Lãnh đạo TP. Hà Nội dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn.  


Nhiều khó khăn trong triển khai các dự án thoát nước

Nêu câu hỏi tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 14, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, đại biểu Nguyễn Minh Tuân (huyện Phú Xuyên) chất vấn về nguyên nhân, trách nhiệm việc UBND thành phố đã có cam kết phê duyệt 8 dự án thoát nước và thu gom xử lý nước thải; nhưng tới nay mới trình được 4 dự án.

Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở Xây Dựng Võ Nguyên Phong cho biết, Sở đã triển khai thực hiện lập đề xuất chủ trương đầu tư của 8 dự án thoát nước, thu gom xử lý nước thải với tổng mức đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng, trong đó đã trình HĐND được 4 dự án; hiện nay còn 4 dự án.

Đối với dự án cải thiện môi trường thoát nước tại quận Long Biên và huyện Gia Lâm thì chưa bố trí được nguồn vốn nên chưa triển khai thực hiện được chủ trương đầu tư của dự án này.

Còn 3 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 894 tỷ đồng, tháng 10, Sở Quy hoạch kiến trúc đã phê duyệt điều chỉnh cục bộ của phân khu N10 - là cơ sở để Sở Xây dựng hoàn thiện đề xuất chủ trương đầu tư của dự án.

Đối với hệ thống thu gom của lưu vực S1 về Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, Sở Xây dựng cũng đã hoàn thành việc lập đề xuất chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư 2.600 tỷ đồng.

“Lý do khiến dự án này chậm bởi lưu vực rộng - dự án có diện tích 2.894ha. Tiếp đó, dự án cũng phải kết nối với gần 100 dự án khu nhà ở, khu đô thị khác cùng với hệ thống thoát nước hiện hữu ở các làng xóm trong khu vực”, Giám đốc Sở Xây dựng nêu.

Về dự án thu gom và xây dựng nhà máy xử lý nước thải Tây sông Nhuệ với toàn bộ diện tích hơn 3.000 ha với tổng mức đầu tư là 2.900 tỷ đồng. Dự án này nhiều tuyến đường chưa được đầu tư theo quy hoạch cho nên việc xây dựng nhà máy cần phải được rà soát. Sở Xây dựng đã trình Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc này.

Dự án công viên Đống Đa tiếp tục kéo dài

Đại biểu Phạm Thị Thanh Hương (huyện Ứng Hòa) cho biết đã nhiều lần đặt vấn đề về dự án Công viên Đống Đa, đại biểu đề nghị Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho biết tình hình, kết quả nội dung cam kết trước cử tri Thủ đô.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh nhìn nhận, việc thực hiện dự án đã kéo dài khá lâu và cho rằng, cần xác định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị. Sở là đơn vị tham mưu và trình UBND thành phố phê duyệt; UBND quận Đống Đa là đơn vị chủ đầu tư, tổ chức lập quy hoạch.

"Chúng tôi phụ thuộc vào công tác trình lập quy hoạch của quận Đống Đa. Sở đã 4 lần gửi văn bản đôn đốc quận về công tác này, tuy nhiên quận cũng đang gặp khó khăn trong việc lập quy hoạch dự án", ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết.

Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Nguyễn Trọng Kỳ Anh trả lời  chất vấn.


Theo Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, quận đề xuất Sở báo cáo UBND thành phố sẽ trình trong tháng 4/2024. Sau 15-20 ngày trình lập quy hoạch, Sở Quy hoạch - Kiến trúc sẽ hoàn thành phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết dự án này.

Còn Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định cho biết, quận đã rà soát hiện trạng, lập hồ sơ báo cáo Sở Quy hoạch - Kiến trúc. Do chưa có hướng dẫn bố trí nguồn kinh phí lập quy hoạch nên quận dùng nguồn kinh phí từ ngân sách để thực hiện, tuy nhiên chỉ khi có hướng dẫn thì quận mới có thể thực hiện được. Sau khi có hướng dẫn cụ thể thì đến tháng 4/2024, sẽ trình phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết dự án Công viên Đống Đa.

Cam kết khởi công nhà máy xử lý chất thải rắn Núi Thoong công suất 450 tấn trong năm 2023

Chất vấn kết quả xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Núi Thoong (huyện Chương Mỹ), đại biểu Trịnh Xuân Quang đề nghị UBND Thành phố cho biết các kết quả thực hiện cam kết này thế nào để đáp ứng nhu cầu xử lý rác thải trên địa bàn.

Về nội dung này, trả lời chất vấn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, đối với Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Núi Thoong, dự án hiện tại đã được duyệt 450 tấn/ngày. Doanh nghiệp đang triển khai để làm hoàn chỉnh các thủ tục để khởi công dự án giai đoạn 1 là 450 tấn vào cuối năm 2023 và sẽ chỉnh quy hoạch để dự án này nâng lên công suất 2.000 tấn/ngày/đêm mới đảm bảo được tiêu chuẩn về định mức kinh tế kỹ thuật để phát điện.

Trong quá trình điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô trong thời gian tới sẽ điều chỉnh lại quy hoạch. Trong quá trình được duyệt sẽ điều chỉnh lại dự án và cam kết thực hiện trong năm 2023 để khởi công với công suất 450 tấn.

Tập trung rà soát toàn bộ định mức, đơn giá

Cũng tại phiên chất vấn sáng nay, đại biểu Vũ Ngọc Anh (quận Bắc Từ Liêm) nêu câu hỏi tới Giám đốc Sở Tài chính về kết quả thực hiện cam kết hoàn thành công tác rà soát, xây dựng các định mức đơn giá lĩnh vực rác thải, nước tải, vận tải hành khách công cộng... trên địa bàn thành phố.

Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu cho biết, kết quả rà soát đến tháng 11/2023, thành phố đã ban hành được 58 định mức, 36 đơn giá. Trong 224 định mức chưa được ban hành, có 30 định mức thuộc trách nhiệm của Trung ương, 124 định mức thuộc trách nhiệm của thành phố; trong 252 đơn giá chưa được ban hành có 30 đơn giá thuộc trách nhiệm của Trung ương và 222 đơn giá thuộc trách nhiệm của địa phương.

Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu trả lời chất vấn. 


Sau rà soát, Sở Tài chính đã cùng với các sở chuyên ngành tham mưu UBND thành phố lần đầu tiên ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch xây dựng định mức, đơn giá. Theo đó, lộ trình trong năm 2023 sẽ xây dựng xong 54 định mức, 29 đơn giá; năm 2024 xây dựng xong 133 định mức, 186 đơn giá. 7 định mức và 7 đơn giá còn lại sẽ được xây dựng vào đầu năm 2025.

“Sau khi có định mức thì sở chuyên ngành xây dựng đơn giá, phối hợp Sở Tài chính thẩm định để trình cấp có thẩm quyền ban hành. Sở Tài chính đang tập trung rất cao nhằm bảo đảm thực hiện đúng quy trình, đúng tiến độ và đạt hiệu quả cao nhất”, Giám đốc Sở Tài chính khẳng định.

Về định mức các lĩnh vực trọng tâm được đại biểu chất vấn, Giám đốc Sở Tài chính cũng nêu, sau khi được chỉ đạo của thành phố, Sở Tài chính cùng các sở chuyên ngành tập trung ban hành định mức tạm thời khối giáo dục; đã trình UBND thành phố và xem xét ký trong năm 2023.

Về đơn giá nước thải, trước đây tính bằng tỷ lệ % với nước sinh hoạt, hiện được xây dựng giá riêng và sau này sẽ thu hồi. Về lĩnh vực vận tải công cộng, hiện Sở Giao thông Vận tải đã thí điểm nội dung liên quan đến vé liên thông.

Về giá đấu thầu kỳ mới cho việc thu gom, vận chuyển rác thải, UBND thành phố đã phê duyệt để tạo cơ hội cho các quận, huyện tổ chức đấu thầu giai đoạn 2024-2026.

Các đại biểu đã chất vấn  nhiều vấn đề "nóng" liên quan đến an sinh xã hội.


“Như vậy, trong bốn lĩnh vực này, về cơ bản đã hoàn trong năm 2023, còn nội dung vận tải hành khách công cộng thì tiếp tục triển khai sớm”, ông Nguyễn Xuân Lưu khẳng định.

 Kết luận về nội dung này, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, vẫn còn một số nội dung, lĩnh vực, nhiệm vụ, dự án, công trình, cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, tiến độ thực hiện còn chậm, chưa hoàn thành theo tiến độ cam kết, chưa được giải quyết dứt điểm. Vì vậy, UBND Thành phố cần khẩn trương rà soát các nội dung nghị quyết chất vấn, các cam kết, lời hứa của UBND Thành phố và các cơ quan với HĐND Thành phố. Đánh giá rõ chất lượng, hiệu quả, tiến độ thực hiện, từ đó tập trung chỉ đạo, có những giải pháp quyết liệt hơn nữa trong tổ chức thực hiện.

Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội đặc biệt nhấn mạnh về tăng cường kỷ luật, kỷ cương, thường xuyên đôn đốc tiến độ thực hiện. Trong đó, cố gắng những nội dung đã tái chất vấn như: dự án Nhà máy rác thải Núi Thoong; dự án 148 Giảng Võ; dự án tại 31,33,35 Lý Thường Kiệt… đề nghị UBND, các sở ngành liên quan không nên để kỳ sau lại tái chất vấn./.. 





.

Thu Hà