Sinh ra ở xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng (Hà Nội), sau nhiều năm tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật, năm 2016, bà Đặng Thị Cuối quyết định bắt tay thực hiện dự án trồng rau hữu cơ công nghệ cao tại khu bãi Tổng màu tại chính quê hương mình. Mạnh dạn áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp, dự án của bà Cuối đã và đang mang lại giá trị kinh tế cao cho gia đình, tạo nhiều công ăn việc làm. Hiện nay, trang trại của gia đình bà Cuối có tổng diện tích 46.292m2, sản xuất rau trong điều kiện hoàn toàn tự nhiên, an toàn và áp dụng công nghệ sản xuất hữu cơ. Sản lượng hàng năm đạt từ 50 - 80 tấn rau củ quả các loại, doanh thu đạt từ 800 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng.

Bà Đặng Thị Cuối (bên phải) luôn sẵn sàng hướng dẫn, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh cho những người khác. (Ảnh: Minh Ngọc)


Quy mô sản xuất mở rộng, bà Đặng Thị Cuối đứng ra thành lập Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao Cuối Quý. Hợp tác xã đã hỗ trợ, tạo công ăn việc làm cho 25 lao động thường xuyên với thu nhập ổn định từ 6-7 triệu đồng/người/tháng và 40 - 60 lao động thời vụ với thu nhập từ 4 - 4,5 triệu đồng/người/tháng. Nhiều sản phẩm của Hợp tác xã đã được TP Hà Nội cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP.

Được biết đến như tấm gương dám nghĩ, dám làm ở xã Thụy An, huyện Ba Vì (Hà Nội), anh nông dân Ngô Trọng Hiển lại có được thành công từ mô hình trang trại chăn nuôi gia cầm quy mô lớn. Chính thức khởi nghiệp từ đầu năm 2002, số vốn trong tay chỉ vỏn vẹn 7 triệu đồng từ khoản vay ngân hàng, không ít lần anh Hiển đã thất bại khi lựa chọn gắn bó với việc nuôi gia cầm. Song, với sự hỗ trợ của Hội Nông dân các cấp cùng quyết tâm của bản thân, anh Hiển đã dần mở rộng quy mô trang trại chăn nuôi gà của gia đình. Hiện tại, với tổng đàn gà là 1 vạn con gà đẻ, 2 vạn gà thịt, 60 vạn gà giống/năm, trại gà đồi của anh Ngô Trọng Hiển có quy mô lớn nhất xã Thuỵ An.


Mô hình nuôi gà mang lại doanh thu 10 tỷ đồng/năm cho anh Ngô Trọng Hiển. (Ảnh: Vũ Cường)

Để bảo đảm an toàn phòng bệnh cho đàn gà, anh Hiển chủ động đầu tư xây dựng chuồng trại rất bài bản, hiện đại. Trên diện tích hơn 30.000m2, anh bố trí các khu ấp trứng, khu nuôi gà bố mẹ, khu nuôi gà thương phẩm riêng biệt. Các chuồng nuôi được đầu tư hệ thống giàn lạnh làm mát, uống nước tự động, các lò ấp trứng có công suất 4 vạn trứng/mẻ. Bình quân mỗi tháng, gia đình anh Hiển bán ra thị trường khoảng 8 vạn gà giống. Giá trị kinh tế trang trại chăn nuôi gà của anh Hiển mang lại ước tính vào khoảng 10 tỷ đồng/năm. Làm giàu cho bản thân, anh cũng tích cực hỗ trợ bà con nông dân vươn lên phát triển chăn nuôi để thoát nghèo. Ghi nhận những việc làm đó, năm 2022, anh Ngô Trọng Hiển đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen do có thành tích trong sản xuất nông nghiệp, giúp đỡ các hộ nông dân xóa đói giảm nghèo.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Phạm Hải Hoa, bà Đặng Thị Cuối, anh Ngô Trọng Hiển là 2 trong số rất nhiều điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của Hội Nông dân TP Hà Nội. Chỉ tính riêng trong 5 năm (2018-2023), Hội Nông dân TP Hà Nội đã có hơn 1,3 triệu lượt hội viên đăng ký Hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Qua bình xét có tổng số 961.681 lượt hộ hội viên đạt danh hiệu Hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Đây thực sự là những nhân tố điển hình, hạt nhân thúc đẩy phong trào thi đua lao động sản xuất trong khu vực nông nghiệp, nông thôn của Thủ đô.


Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Phạm Hải Hoa chúc mừng Câu lạc bộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Thành phố nhân ngày ra mắt. (Ảnh: Thanh Huyền)

Được biết, Hội Nông dân TP Hà Nội có 18 huyện, thị Hội; 406 cơ sở Hội với trên 460.000 hội viên. Những năm qua, trên cơ sở bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, thành phố, Hội Nông dân TP Hà Nội đã tập trung chỉ đạo các cấp Hội triển khai sâu rộng đến toàn thể cán bộ, hội viên và nhân dân tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước, gắn với 3 phong trào thi đua và 2 cuộc vận động của Hội phát động. Trong đó phong trào “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được xác định là phong trào trọng tâm, tạo hiệu ứng, lan tỏa sâu rộng, thu hút đông đảo nông dân tham gia. Từ phong trào, đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hộ, kinh tế trang trại, hợp tác xã liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nhiều gương nông dân tiêu biểu, điển hình dám nghĩ, dám làm, tích cực lao động sản xuất, giúp đỡ nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tính đến giữa năm 2023, TP Hà Nội có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (trong đó có 185 mô hình trồng trọt, 45 mô hình chăn nuôi, 54 mô hình thủy sản và 1 mô hình kết hợp trồng trọt và chăn nuôi); 159 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Tiếp tục phát huy tinh thần tự tin, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm cùng sự hỗ trợ của các cấp Hội Nông dân, tin tưởng những nông dân thời đại 4.0 của Hà Nội sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trên con đường phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, an toàn. Từ đó, đóng góp vào quá trình chuyển mình của các lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, thúc đẩy sự phát triển của Thủ đô theo hướng toàn diện, bền vững./.

Phạm Như Quỳnh