Quang cảnh hội nghị.
Chiều 11/10, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố (TP) Hà Nội tổ chức Hội nghị thống nhất nội dung kỳ họp thường lệ cuối năm 2022 của HĐND TP khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026.
Dự hội nghị có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn.
Dự kiến, kỳ họp được tổ chức từ ngày 5-9/12/2022 với 42 nội dung gồm: Xem xét các báo cáo thường lệ và báo cáo chuyên đề; xem xét các tờ trình, dự thảo nghị quyết thường lệ và chuyên đề.
Các báo cáo thường lệ gồm: Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng năm 2022 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng năm 2023 của TP Hà Nội; Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách của TP Hà Nội năm 2022 - dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp TP Hà Nội năm 2023; Báo cáo tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 của TP Hà Nội; Báo cáo hoạt động của HĐND TP năm 2022, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023…
Hai báo cáo chuyên đề, gồm: Báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2022, kế hoạch đầu tư công năm 2023 và một số nội dung hoàn thiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 của TP Hà Nội; Báo cáo Kế hoạch tài chính, ngân sách 3 năm 2023-2025 của TP Hà Nội.
Dự kiến, HĐND TP Hà Nội xem xét các tờ trình, dự thảo nghị quyết thường lệ, như: Về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của TP năm 2023; về dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp TP năm 2023; về phê chuẩn tổng quyết toán ngân sách nhà nước của TP năm 2021; về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp TP năm 2023; về danh mục các dự án thu hồi đất; dự án chuyển mục đích đất trồng lúa năm 2023 của TP…
Ngoài ra, HĐND TP cũng xem xét các tờ trình, dự thảo nghị quyết chuyên đề. Trong đó 5 nghị quyết chuyên đề không là nghị quyết quy phạm pháp luật: Phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của TP; kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) TP Hà Nội; quy định về đối tượng vay vốn nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội; về việc thành lập, đặt tên và đổi tên thôn, tổ dân phố trên địa bàn TP năm 2022; về phát triển thanh niên TP giai đoạn 2021-2030.
Cùng với đó là xem xét các nghị quyết chuyên đề là nghị quyết quy phạm pháp luật, như: Quy định cơ chế huy động và sử dụng các nguồn lực của địa phương thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn TP; quy định về một số chính sách đặc thù khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn TP; quy định về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách của TP - định mức phân bổ ngân sách của TP giai đoạn 2023-2025; về xây dựng chính sách đãi ngộ nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể TP; quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ người có công với cách mạng và thân nhân người có công trên địa bàn Hà Nội….
Ngoài các nội dung trên, các Ban HĐND TP đề nghị UBND TP chỉ đạo các sở, ngành TP rà soát, xem xét đối với 5 nội dung khác để trình tại kỳ họp cuối năm 2022 và các kỳ họp tiếp theo. Cụ thể: Báo cáo của UBND TP về kết quả thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-HĐND ngày 8-4-2022 của HĐND TP về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn TP Hà Nội; Báo cáo của UBND TP về Đề án quản lý, sử dụng tài sản công của TP; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐND ngày 7-7-2020 của HĐND TP quy định một số nội dung và mức chi thuộc thẩm quyền HĐND TP về lĩnh vực thi đua, khen thưởng; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 04/2016/NQ-HĐND ngày 1-8-2016 của HĐND TP quy định một số chế độ, mức chi phục vụ hoạt động của HĐND các cấp TP Hà Nội; Nghị quyết về phí, lệ phí…
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương bày tỏ đồng tình với những nội dung đã chuẩn bị cho kỳ họp, đồng thời đề nghị UBND TP chuẩn bị tốt báo cáo trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri và báo cáo kinh tế - xã hội. Trong đó, với báo cáo trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri, cần kỹ về tiến độ trả lời, trách nhiệm xử lý kiến nghị của cử tri.
Đối với nhóm nghị quyết chuyên đề quy phạm pháp luật, đồng chí Nguyễn Lan Hương đề nghị các sở, ngành chuẩn bị bảo đảm đúng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. MTTQ Việt Nam TP sẽ phối hợp tổ chức phản biện xã hội về: Chính sách đặc thù về phát triển nông nghiệp, nông thôn; diện tích ở bình quân để đăng ký thường trú; mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá; đề nghị các đơn vị làm báo cáo phối hợp chặt chẽ và bố trí thời gian, thành phần tham dự theo đúng quy chế phối hợp.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đánh giá, hội nghị đã thống nhất cao các nội dung của kỳ họp thường lệ cuối năm 2022 của HĐND TP Hà Nội khóa XVI. Để kỳ họp thành công, đồng chí Trần Sỹ Thanh đề nghị Văn phòng UBND TP phân công, đôn đốc các sở, ngành chủ trì báo cáo HĐND những nội dung được phân công; lãnh đạo UBND TP và các sở, ngành tăng cường tham gia các hội nghị phản biện xã hội do Ủy ban MTTQ Việt Nam TP tổ chức.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn hoan nghênh các Ban HĐND thành phố đã rà soát các nội dung chuẩn bị kỳ họp rất trách nhiệm. Đồng chí cũng yêu cầu các sở, ngành rà soát kỹ 42 nội dung; tham dự các buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp cuối năm 2022 của HĐND TP; các tài liệu của UBND TP trình tại kỳ họp cần được gửi sớm để các Ban HĐND TP thẩm tra. Đặc biệt, các nội dung liên quan phản biện xã hội, UBND TP cần gửi tài liệu sớm để công tác phản biện xã hội đạt chất lượng.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh: Kỳ họp cuối năm dự kiến tổ chức từ ngày 5-9/12/2022 với 42 nội dung, trong đó có 1 ngày chất vấn và trả lời chất vấn. Do đó, đề nghị các cơ quan của UBND TP lưu ý việc thực hiện các cam kết tại các phiên chất vấn ở kỳ họp trước, nhằm bảo đảm cho phiên chất vấn hiệu quả./.