Đối lập với hình ảnh thưa thớt trong những ngày giãn cách xã hội, đường phố Thủ đô trong ngày đầu tiên thực hiện Chỉ thị 22 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã có sự khác biệt rõ nét.

Thực hiện Chỉ thị 22/CT-UBND điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn theo nguyên tắc Chỉ thị 15/CT-TTg, ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ, sau 2 tháng nỗ lực với 4 đợt thực hiện các biện pháp phong toả, giãn cách xã hội toàn thành phố, từ sáng ngày 21/9, nhịp sống Hà Nội đã nhộn nhịp trở lại, trên các tuyến đường nội đô mật độ người dân tham gia giao thông tăng cao, do không phải sử dụng giấy đi đường. Nhiều cơ sở kinh doanh, dịch vụ được mở lại, nhất là các cửa hàng bán đồ ăn uống được phục vụ bán mang về và đóng cửa trước 21h hàng ngày, nên nhiều người dân đã ra đường đi chợ, siêu thị mua thực phẩm...

Ngày 21/9, nhiều tuyến đường tại khu vực nội thành như Trường Chinh, Nguyễn Trãi, Láng, Trần Khát Chân... đông đúc người và phương tiện tham gia giao thông. 

Hầu hết người tham gia giao thông đều chấp hành nghiêm quy định đeo khẩu trang khi ra đường. 

 Nhiều tuyến phố trung tâm Hà Nội đông đúc người qua lại.

 

 Mật độ giao thông trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân.
 Dịch vụ giao hàng nở rộ. 
Trong ngày 21/9, nhiều tiệm cắt tóc đã hoạt động trở lại thu hút rất đông khách. Một chủ tiệm tóc cho hay: "Được tin Hà Nội hết giãn cách xã hội, dịch vụ cắt tóc được hoạt động trở lại, tôi rất vui mừng và đến ngay tiệm dọn dẹp cửa hàng, đón khách. Trong ngày đầu tiên do tâm lý còn e ngại dịch bệnh, nên tôi chỉ nhận khách theo đợt, mỗi đợt từ ba đến bốn người để đảm bảo an toàn cho bản thân và khách đến cắt tóc". 
Nhiều cửa hàng không thiết yếu vẫn trong tình trạng "cửa khoá then cài". 
Còn một số khác treo biển cho thuê hay chuyển nhượng cửa hàng. 
Khung cảnh trên phố Hàng Đào, một trung tâm mua sắm sầm uất bậc nhất tại khu phố cổ Hà Nội. 

 

Hiện tại, thực hiện Chỉ thị 22/CT-UBND, Công an Hà Nội vẫn duy trì 22 chốt tại các cửa ngõ ra, vào thành phố và 33 chốt tại các quận, huyện, thị xã giáp ranh các tỉnh lân cận để thực hiện kiểm soát người và phương tiện đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19; duy trì các chốt tự quản tại các khu dân cư, tổ dân phố; kiểm soát chặt di biến động của người dân; tiếp tục kiểm soát chặt, không phát sinh các chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn; không quy định thêm các các quy định cản trở lưu thông hàng hóa, đặc biệt đối với hàng hóa thiết yếu phục vụ Nhân dân và phục vụ sản xuất; tránh ùn tắc giao thông.

Ở nhiều vùng xanh người dân Thủ đô vẫn tự giác thực hiện chốt chặn, đảm bảo an toàn chống dịch. 

 

 

N. Dương