Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn trình bày báo cáo tại Kỳ họp. 

 

Đó là thông tin được Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết khi báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng năm 2020; nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 của TP Hà Nội vào sáng 7/12, tại Kỳ họp thứ 18, HĐND TP khóa XV.

Cùng với đó, chi ngân sách địa phương ước thực hiện 87.461,9 tỷ đồng, đạt 84,7% dự toán HĐND TP giao đầu năm (91,5% dự toán sau điều chỉnh), trong đó: chi đầu tư phát triển 40.743,9 tỷ đồng, đạt 90,7 dự toán giao đầu năm (93,0% dự toán sau điều chỉnh), chi thường xuyên 46.045,5 tỷ đồng, đạt 95,1% dự toán giao đầu năm (99,3% dự toán sau điều chỉnh).

TP thực hiện hiệu quả các giải pháp khắc phục khó khăn, phục hồi tăng trưởng, nhất là việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội trọng tâm trong quý IV. Vì vậy, GRDP quý IV tăng trưởng bứt phá so với các quý trước (quý I tăng: 4,43%; quý II tăng: 2,41%; quý III tăng: 3,31% và quý IV tăng: 5,51%); tính chung GRDP năm 2020 ước tăng 3,94% - cao gấp khoảng 1,5 lần mức tăng của cả nước.

Công nghiệp, xây dựng duy trì tăng trưởng khá; cơ cấu nội ngành công nghiệp tiếp tục chuyển dịch tích cực, ngành chế biến chế tạo chiếm trên 90%. Giải ngân vốn đầu tư công có chuyển tích cực, đã khởi công một số công trình lớn và đẩy nhanh tiến độ, một số công trình hạ tầng giao thông đã hoàn thành, đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả.

Các hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục duy trì. Hoạt động cung ứng hàng hóa được đảm bảo ổn định ngay cả dịp Tết và hai đợt dịch COVID-19 bùng phát; chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát. Tổng mức bán ra, tổng mức bán lẻ, kim ngạch xuất khẩu đều tăng so với năm 2019. TP đã thực hiện tốt kích cầu thương mại, các hội chợ, triển lãm và các hoạt động liên kết vùng, hỗ trợ quảng bá, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố.

Công tác quản lý đô thị được đẩy mạnh. Các dự án mạng lưới cấp nước đã bao phủ 100% quận nội thành và 78% dân số nông thôn (2,963 triệu người. 740.719 hộ dân) tăng thêm khoảng 3% so với năm 2019. Công tác quản lý, duy trì cây xanh, công viên, vườn hoa, thảm cỏ được quan tâm đầu tư theo hướng hiện đại, giảm công chăm sóc và tăng độ phủ cây xanh. Hệ thống chiếu sáng công cộng được duy trì tốt, đảm bảo tỷ lệ chiếu sáng trên 98%.

Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn với mức tăng trưởng 4,20%. Xây dựng nông thôn mới (NTM) được đẩy mạnh, đời sống nhân dân khu vực nông thôn tiếp tục được cải thiện. Dự kiến đến hết năm 2020, toàn TP có 368 xã đạt chuẩn NTM (tỷ lệ 96,3%); 23 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; có thêm 06 huyện và Thị xã Sơn Tây đạt chuẩn NTM (lũy kế đã có 13 huyện, thị xã đạt chuẩn NTM, tỷ lệ 72,2%). Đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 ước đạt 55 triệu đồng/người/năm tăng 3,5 triệu đồng/người/năm so với năm 2019.

Các hoạt động văn hoá, giáo dục được duy trì. Đã tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII và các ngày lễ, kỷ niệm lớn: 1010 năm Thăng Long - Hà Nội; Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 75 năm Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, 60 năm Hà Nội - Huế - Sài Gòn, 90 năm ngày truyền thống MTTQ Việt Nam...

Ngành giáo dục Thủ đô tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế; tại các kỳ thi quốc gia đạt 15 giải Nhất, 44 giải Nhì, 44 giải Ba và 41 giải Khuyến khích; tại các kỳ thi quốc tế đạt 338 huy chương (88 HCV, 105 HCB, 111 HCĐ) và 34 giải khuyến khích. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2020 toàn Thành phố đạt 99,17%. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn Thành phố là 58,8% (1.615/2.748 trường), trong đó, công lập là 71,6% (1.579/2.206 trường).

An sinh xã hội, giảm nghèo bền vững được chú trọng, huy động được sự tham gia tích cực của cộng đồng trong công tác chăm lo cho gia đình chính sách, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Năm 2020, TP đã triển khai nhiều giải pháp giảm nghèo. Số hộ nghèo cả năm ước giảm thêm 2.500 hộ, tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 0,33%. Giải quyết việc làm ước đạt 156 nghìn lao động, đạt 100% kế hoạch. Tỷ lệ thất nghiệp thành thị cuối năm ước thực hiện 3,22%, đạt kế hoạch đề ra.

Công tác cải cách hành chính được triển khai quyết liệt; kỷ luật, kỷ cương hành chính, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ của cán bộ, công chức có chuyển biến rõ rệt. Công tác quốc phòng được củng cố. An ninh chính trị, trật tự xã hội được đảm bảo. Các hoạt động đối ngoại tiếp tục được mở rộng và nâng cao hiệu quả.

“Mặc dù bị tác động mạnh của dịch COVID-19, nhung được chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự cố gắng của doanh nghiệp và toàn thế nhân dân Thủ đô, các khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh dần được tháo gỡ, kinh tế từng bước được phục hồi; về cơ bản TP vẫn đạt được mục tiêu tống quát và nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đề ra. GRDP năm 2020 ước tăng 3,94% - tuy không đạt kế hoạch (7,5%) nhưng là mức cao so với các tỉnh, TP và mức chung của cả nước” – Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng chỉ rõ: Bên cạnh các chỉ tiêu tăng trưởng không đạt kế hoạch còn một số khó khăn, tồn tại cần được quan tâm khắc phục. Kinh tế duy trì tăng trưởng, tuy nhiên đạt thấp hơn so với cùng kỳ do tác động của dịch COVID-19, tạo áp lực lớn đối với các cân đối lớn trong thời gian tiếp theo. Số lao động được giải quyết việc làm giảm, thất nghiệp gia tăng so với cùng kỳ năm trước; công tác tuyển sinh, đào tạo nghề còn nhiều khó khăn. Chỉ số giá được kiếm soát nhưng tiềm ẩn tăng cao ở nhóm hàng thực phẩm. Chỉ số SIPAS và PAPI còn ở mức thấp. Tỷ lệ câp đất dịch vụ chưa đạt mục tiêu đề ra. Đấu giá đất đạt thấp so với mục tiêu đề ra…

Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn cho biết, mục tiêu tổng quát năm 2021 là lấy lại đà tăng trưởng, đẩy nhanh cơ cấu lại các ngành kinh tế. Phát triển mạnh sự nghiệp văn hóa, xã hội, thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông mới, các hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp. Đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân. Tăng cường xây dựng, quản lý quy hoạch, phát triển đô thị, xây dựng NTM; tiếp tục đầu tư hoàn thiện các thiết chế văn hóa; quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cải cách hành chính; thăng hạng các chỉ số PCI, PARIndex; có giải pháp nâng cao chỉ số PAPI, SIPAS; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành, thực thi pháp luật; tiếp tục sắp xếp tổ chức, bộ máy; quyết liệt phòng chống tham nhũng, lãng phí. Đảm bảo quốc phòng, quân sự địa phương và an ninh, trật tự xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Thực hiện năm chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”.

Dự kiến năm 2021, TP Hà Nội sẽ thực hiện 23 chỉ tiêu/nhóm chỉ tiêu chủ yếu, trong đó, GRDP tăng khoảng 7,5%; GRDP/người khoảng 135 triệu đồng; vốn đầu tư xã hội tăng 12%; kim ngạch xuất khẩu tăng 5%; Kiểm soát lạm phát, chỉ số giá dưới 4%; giảm 20% số hộ nghèo theo chuẩn mới của TP; số trường công lập đạt chuẩn quốc gia tăng thêm 85 trường; tỷ lệ hộ dân khu vực nông thôn được cung cấp nước sạch 85%; số xã NTM tăng thêm 14 xã, hoàn thành mục tiêu 100% số xã đạt NTM.

TP tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép ” - vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các biện pháp phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại do đại dịch COVID-19. Chủ động xây dựng, triển khai các kịch bản phòng, chống tương ứng với các cấp độ của dịch; ngăn chặn hiệu quả nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài, bảo đảm phòng dịch từ sớm, từ xa; bảo vệ sức khoẻ Nhân dân, đồng thời tận dụng tốt các cơ hội, tập trung phục hồi và phát triển kinih tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới; tính toán kỹ lưỡng các biện pháp phòng, chống dịch, hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến các hoạt động kinh tế xã hội và đời sống người dân./.

Trung Anh