Người bạn đồng hành cùng tuổi thơ

Ai trong chúng ta cũng đã từng là một đứa trẻ nhưng không phải đứa trẻ nào cũng có những kỉ niệm tuổi thơ gắn liền với cánh đồng làng quê, với những cánh diều no gió cùng chuồn chuồn bay lượn khắp mỗi buổi chiều về. Ngày nay, trong nhịp sống hối hả, càng khó để có thể bắt gặp những chú chuồn chuồn mắt tròn, cánh mỏng, lập lờ bay khắp những bờ đê.

Tại xã Thạch Xá với ngôi chùa Tây Phương nổi tiếng, những nghệ nhân dân gian làng Phùng Xá cũng đã tạo ra những những con chuồn chuồn từ tre vừa bình dị, gần gũi mà hấp dẫn. Đặc biệt ở chỗ, dù cho không được gắn bất kỳ một thiết bị hay động cơ nào nhưng chúng vẫn có khả năng giữ thăng bằng một cách ngoạn mục.

Những chú chuồn chuồn đầy màu sắc. 


Tôi tìm về làng nghề để có cơ hội tận mắt chứng kiến quy trình làm chuồn chuồn tre nổi tiếng xứ Đoài. Đường về xã Thạch Xá nay đã khang trang hơn xưa nhưng dấu ấn của làng quê thì còn đậm nét với mái chùa Tây Phương cổ kính, những hàng rào đá ong vững chãi nhuốm màu của thời gian…

Cuộc gặp gỡ với cô chú Xoan Liên - những nghệ nhân chuồn chuồn tre có kinh nghiệm hơn 20 năm đã cho tôi biết nhiều điều thú vị về cách để làm nên được một chú chuồn chuồn tre. Nhìn thì có vẻ đơn giản, nhưng nó lại đòi hỏi ở những người thợ thủ công sự kiên trì, tỉ mỉ và cẩn thận để các chi tiết trên chuồn chuồn hài hòa với nhau.

Để làm chuồn chuồn, điều quan trọng đầu tiên phải là chất liệu tre. Dù cho ở Thạch Xá có trồng rất nhiều tre trúc, nhưng để bảo đảm được độ mềm dẻo của tre thì gia đình cô chú Xoan Liên phải cất công đi xa hơn. Cô Xoan chia sẻ: “Từ những rừng cây ở Hà Giang, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, tre dài, mỏng được đem về cạo sạch, phơi khô rồi sấy cho trắng, cho đẹp sau đó bắt đầu đến công đoạn tạo hình.”

Tùy theo từng kích cỡ của nan tre mà chuồn chuồn có nhiều kích thước khác nhau. Những thanh tre được vót, mài giấy nhám từng bộ phận rồi ghép thành những chú chuồn chuồn, hai bên cánh phải cân xứng để giữ được thăng bằng.

Cất cánh bay xa

Chuồn chuồn tre Thạch Xá mộc mạc là thế, yêu thương là thế, giờ đã trở thành nét văn hóa làng quê Việt mà không hướng dẫn viên du lịch nào không nhắc tới khi đến xứ Đoài. Chúng còn là một món quà giản dị, đong đầy tình quê hương tới những người con xa xứ và bạn bè quốc tế đến Việt Nam. Thậm chí chuồn chuồn tre Thạch Xá đã được xuất khẩu sang các nước như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản,... đem lại nguồn thu nhập lớn cho những nghệ nhân nơi thôn quê này.

Vừa qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh, các hoạt động dịch vụ du lịch giảm mạnh nên sức tiêu thụ cũng giảm theo. Tuy vậy, những người thợ ở làng nghề Thạch Xá vẫn kiên trì bám nghề “hàng ngày làm và đóng túi cẩn thận, chờ ngày dịch vụ phát triển trở lại sẽ đưa hàng đi các tỉnh”.

Giờ đây, Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn sau dịch COVID-19, mọi ngành nghề đều có dấu hiệu khởi sắc. Hơn bao giờ hết, tâm nguyện của cô chú Xoan Liên cũng như những nghệ nhân làm chuồn chuồn tre Thạch Xá là được tái hợp tác xuất khẩu, để hàng ngàn chú chuồn chuồn tre từ vùng quê thơ mộng, bình dị có thể “vượt bão” bay đến muốn nơi, trở thành một “sứ giả” nhỏ mang đậm dấu ấn của làng quê Việt Nam./.

Bài, ảnh: Ngân An