Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đã và đang kiểm tra công tác phòng chống dịch tại một số địa phương, đơn vị.

 

Ngày 19/5/2021,Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã ban hành Công văn số 376-CV/BTGTU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Theo đó, Ban Tuyên giáo Thành ủy đề nghị Thường trực các quận, huyện, thị ủy tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Thành ủy, UBND thành phố, đặc biệt là quan điểm “phòng” là cơ bản, lâu dài, quyết định, “chống” là cấp bách, quyết liệt, nhanh chóng theo tinh thần “chống dịch như chống giặc”; chỉ đạo hệ thống chính trị và nhân dân khắc phục ngay tình trạng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác khi không có dịch trong cộng đồng và hoang mang, dao động, mất bình tĩnh khi dịch bùng phát; hạn chế tối đa tác động bất lợi đến hoạt động kinh tế - xã hội...

Cùng với đó, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp, các phòng, ban, ngành chủ động lên phương án, kịch bản, chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh trên địa bàn, phát huy tính tự lực, tự cường, tự lo và tự chịu trách nhiệm. Tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra, đặc biệt là chấn chỉnh hoạt động ở các khu cách ly tập trung, thực hiện nghiêm khâu bàn giao, tiếp nhận, theo dõi sức khỏe khi cách ly tại gia đình, nơi cư trú; siết chặt quản lý người xuất nhập cảnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND thành phố; tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, nhất là nơi thường xuyên tập trung đông người; mọi trường hợp lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, gây cản trở tiến độ, thực hiện không nghiêm các quy định, chỉ đạo về phòng, chống dịch bệnh phải được khẩn trương làm rõ, xác định trách nhiệm cụ thể của tập thể và cá nhân để xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Đồng thời tiếp tục triển khai quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp tầm soát chủ động theo hướng khuyến khích xét nghiệm tự nguyện, sàng lọc trên diện rộng đối với tất cả trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp và các trường hợp khác có nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, nhất là các trường hợp nghi nhiễm bệnh hoặc đi về từ vùng có dịch theo công bố của Bộ Y tế với phương châm “phòng hơn chống”, bảo đảm phát hiện kịp thời các ca mắc trong cộng đồng, không để xảy ra tình trạng phát hiện muộn, không phát hiện được, hoặc bị động, bất ngờ về mầm bệnh.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, khai báo y tế bằng mã QR, khai báo trực tuyến. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm về việc khai báo y tế của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, lao động, học sinh, sinh viên; chủ tịch UBND cấp xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm về việc khai báo y tế của người dân trên địa bàn.

 

Người dân, đặc biệt là công nhân, lao động đi về từ các vùng có dịch của các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và các khu vực có dịch bệnh khác đều phải thực hiện khai báo y tế, xét nghiệm sàng lọc (theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền). Ngành Y tế phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, bố trí nhân lực, phương tiện, trang thiết bị lấy mẫu phù hợp nhằm tạo thuận lợi nhất cho người lao động và hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tập trung bảo đảm các yêu cầu an ninh, an toàn, an dân, bảo vệ tốt nhất sức khỏe nhân dân, trong đó có việc bảo đảm cho năm học 2020-2021 được kết thúc an toàn; chủ động chuẩn bị phương án tổ chức bầu cử trong điều kiện có dịch bệnh để bảo đảm bầu cử an toàn, dân chủ, đúng luật, đúng quy trình và đạt kết quả cao nhất; đẩy nhanh việc tiêm vắc xin phòng dịch, tập trung cho các đối tượng tuyến đầu, thuộc diện ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ và thành phố.

Chỉ đạo Ban tuyên giáo các quận, huyện, thị ủy tham mưu cho cấp ủy trong chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế, các phòng, ban, ngành, đoàn thể liên quan tuyên truyền sâu rộng về các biện pháp phòng, chống dịch, phản ánh kịp thời, chính xác về diễn biến dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn cũng như phổ biến cách làm hay, gương điển hình trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Tổ chức truyền thông giáo dục sức khỏe nâng cao nhận thức của người dân để chủ động phòng bệnh và hợp tác với cơ quan y tế trong phòng, chống dịch; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch theo thông điệp “5K”, hạn chế tập trung đông người, đeo khẩu trang nơi công cộng, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn, cài đặt và sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin như Bluezone, thực hiện khai báo điện tử...; chỉ đạo kịp thời cung cấp thông tin cho các phương tiện thông tin đại chúng; định hướng truyền thông về phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt thông tin về các ca nhiễm, lịch trình tiếp xúc theo công bố chính thức từ Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế hoặc cơ quan có thẩm quyền của thành phố; thận trọng, khách quan trong thông tin, bảo đảm quyền riêng tư của cá nhân liên quan, tránh thông tin làm ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng, chống dịch…/.

 

 

 

Phương Mai