Các đại biểu bấm nút biểu quyết thông qua Nghị quyết.


Sáng 9/12, tại Kỳ họp thứ 18, với 100% đại biểu có mặt tán thành, HĐND thành phố (TP) Hà Nội đã thông qua nghị quyết về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp thành phố Hà Nội, năm 2021.

Theo đó, biên chế hành chính là 9.003 biên chế, trong đó, biên chế công chức: 7.927 biên chế, giảm 115 biên chế so với năm 2020. Số giao đúng theo biên chế của Bộ Nội vụ giao năm 2021 tại Quyết định số 796/QĐ-BNV ngày 13/10/2020.

Lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP: 1.076 chỉ tiêu, giảm 361 chỉ tiêu so với năm 2020.

Biên chế sự nghiệp là 135.383 biên chế, trong đó, biên chế viên chức: 116.380 biên chế; lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP: 10.464 chỉ tiêu; lao động hợp đồng theo định mức: 8.539 chỉ tiêu.

Trình bày tờ trình trước khi thông qua nghị quyết, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, năm 2021, Hà Nội tiếp tục xây dựng kế hoạch sử dụng biên chế dựa trên Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị và các Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII, thực hiện tinh giản biên chế đến năm 2021 tối thiểu 10%.

Về biên chế công chức, Hà Nội sẽ thực hiện giảm đúng theo số biên chế Bộ Nội vụ giao tại Quyết định số 796/QĐ-BNV ngày 13/10/2020 về việc giao biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước của thành phố (giảm 115 biên chế công chức, tỷ lệ 1,43% so với năm 2020 và 1,3% so với năm 2015).

Nguyên tắc phân bổ, thực hiện giảm đều tỷ lệ % tinh giản theo số giao của Bộ Nội vụ năm 2021, có điều chỉnh ở một số sở ngành, quận, huyện, thị xã trên cơ sở chức năng nhiệm vụ, đề án vị trí việc làm và khối lượng công việc được giao.

Cùng với giảm biên chế công chức, Hà Nội cũng sẽ thực hiện giảm hơn 6.000 biên chế viên chức so với năm 2020.

Nghị quyết cũng đề ra một số giải pháp sau: Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 18-NQ/TW, 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về việc tổ chức, sắp xếp, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Thường xuyên nắm bắt, làm tốt công tác tư tưởng trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý để từ đó lan tỏa tới từng cơ quan, đơn vị và trong toàn hệ thống chính trị.
 
Triển khai có hiệu quả thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội, tạo sự chuyển biến rõ nét trong quản lý, điều hành của Thủ đô, thực sự hướng tới người dân và doanh nghiệp. Tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo Nghị định số 107/2020/NĐ-CP và Nghị định số 108/2020/NĐ-CP, ngày 14/9/2020, của Chính phủ; rà soát trùng chéo chức năng, nhiệm vụ, đặc biệt ở các nhiệm vụ phức tạp, giao thoa, khó phân định giữa các cơ quan, đơn vị. Tập trung các giải pháp đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập, đây là nội dung quyết định đến khả năng có tiếp tục giảm biên chế sự nghiệp được 10% giai đoạn 2021-2025, đặc biệt là xã hội hóa lĩnh vực giáo dục, tính toán thành lập các trường liên cấp, đẩy mạnh thành lập các trường ngoài công lập. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đơn giản đến mức tối đa các thủ tục hành chính liên quan, chuẩn hóa quy trình giải quyết công việc; nâng cao dịch vụ công mức độ 3 và 4 để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.
 
Tập trung điều chỉnh, phê duyệt đề án vị trí việc làm trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp theo Nghị định số 62/2020/NĐ-CP ngày 01/6/2020 và Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính phủ, trên cơ sở danh mục khung vị trí việc làm được Bộ Chính trị thông qua và hướng dẫn của Bộ Nội vụ, Bộ Quản lý chuyên ngành; đảm bảo bố trí cơ cấu lực lượng gián tiếp và trực tiếp phù hợp (35%-65%), có phương án tổ chức đội ngũ kế toán, y tế trường học và luân chuyển, điều động giáo viên giữa các đơn vị phù hợp. Thường xuyên rà soát, điều chỉnh phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn quản lý, để đề án vị trí việc làm thực sự phát huy tối đa hiệu quả.
 
Đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng; đổi mới công tác tuyển dụng; nâng cao chất lượng đánh giá công chức, viên chức; tăng cường kỷ cương, kỷ luật lao động; thực hiện thanh tra, kiểm tra công vụ thường xuyên và đột xuất. Xác định chất lượng nguồn nhân lực của Thủ đô phải là yếu tố hàng đầu quyết định đến hiệu quả công tác tham mưu tại tất cả các ngành, lĩnh vực./.

 

Tin, ảnh: Nguyễn Phượng