát triển Thủ đô nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế.

Mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra rất lớn, chặng đường phía trước còn không ít khó khăn, thử thách, nhưng với hành trang là những thành tựu vẻ vang cả trong quá khứ và  hiện tại, chính là mạch nguồn kết nối mọi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân đoàn kết, sáng tạo, chung sức, đồng lòng phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại như tinh thần Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội đã đề ra.

Những thế mạnh của Thủ đô và những thành quả của 68 năm qua, đặc biệt là hơn 35 năm đổi mới, sẽ là nền tảng, bệ phóng vững chắc để Hà Nội tiếp tục phát triển, góp phần cùng cả nước hoàn thành khát vọng xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, hoàn thành di nguyện của Bác Hồ kính yêu: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự, an ninh, làm cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”.

Đi qua những giai đoạn phát triển, Hà Nội đã có những đổi thay mạnh mẽ.


Và không biết tự bao giờ, mỗi dịp kỷ niệm Ngày giải phóng Thủ đô, trên các góc phố, con đường, âm thanh của những bài hát: “Tiến về Hà Nội” của nhạc sĩ Văn Cao; “Người Hà Nội” của thi sĩ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi; “Hà Nội niềm tin và hi vọng” của nhạc sĩ văn Nhân... lại vang lên làm cho những người Hà Nội, nhất là các thế hệ trước xốn xang với những cảm xúc khó tả, ghi dấu lịch sử trên mảnh đất Thủ đô thân yêu… Những câu hát như: “Chúng ta đem vinh quang, sức dân tộc trở về” càng khiến người nghe thấm thía, lắng sâu. “Sức dân tộc” ấy chính là sức mạnh của lòng yêu nước, của ý chí quyết chiến, quyết thắng, của ý chí “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” như tượng đài của tinh thần yêu nước và khí phách người Hà Nội…/.

Trung Anh