Qua những tuyến phố trung tâm, nhiều du khách tới Hà Nội không khỏi thích thú trước vẻ đẹp của những toà nhà mang kiến trúc cổ điển Pháp. Dù đã trải qua gần trăm năm, những công trình đó dường như vẫn không phôi phai nét kiến trúc độc đáo của mình, dù cho thời gian có làm biến đổi đôi chút những nét hoa văn trang trí tinh tế trên mỗi khung cửa, hay trên những mái nhà cổ kính. Những công sở, nhà hát, trường học tới những ngôi biệt thự… hoà quyện tạo nên kiến trúc tráng lệ một trời Âu giữa lòng Hà Nội.
Gần một thế kỷ ở Việt Nam, thực dân Pháp ấp ủ giấc mơ xây dựng Hà Nội là đô thị hành chính kiểu Pháp ở Đông Dương. Họ đã xây dựng nhiều công trình mang đặc trưng kiến trúc Pháp. Trải qua các thời kỳ lịch sử, các công trình Pháp xây dựng tại Hà Nội phần lớn vẫn đang được sử dụng và tạo một điểm nhấn trong kiến trúc đô thị, có giá trị cả về phương diện văn hóa, lịch sử, kiến trúc… đồng thời góp phần tạo nên diện mạo riêng của Hà Nội, vừa cổ kính vừa hiện đại…
Ngày nay, Hà Nội còn lưu giữ nhiều công trình kiến trúc do người Pháp xây dựng, trong số đó có Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, trên phố Tôn Đản, quận Hoàn Kiếm, trước đây là Bảo tàng Louis Finot thuộc trường Viễn Đông Bác cổ Pháp. Công trình được xây dựng vào năm 1926, hoàn thành vào năm 1932, thiết kế bởi các kiến trúc sư C.Batteur và E.Hébrard. Công trình được xây dựng kế thừa phong cách Bảo tàng Louis Finot. Đây là một đại diện tiêu biểu cho phong cách kiến trúc Đông Dương.
Một công trình khác là Đại học Khoa học Tự nhiên còn gọi là trường đại học Tổng hợp - là cơ sở của trường Đại học Đông Dương xưa. Công trình có phong cách kiến trúc Pháp tân cổ điển. Trong cuốn Indochine du Nord của tác giả Madrolle xuất bản năm 1923 có giới thiệu về Université Indochinoise - Đại học Đông Dương cho biết đây là cơ sở giáo dục đại học duy nhất ở khu vực Đông Dương cho đến năm 1945. Đại học Đông Dương được Toàn quyền Paul Beau ký quyết định thành lập năm 1906.
Ngoài ra còn nhiều công trình kiến trúc phong cách cổ điển khác, giúp diện mạo Thủ đô thêm phong phú, đa dạng; đồng thời nhắc nhở chúng ta về một thời kỳ Hà Nội bị đô hộ dưới ách thực dân Pháp, nhưng cũng tiếp thu được nhiều tinh hoa văn hóa tiến bộ trên thế giới.
DÒNG CHẢY LỊCH SỬ TRONG NHỮNG CÔNG TRÌNH KIẾN TRÚC ĐÔNG DƯƠNG
Người đặt nền móng phong cách thiết kế Đông Dương đầu tiên tại Việt Nam là kiến trúc sư Ernest Hebrard. Phong cách kiến trúc Đông Dương (Indochine) là sự kết hợp giữa phong cách Việt Nam và kiến trúc cổ điển Pháp. Ông đã tạo nên dấu ấn vàng son trong phong cách thiết kế nổi bật ở thời kỳ đó. Các công trình do Ernest Hebrard thiết kế còn lưu giữ nhiều tại Hà Nội, Huế, Đà Lạt và Sài Gòn. Các công trình văn hóa, biệt thự, trường học, nhà ở là minh chứng sống động về lối sống của người Việt Nam trong xã hội cũ.
Nhà hát lớn Hà Nội công trình tiêu biểu gắn với lịch sử, văn hoá, kiến trúc và mỹ thuật Thủ đô. Nhà hát do người Pháp xây dựng và hoàn thành vào năm 1911, làm nơi biểu diễn các loại hình nghệ thuật cố điển như Opera, nhạc thính phòng, kịch nói. Ngày 17/8/1945 tại quảng trường Nhà hát đã diễn ra cuộc mít tinh ủng hộ mặt trận Việt Minh; đây cũng là nơi đã phiên họp đầu tiên của Quốc hội khóa I, vào ngày 2/3/1946... Tới đây, ngày 9/12/2021, Nhà hát Lớn sẽ kỷ niệm 110 năm ngày thành lập và đón nhận bằng Di tích kiến trúc và lịch sử đặc biệt cấp Quốc gia. Nhà hát Lớn Hà Nội gắn liền với Cách mạng tháng Tám 1945 và những năm đầu thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nơi từng là chi nhánh Ngân hàng Đông Dương (Banque de l'Indochine) thành lập ngày 21/1/1875 ở Paris (Pháp). Toà nhà thiết kế theo phong cách Art Deco điển hình, nằm ở cuối vườn hoa Lý Thái Tổ hiện nay. Các họa tiết hình hoa văn chữ triện, hình bát giác theo phong cách Á Đông sử dụng trang trí mặt tiền tòa nhà tạo nên sự giao thoa thú vị trong kiến trúc Á – Âu.
Cầu Long Biên xây dựng năm 1898 đến 1902, đặt tên là cầu Doumer, theo tên của Toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ. Hơn 100 năm qua cây cầu vẫn đang là một chứng nhân lịch sử chứng kiến những giai đoạn thăng trầm của lịch sử Hà Nội ở thời kỳ cận đại, nơi những người Hà Nội đi sơ tán qua cây cầu Long Biên, để lại sau lưng thành phố vắng lặng. Hay thời khắc lịch sử khi những người lính thực dân Pháp cuối cùng rút khỏi cầu Long Biên vào ngày 10-10-1954… Mỗi nhịp cầu xưa vẫn giúp mỗi người Hà Nội hôm nay được ôn lại bản anh hùng ca về một Thủ đô hào hùng, kiêu hãnh.
Một góc cầu Long Biên hôm nay.
Giáo sư Phan Huy Lê từng khẳng định về bản sắc Hà Nội: Thủ đô Hà Nội trước hết là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, tiếp theo là một trung tâm phát triển về kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật, một trung tâm giao lưu quốc tế, nhưng trong đó trung tâm văn hóa là nét đặc trưng và tiêu biểu nhất. Hà Nội và mỗi người dân sống trên đất Hà Nội có quyền tự hào chính đáng về kho tàng di sản phong phú, đa dạng mà lịch sử cùng các thế hệ cư dân đã từng cư trú trên không gian này sáng tạo nên trong lao động và chiến đấu.
Từ nền tảng di sản văn hóa truyền thống, Hà Nội hôm nay chuyển mình mạnh mẽ, ra đời các các khu đô thị hiện đại mới, xây dựng hệ thống giao thông đô thị hiện đại… Thành phố mở thêm các quận mới như Tây Hồ, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Long Biên. Các khu phố mới, khu đô thị mới như Linh Đàm, Định Công, Nam Trung Yên, Trung Hòa - Nhân Chính, Nam Thăng Long… Nhiều tuyến đường mới được mở rộng vài chục mét với kết cấu kỹ thuật đồng bộ như đường Liễu Giai, La Thành, Láng Hạ, Đại Cồ Việt, Trần Khát Chân, Kim Mã…
Quảng trường Ba Đình, trên đường Hùng Vương – nơi hồn thiêng của Thủ đô, địa danh lưu dấu nhiều sự kiện trọng đại của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt vào ngày 2/9/1945, tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Trên cơ sở kế thừa các giá trị truyền thống, Hà Nội tổ chức, khai thác các không gian văn hóa cộng đồng phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và các khu phụ cận, phố Bích họa Phùng Hưng, phố Sách Hà Nội… Tất cả những không gian văn hóa mới gắn kết văn hóa truyền thống tạo nên những sắc màu văn hoá đa dạng, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản, tạo các sản phẩm du lịch đặc sắc của Hà Nội.
Trong đời sống văn hoá, thành phố xây dựng nhiều mô hình văn hóa, các phong trào văn hóa để nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Nhiều nơi thực hiện các tổ dân phố văn hóa, gia đình văn hóa, phong trào làm sạch ngõ xóm, hình thành con đường bích họa, con đường nở hoa... tạo dựng hình ảnh hấp dẫn mới cho diện mạo đô thị Hà Nội.
Tất cả các nỗ lực cùng tạo nên một thành phố trẻ trung, giàu sức sống, để Hà Nội xứng đáng là một trung tâm về kinh tế, văn hóa, khoa học và giáo dục có vị trí hàng đầu cả nước. Chính quyền và nhân dân Hà Nội đang ra sức xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng phát triển, văn minh, hiện đại xứng đáng là Thủ đô hòa bình, Thủ đô “Ngàn năm văn hiến”.
Trong hành trình dài kết nối, kiến tạo, Hà Nội đang là địa phương đầu tiên của Việt Nam trở thành thành viên mạng lưới các “Thành phố sáng tạo” của UNESCO - một động lực quan trọng để xây dựng một đô thị sáng tạo, năng động và bền vững, nâng cao vị thế của Thủ đô Hà Nội.