Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương chủ trì hội nghị.


Ngày 17/7, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức "Hội nghị Lấy ý kiến góp ý hồ sơ dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)". Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương chủ trì hội nghị.

Cấp thiết có Luật Thủ đô (sửa đổi)

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 6 chương, 59 điều; tăng 2 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô năm 2012. Nội dung dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này bám sát 9 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Chính phủ thông qua để quy phạm hóa thành các cơ chế, chính sách cụ thể, mang tính đặc thù vượt trội phục vụ cho sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô của cả nước. Các nội dung này được cụ thể hóa tại các điều từ chương II đến chương V.

Góp ý về hồ sơ dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, việc sửa đổi Luật Thủ đô trong tình hình hiện nay là rất cần thiết để tạo hành lang pháp lý thống nhất nhằm thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với cơ chế đặc thù của Thủ đô. Bởi qua 10 năm thực hiện Luật Thủ đô đã bộc lộ một số tồn tại, nhất là về cơ chế đặc thù, đã không phù hợp so với một số Luật mới ban hành.

Các đại biểu nhấn mạnh, Luật Thủ đô (sửa đổi) phải giúp Hà Nội giải quyết được những hạn chế, bất cập hiện nay, trước hết là cơ chế, chính sách, tài chính để đầu tư phát triển hạ tầng, xử lý ô nhiễm môi trường, di dời các cơ sở y tế, giáo dục của nội đô…

Theo Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Nguyễn Hồng Tuyến, Dự thảo Luật có 6 Chương, 54 Điều, được Ban soạn thảo xây dựng công phu đã thể chế hóa đầy đủ 9 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Chính phủ thông qua; quy định hóa chi tiết việc phân cấp, phân quyền cho Hà Nội. Dự thảo cũng kế thừa một số quy định còn phù hợp của Luật Thủ đô 2013; Luật hóa một số quy định trong các nghị định của Chính phủ được thực tế chứng minh phù hợp sự phát triển của Thủ đô giai đoạn mới.

Đặc biệt, các chuyên gia nhận định, Tổng thể Luật Thủ đô (sửa đổi) có bố cục, kết cấu hợp lý, logic. Luật đã tăng thêm 2 chương và 32 điều. Trong đó, có nhiều điều luật quan trọng về tổ chức bộ máy, nhân sự, có cơ chế đặc thù thu hút nhân tài và những đặc thù về nguồn tài chính, về các chính sách hỗ trợ đối với các lĩnh vực quản lý đô thị, xây dựng và nhà ở, phát triển nông nghiệp nông thôn… khá toàn diện.

Hội nghị nhận được nhiều ý kiến chất lượng, tâm huyết góp ý vào dự thảo. 


Dự thảo Luật đã tính tới yếu tố đặc thù cho Thủ đô như Điều 3, khoản 1 về “Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát”; Điều 4 về “Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Thủ đô và Luật, nghị quyết khác của Quốc hội về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của Luật Thủ đô…”, “Trường hợp luật, nghị quyết khác nhau của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực có quy định cơ chế chính sách thuận lợi hơn cho xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô thì việc áp dụng do HĐND TP Hà Nội quyết định”...

Giáo dục Hà Nội cần cơ chế vượt trội hơn

Nhấn mạnh, chính sách thu hút, trọng dụng và phát triển nguồn nhân lực là một chính sách đúng đắn, cần thiết mà Hà Nội đã thực hiện nhiều năm qua nhưng chưa có hiệu quả, ông Phạm Ngọc Thảo, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ pháp luật đề nghị, bổ sung một số nội dung trong Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm quy định sự ràng buộc giữa quyền và trách nhiệm cá nhân người lãnh đạo. Từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm trong tuyển dụng nhân tài; Tránh việc lạm dụng chức quyền để tuyển dụng sai quy định và vụ lợi.

Dưới góc nhìn của mình, PGS. TS Bùi Thị An, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn kinh tế, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đề nghị dự luật cần bổ sung cho Hà Nội cơ chế riêng về bổ nhiệm, cho thôi chức đối với cán bộ chủ chốt là lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc TP Hà Nội. Trong đó, cơ chế bổ nhiệm này cần có sự đột phá, quy trình bổ nhiệm phải nhanh. “Kể cả người không nằm trong quy hoạch nhưng xét thấy có tài năng thì được cho lên đảm nhận trọng trách lãnh đạo đơn vị chứ không cần phải đợi quy trình”, PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh.

Tương tự, về cơ chế cho thôi chức cán bộ, PGS.TS Bùi Thị An cũng đề nghị cho Hà Nội được chủ động xử lý đối với cán bộ né tránh, ngại làm, không muốn làm, không vì dân… mà không cần đợi quy trình xử lý như hiện hành.

PGS. TS Bùi Thị An kiến nghị: “Giáo dục đào tạo của Thủ đô nhất định phải có sự vượt trội, khác hoàn toàn các địa phương khác..." 


Ngoài ra, PGS TS Bùi Thị An cho rằng, các điều luật tuy toàn diện nhưng thiếu ràng buộc về mặt quan hệ khăng khít với nhau giữa các lĩnh vực, như sự mâu thuẫn giữa dân số cơ học và hạ tầng xã hội (giáo dục, y tế, nhà ở, giao thông, môi trường…) nhưng chưa có cơ chế đặc thù, nên chưa giải quyết triệt để các vấn đề bức xúc hiện nay.

Chẳng hạn về giáo dục Thủ đô, PGS. TS Bùi Thị An kiến nghị: “Giáo dục đào tạo của Thủ đô nhất định phải có sự vượt trội, khác hoàn toàn các địa phương khác, nên cần thiết có được cơ chế riêng, vượt trội hơn nữa. Đồng thời, cần quy định dứt khoát không cho xây dựng các nhà cao tầng nếu chưa đảm bảo về hạ tầng xã hội, trong đó có trường học”.

Còn theo PGS.TS Ngô Hữu Thảo - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Tôn giáo, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần chú trọng yếu tố “nguồn lực phát triển Hà Nội”, “nguồn lực tài chính ngân sách”, không nên chỉ ghi “một bộ phận của nguồn lực phát triển”.

Ông Thảo nhấn mạnh, nguồn lực đó là ưu thế của Thủ đô, hơn mọi địa phương khác và cần được phát huy từ Luật Thủ đô (sửa đổi). Đó là, nguồn nhân lực có chất lượng cao là những người lao động thuộc giai cấp công nhân, nông dân, tư sản và đặc biệt là giai tầng trí thức, sống và làm việc tại Thủ đô. Đây thật sự là nguồn nhân lực lớn lao, quý giá cần được Luật Thủ đô (sửa đổi) quan tâm phát huy trong sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô...

“Nguồn nhân lực có chất lượng cao sống và làm việc tại Thủ đô thật sự là nguồn nhân lực lớn, quý giá, cần được Luật quan tâm phát huy trong sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô. Cùng đó, các nguồn lực là hệ thống trường đại học, cao đẳng, dạy nghề công - tư tại Hà Nội cũng cũng nhiều nhất cả nước, với hàng loạt cán bộ giảng dạy, sinh viên, sở hữu và quản trị một khối tài sản trí thức lớn, đặc thù, nên được Luật Thủ đô sửa đổi quan tâm, phát huy”- PGS.TS Ngô Hữu Thảo bày tỏ./.

Thu Hà