18:46 09/08/2023
print  

Phát huy vai trò của người dân trong phòng cháy, chữa cháy

(ĐCSVN) - Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị Hà Nội quan tâm bảo đảm thực hiện "4 tại chỗ" trong công tác phòng cháy, chữa cháy, trong đó đề cao vai trò của người dân (lực lượng trong dân, phương tiện trong dân, hậu cần trong dân)…

Ngày 9/8, UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị sơ kết triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch trọng tâm về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn năm 2023. Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an và Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn chủ trì hội nghị.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ điểm cầu chính UBND thành phố Hà Nội đến điểm cầu tại 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn.

Khuyến khích lắp thiết bị báo cháy tự động và mở lối thoát khẩn cấp, lối thoát thứ 2

Hội nghị sơ kết triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch trọng tâm về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Hà Nội năm 2023.

Báo cáo tại hội nghị cho biết, tính đến nay, thành phố Hà Nội có 102.034/108.422 (đạt 94,1%) hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh đã mở “lối thoát nạn thứ 2”. Đối với các hộ gia đình nhà ở chưa có lối ra ban công, lô gia, lối lên mái hoặc có nhưng bị chắn, bịt bởi "chuồng cọp", "lồng sắt" kiên cố, đã vận động và có 1.496.239/1.628.346 hộ, đạt 91,3% đã mở "lối thoát nạn thứ 2".

Hiện đã có hơn 620 nghìn hộ gia đình tự trang bị bình chữa cháy xách tay với tổng số gần 1 triệu bình chữa cháy… Đến nay, 30 đơn vị quận, huyện, thị xã đã thành lập 5.362 Đội dân phòng tại 5.362 thôn, tổ dân phố trên địa bàn Thành phố (đạt 100%); 100% đội viên đội dân phòng đã được huấn luyện nghiệp vụ PCCC và cấp chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC theo quy định.

Tính đến ngày 5/8/2023, thành phố đã thành lập, duy trì hoạt động 7.223 Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy; xây dựng, lắp đặt 18.201 điểm chữa cháy công cộng. Công an các quận, huyện, thị xã đã tổ chức thực tập 1.044 phương án chữa cháy tại các Tổ liên gia trên địa bàn 579 phường, xã, thị trấn.

Trong thời gian vừa qua, Hà Nội đã triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các kế hoạch chuyên đề chuyên sâu về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Qua đó, tình hình cháy nổ trên địa bàn Thủ đô đã được kiểm soát, kiềm chế, giảm cả 03 tiêu chí so với cùng kỳ 2022. Hơn 70% vụ việc đã được lực lượng cơ sở, quần chúng nhân dân phát hiện, xử lý kịp thời ngay khi mới phát sinh. Đặc biệt, kể từ khi triển khai xây dựng mô hình Tổ liên gia và Điểm chữa cháy công cộng, riêng trong 03 tháng (từ tháng 5 đến tháng 7), đã có hơn 40 vụ việc được người dân sử dụng phương tiện tại điểm chữa cháy công cộng, Tổ liên gia dập tắt đám cháy…

Về kế hoạch xử lý các công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đã đưa vào hoạt động, từ đầu năm 2023 đến nay, Công an thành phố đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy đối với 7.467 lượt cơ sở; lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 821 trường hợp với tổng số tiền phạt gần 43 tỷ đồng; đề xuất, ban hành quyết định đình chỉ hoạt động 848 trường hợp. Từ khi triển khai kế hoạch đến nay, đã kéo giảm 581 công trình (chiếm 20,3% tổng số công trình).

Một buổi tập huấn, thực tập phòng cháy chữa cháy cho người ở chung cư Hà Nội.

Tại hội nghị, đại diện các đơn vị Công an đề xuất các quận, huyện, thị xã tuyên truyền để người dân mở các lối thoát nạn khẩn cấp, trong đó các phòng ngủ đều có thể mở lối thoát khẩn cấp… Đồng thời, tuyên truyền, vận động lâu dài trong các quy định về PCCC; khuyến khích lắp báo cháy tự động với công trình nhà ở riêng lẻ và các hộ nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm công tác phòng ngừa PCCC.

Bảo đảm thực hiện "4 tại chỗ" trong phòng cháy chữa cháy

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo và kết quả đã đạt được trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thời gian qua của thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, đây mới là kết quả bước đầu, Hà Nội vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ phức tạp, nghiêm trọng về cháy, nổ. Trong đó, số lượng công trình vi phạm đã đưa vào sử dụng, vi phạm tồn tại trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy có hiệu lực còn rất lớn, chiếm khoảng 40% cả nước.

Vì vậy, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long đề nghị Hà Nội quan tâm bảo đảm thực hiện "4 tại chỗ" trong PCCC, trong đó đề cao vai trò của người dân (lực lượng trong dân, phương tiện trong dân, hậu cần trong dân)… Đặc biệt, thực hiện nghiêm Chỉ thị 01/CT-TTg năm 2023 về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới, trong đó, 100% các hộ gia đình trang bị các bình chữa cháy, thiết bị chữa cháy, lối thoát hiểm; xử lý nghiêm các công trình vi phạm về PCCC; tập huấn các kỹ năng chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, đặc biệt là trong các cơ sở giáo dục về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu kết luận Hội nghị.

Kết luận tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đề nghị các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, UBND các cấp thực hiện chỉ đạo tăng cường "4 tại chỗ" của đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an, rà soát theo Chỉ thị của Thủ tướng và Bộ Công an, từ đó, rà soát các Tổ liên gia an toàn PCCC, điểm chữa cháy công cộng, tăng cường tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng, quy trình, bố trí trang thiết bị đầy đủ. Sở Tài chính chủ trì phối hợp các, sở liên quan và các địa phương thống kê lại tổng kinh phí trang bị cho cơ sở để có phân bổ hỗ trợ cho các địa bàn còn khó khăn.

Đồng chí Lê Hồng Sơn đề nghị khắc phục tình trạng “khoán trắng” cho lực lượng Công an, cho chính quyền, lơ là trong công tác phòng cháy, chữa cháy bởi đây là nguyên nhân chủ quan của tồn tại, hạn chế. Đồng chí Lê Hồng Sơn đề nghị Công an thành phố tham mưu, kết hợp Chỉ thị của Thành ủy Hà Nội về tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ, kiểm tra dấu hiệu vi phạm với các đơn vị đã nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn để xảy ra vi phạm phòng cháy, chữa cháy.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn thống nhất ý kiến Sở Giáo dục và Đào tạo và Công an Thành phố cần có quy chế phối hợp hai bên; Tổng Công ty Điện lực chủ động đề xuất để có các cuộc họp chuyên đề riêng, báo cáo UBND Thành phố, Thành ủy để có chỉ đạo thực hiện…/.


TIn, ảnh: Phạm Cường
  

  • Tin đọc nhiều