Ngành da giày Việt Nam đã đóng góp vào giá trị sản xuất và xuất khẩu đứng thứ 5 của cả nước. Các hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành da giày Việt Nam nói chung cũng xuất phát điểm từ làng nghề - ông tổ của nghề đến từ Gia Lộc, Hải Dương. Thể kỷ XVII, các thợ da giày ở Hải Dương đã mang kỹ thuật da giày lên hành nghề tại kinh thành Thăng Long rồi cư trú tại các phố Hàng Hành, Hàng Giầy… Cuối thế kỷ XIX, họ cùng nhau xây dựng Đình Phả Trúc Lâm, thuộc địa bàn phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm để phụng thờ các Tổ nghề da giầy.

Hoạt động dâng hương tưởng niệm Tổ nghề tại Đình Phả Trúc Lâm, Hàng Hành, Hà Nội (Ảnh: Ngô Trần).


Việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị của ngành nghề truyền thống nói chung và nghề thủ công da giày nói riêng được tiếp sức từ những người giữ lửa, truyền lửa và tiếp lửa truyền thống.

Trong khuôn viên linh thiêng nơi thờ tổ nghề da giày, ông Phạm Hồng Việt, Chủ tịch Hội da giày TP Hà Nội chia sẻ, UBND Quận Hoàn Kiếm đã cho phép Hội và UBND phường Hàng Trống tổ chức hoạt động dâng hương tôn vinh ngành nghề da giày truyền thống của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Ví Hội như một nơi “giữ lửa nghề”, ông Việt tâm sự: Trong sự nghiệp đổi mới của đất nước, việc bảo vệ, phát huy các giá trị di tích lịch sử thờ phụng các vị anh hùng có công đánh giặc giữ nước cũng như các vị tổ nghề đã đem lại những công nghệ làm cho dân giàu nước mạnh là một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc cần được khơi dậy cùng với nguyện vọng của những tổ chức, cá nhân theo nghề da giày. Do đó, Hội mong muốn với việc duy trì các hoạt động dâng hương tưởng niệm và trình diễn thực hành nghề tại khuôn viên Đình, đây sẽ là kênh thực tế hiệu quả để lan tỏa giá trị và vẻ đẹp của nghề da giày truyền thống, tôn vinh sự khéo léo của bàn tay thợ thủ công người Việt.

Nghệ nhân Lê Văn Thịnh (sinh năm 1938) với truyền thống gia đình làm nghề da giày, là "cây đa, cây đề" trong làng nghề da giày Việt Nam. (Ảnh: Ngô Trần) 


Gặp nghệ nhân Lê Văn Thịnh, sinh năm 1938, học nghề da giày từ năm 1950 tại Cầu Đất, Hải Phòng, sau đó về Hà Nội phát triển nghề càng thấm thía hơn giá trị bất diệt của người “truyền lửa nghề”. Ở tuổi 85, ông vẫn còn rất nhanh nhẹn, minh mẫn và say nghề. Ông kể, gia đình có 4 đời làm nghề và đời nào cũng có người làm được giỏi nhưng chỉ được một người thôi. Con trai và cháu nội ông đều được thừa hưởng nghề truyền thống gia đình, đặc biệt cậu cháu nội hiện đang làm giày giỏi, từng đi thi nghề khu vực ASEAN giành giải Nhì.

Theo ông, với nghề da giày, thường thì học nghề 3 năm và sau khoảng 5 năm sẽ ra nghề. Với nghề thủ công truyền thống, trong đó có da giày thì ngoài tư chất thông minh, cần phải hết sức cẩn thận, có tinh thần cầu tiến. Hơn nữa, riêng với nghề da giày đặc biệt chú trọng tới năng khiếu thẩm mỹ, biết cách tạo dáng da giày, chịu khó học hỏi và bỏ qua cái tôi cá nhân để không ngừng hoàn thiện kỹ năng nghề của bản thân.

Không còn trẻ nhưng cũng không hẳn đã già, là thế hệ “tiếp lửa nghề” truyền thống, nghệ nhân Nguyễn Thanh Nhàn, sinh sống tại Phú Xuyên, Hà Nội, sinh năm 1976, làm nghề da giày từ năm 1992. Chịu khó học hỏi, xuất phát điểm từ đam mê nghề của ông cậu trong gia đình làm về da giày, không những tự mày mò, nghệ nhân Thanh Nhàn còn chịu khó học hỏi nhiều thầy khác nhau trong nghề da giày thủ công từ các khâu: gò dao, mài kéo, quấy hồ đến các kỹ thuật: gò giày, khâu giày, làm mũ giày, đo chân để làm khung giày, cỡ giày, thiết kế… “Làm giày phải đam mê và cầu kỳ chi tiết với mọi vấn đề liên quan đến đôi giày, nếu không sẽ không có đôi giày chuẩn được. Muốn đôi giày tinh tế và đẹp phải hết sức tỉ mấn, không được phép sơ suất ở bất cứ khâu nào”- nghệ nhân Thanh Nhàn chia sẻ.

Nghệ nhân Nguyễn Thanh Nhàn (sinh năm 1976) tiếp lửa nghề và hiện có nhà máy sản xuất, sản phẩm xuất khẩu vào thị trường châu Á, châu Phi (Ảnh: Ngô Trần).


Cũng theo nghệ nhân Thanh Nhàn, khi học nghề phải mất vài năm mới làm được một đôi giày ưng ý và hoàn chỉnh, “cảm giác khi hoàn thành một đôi giày sung sướng vô cùng và rất tự hào”. Từ lúc học nghề đến làm nghề, nghệ nhân Thanh Nhàn đã không ngừng học hỏi, trau dồi nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, từng bước gặt hái thành công, dần dần, anh bắt đầu mở cửa hàng, tự tay đo chân, khâu giày, sửa giày, làm giày hoàn thiện cho khách. Sau đó, phát triển thêm và xây dựng nhà máy sản xuất giày da, có kết hợp máy móc thay thế một số khâu thủ công. Khách hàng mở rộng không chỉ ở Việt Nam mà sang Singapore, châu Phi và tham gia rất nhiều triển lãm, hội chợ, được khách hàng quốc tế đánh giá cao, không thua kém với các nước chuyên làm giày tây…

“Kinh tế khó khăn, nhu cầu giày dép nhất là giày tây không phải là lựa chọn hàng đầu hay ưu tiên phổ quát, bán đại trà không làm được, cách đây 15 năm, tôi đã bán đôi giày với giá hơn 1 triệu đồng. Tuy nhiên, xác định là đam mê nên sẽ theo đuổi đến cùng và làm thật tốt, khẳng định thương hiệu, đến nay, giá bán bình quân của chúng tôi là từ 5-6 triệu đồng/đôi, trừ giày thủ công tự chọn chất liệu, mẫu mã theo yêu cầu riêng, đặc biệt của khách hàng” – Nghệ nhân Thanh Nhàn kể.

Bà Stella Ciorra, Tổ chức Những người bạn di sản của Việt Nam bên các sản phẩm da - giày trưng bày tại sự kiện. (Ảnh: Ngô Trần)

Hiện tại, nghệ nhân Thanh Nhàn 3 người con đều đam mê và theo đuổi nghề của bố, con gái lớn thì tiếp quản công việc của bố, con gái thứ hai đang học thiết kế thời trang tại Đại học Mỹ thuật và cậu con trai thứ ba cũng đang tìm hiểu, rất thích thú với công việc này. “Bố truyền đam mê theo đuổi nghề cho các con từ hồi cấp II. Tuy nhiên, cũng phải thấy, để truyền nghề làm da giày thủ công tới các bạn trẻ hiện nay là rất khó khăn vì đòi hỏi sự chịu khó, tỷ mẩn, ngồi một chỗ không phải là sở trường của các bạn…”- anh Thanh Nhàn cho biết.

Lớp thanh niên ngày nay tại các làng nghề nhanh nhạy, sớm hội nhập thời cuộc, đã lập ra những cơ sở sản xuất có quy mô lớn, phục vụ tiêu dùng trong nước và tham gia làm hàng xuất khẩu mà anh Thanh Nhàn là một trong số đó. Để có sản phẩm cạnh tranh, ngoài kỹ thuật sản xuất, thế hệ nghề ngày nay đặc biệt coi trọng khâu thiết kế để luôn thay đổi mẫu mới. Bản thân các người thợ nghề thế hệ mới cũng rất chịu khó tham gia các lớp đào tạo kỹ thuật, tay nghề nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm cho tiêu dùng và xuất khẩu, thậm chí đi học bài bản về da giầy, từng bước tiếp cận thị trường thế giới. Tin tưởng và hy vọng ở họ, ở thế hệ con của nghệ nhân Thanh Nhàn, cháu của nghệ nhân Lê Văn Thịnh và lớp thợ thế hệ mới sẽ tiếp tục duy trì nghề xưa nếp cũ mang hơi thở thời đại, góp phần làm giàu thêm giá trị văn hóa của đất Hà Nội “trăm nghề”, “ngàn năm văn hiến”./.

 


Hân Nguyễn