Các đại biểu biểu quyết thông qua chương trình tại Hội nghị. 


Ngày 21/11, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố (TP) Hà Nội khóa XVII khai mạc Hội nghị lần thứ mười.

Chủ trì hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Đinh Tiến Dũng và các đồng chí trong Thường trực Thành ủy.

Theo chương trình, Hội nghị nghe các tờ trình, báo cáo và thảo luận, cho ý kiến về các nội dung: Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của TP năm 2022 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách năm 2022, dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp TP năm 2023; Kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 3 năm giai đoạn 2023-2025; Báo cáo tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 của TP; Tình hình thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2022; Kế hoạch đầu tư công năm 2023 của TP; Cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 của TP Hà Nội.

Hội nghị cũng xem xét, cho ý kiến vào Quy định về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách của TP; định mức phân bổ ngân sách của TP giai đoạn 2023-2025; Đề án quản lý, sử dụng tài sản công của TP Hà Nội; Nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch công tác kiểm tra, giám sát năm 2023 của Thành ủy; Chương trình công tác năm 2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ TP, Ban Thường vụ Thành ủy; Báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện 2 khâu đột phá của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thử XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, để chuẩn bị cho Hội nghị quan trọng ngày hôm nay, trong thời gian qua, Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo Ban cán sự đảng UBND TP, các Ban xây dựng Đảng, Văn phòng Thành ủy và các cơ quan, đơn vị liên quan chuẩn bị các Báo cáo, Đề án, Tờ trình; đã trình xin ý kiến chỉ đạo của Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy và đã được tiếp thu, hoàn thiện để trình ra Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP ngày hôm nay.

Định hướng thảo luận các nội dung, trước hết về một số vấn đề về tình hình kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách, đầu tư công, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nêu rõ, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP và các chương trình, kế hoạch trung hạn 5 năm 2021-2025 của TP. Bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức và tiếp tục chịu tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, song với sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp của thành phố, sự nỗ lực, cố gắng của doanh nghiệp và người dân, tình hình kinh tế - xã hội Thủ đô năm 2022 đã phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực.

Tuy nhiên, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, tình hình kinh tế - xã hội cả nước cũng như thành phố đang phải đương đầu nhiều vấn đề lớn, dự báo nhiều khó khăn, thách thức; khả năng huy động nguồn lực cho phát triển là khó khăn; do đó, đòi hỏi cần nhìn nhận, đánh giá đúng tình hình để đưa ra định hướng, mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp và những quyết sách đúng và trúng, đưa Thủ đô phát triển bền vững trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Từ đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá một cách khách quan, toàn diện về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước và đầu tư công năm 2022 của TP. Trong đó tập trung đánh giá kết quả thực hiện chủ đề năm 2022 là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” và sự cần thiết đề xuất tiếp tục thực hiện chủ đề này trong năm 2023. Đồng thời đánh giá các tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, như: Vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, cải cách hành chính và thủ tục hành chính và chỉ ra các nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế, nhất là các nguyên nhân chủ quan để đề xuất các giải pháp khắc phục một cách căn cơ.

Về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách và định mức phân bổ ngân sách TP Hà Nội, Bí thư Thành uỷ cho biết, tại Hội nghị Thành ủy chuyên đề tháng 8/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ TP đã thông qua Đề án phân cấp quản lý Nhà nước, ủy quyền trên địa bàn TP. Trên cơ sở đó, HĐND TP đã ban hành Nghị quyết số 21/2022/NQ-HĐND ngày 12/9/2022 về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn TP Hà Nội.

Để đảm bảo đồng bộ giữa các quy định phân cấp của TP và căn cứ tình hình thực tiễn của TP, Ban cán sự đảng UBND TP đã đề xuất cập nhật, điều chỉnh Quy định về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách và định mức phân bổ ngân sách của TP cho giai đoạn 2023-2025.

Từ đó, Bí thư Thành uỷ Hà Nội đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận kỹ lưỡng, cho ý kiến cụ thể về nội dung phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi các cấp ngân sách, tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách của TP; định mức phân bổ chi ngân sách TP giai đoạn 2023-2025, đảm bảo tính hợp lý và hiệu quả khi tổ chức triển khai thực hiện. Trong đó tập trung cho ý kiến đối với việc điều chỉnh định mức phân bổ chi thường xuyên đối với một số lĩnh vực; việc tăng tỷ lệ điều tiết tiển sử dụng đất cho các quận, huyện, thị xã; việc phân chia khoản thu thuế thu nhập cá nhân…

Về Đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của TP Hà Nội giai đoạn 2022-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030, Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng cho biết, tài sản công là nguồn lực nội sinh quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, trong những năm qua, việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công của cả nước nói chung và của Thành phố nói riêng còn chưa hiệu quả.

Nhận thức được tầm quan trọng của tài sản công và nhằm triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương, Thành ủy đã xác định việc nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công của thành phố Hà Nội là nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần ưu tiên lãnh đạo, chỉ đạo trong nhiệm kỳ này và các nhiệm kỳ tiếp theo. Đồng thời đã được cụ thể hóa tại Chương trình công tác số 02-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy và Chương trình hành động số 14-CTr/TU ngày 31/5/2021 thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng gắn với Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ TP.

Trên cơ sở đó, Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo Ban cán sự đảng UBND TP nghiên cứu, xây dựng “Đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của TP Hà Nội giai đoạn 2022-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030”. Đến nay, Đề án đã được Ban cán sự đảng UBND TP chuẩn bị công phu, khoa học, nội dung khá đầy đủ, toàn diện với dung lượng 74 trang, kèm theo hệ thống 23 phụ lục chi tiết.

Để Đề án được hoàn thiện hơn nữa và đảm bảo tính khả thi, hiệu quả khi được thông qua và đi vào tổ chức thực hiện, Bí thư Thành uỷ Hà Nội đề nghị các đồng chí đại biểu tập trung, thảo luận cho ý kiến về sự cần thiết, phạm vi của Đề án; đánh giá thực trạng công tác quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công của TP nói chung và tại cơ quan, đơn vị, địa phương nơi công tác nói riêng, chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; đề xuất quan điểm, mục tiêu và các giải pháp khắc phục nhằm quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, khai thác có hiệu quả tài sản công. Đặc biệt là đối với quỹ nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho thuê; quỹ đất 20-25%; quỹ đất, nhà tái định cư; quỹ đất dự kiến đối ứng BT trước đây...

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu khai mạc hội nghị. 

Đáng chú ý, về nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, đồng chí Đinh Tiến Dũng yêu cầu góp ý, thảo luận sâu về hai vấn đề. Thứ nhất là thực trạng dân số của Hà Nội hiện nay cũng như dự báo dân số đến năm 2030, 2050 để bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn phát triển của Thủ đô; vì đây là vấn đề rất quan trọng và còn nhiều ý kiến khác nhau, nhất là về hiện trạng dân số hiện nay của thành phố. Thứ hai là xác định tính chất, tầm nhìn phát triển Thủ đô theo Quan điểm số 2 của Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị là phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” là điểm riêng có của Hà Nội cần được phát huy lên và là điểm nhấn của quy hoạch lần này...

Về dự thảo Kế hoạch kiểm tra, giám sát năm 2023 của Thành ủy, Bí thư Thành uỷ Hà Nội cho biết đây là công việc thường xuyên hàng năm của Thành ủy và là nội dung rất quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng của TP. Trên cơ sở tham mưu, đề xuất của Ủy ban kiểm tra Thành ủy, Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy đã họp và thống nhất trình Ban Chấp hành Đảng bộ TP xem xét, cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch kiểm tra, giám sát năm 2023 của Thành ủy Hà Nội với 1 cuộc kiểm tra liên quan đến việc thực hiện các chủ trương, quy định về công tác cán bộ và 2 cuộc giám sát chuyên đề liên quan đến việc thực hiện các Chương trình, Nghị quyết về phát triển văn hóa và việc thực hiện sau kết luận kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, đây là những vấn đề rất bức thiết trong giai đoạn hiện nay. Từ đó, đề nghị các đại biểu thảo luận, cho ý kiến cụ thể về số lượng, về nội dung các cuộc kiểm tra, giám sát năm 2023 của Thành ủy Hà Nội...

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: “Những nội dung trình Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP lần này là những nội dung có ý nghĩa hết sức quan trọng, quyết định đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô năm 2023 và những năm tiếp theo. Tôi đề nghị các đồng chí nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, tập trung nghiên cứu, thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, xác đáng để hoàn thiện các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp”.

Sau phát biểu khai mạc của Bí thư Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ TP đã nghe các báo cáo, tờ trình của Ban cán sự Đảng UBND TP về các nội dung nêu trên. Sau đó, các ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội tiến hành thảo luận tại tổ về các Tờ trình, Dự thảo Chương trình, Nghị quyết được trình tại Hội nghị.

Hội nghị dự kiến diễn ra trong 3 ngày từ 21- 23/11/2022./.

Thu Hà