Tham gia đoàn có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành và quận Hoàn Kiếm.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng dâng hương tưởng niệm đồng chí Trần Phú.
Thành kính dâng hương tưởng niệm Tổng Bí thư Trần Phú, các đồng chí lãnh đạo Thành ủy Hà Nội nguyện đem hết sức mình lãnh đạo, chỉ đạo Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô phát huy truyền thống đoàn kết, anh hùng, chung sức, chung lòng quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố Hà Nội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội ngày càng văn hiến, văn minh, hiện đại; thực sự xứng đáng là trái tim của cả nước, trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục và giao dịch quốc tế.
Đồng chí Trần Phú sinh ngày 1/5/1904 (ở xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) - là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cộng sản kiên cường, mẫu mực, người con ưu tú của Đảng và dân tộc. Mặc dù mồ côi từ khi còn nhỏ, nhưng với khí chất đặc biệt, đồng chí đã không ngừng phấn đấu vượt khó vươn lên, sớm giác ngộ và bộc lộ phẩm chất lãnh đạo cách mạng.
Tháng 10/1930, tại Hội nghị Trung ương Đảng, đồng chí đã được bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng. Trên cương vị quan trọng này, đồng chí Trần Phú đã có những đóng góp to lớn trong việc xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Trong đó, Luận cương Chính trị do đồng chí dự thảo và được thông qua là văn kiện quan trọng của Đảng, đã vận dụng những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa cùng những luận điểm cơ bản trong Chính cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo.
Các đồng chí Thường trực Thành ủy Hà Nội tại lễ dâng hương tưởng niệm đồng chí Trần Phú.
Ngôi nhà số 90 phố Thợ Nhuộm (quận Hoàn Kiếm) là một trong những cơ sở bí mật của cơ quan Trung ương lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam từ tháng 2/1930 đến tháng 10/1930. Tại đây, đồng chí Trần Phú đã viết dự thảo Luận cương Chính trị... Di tích nhà số 90 phố Thợ Nhuộm đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Đồng chí Trần Phú hy sinh ngày 6/9/1931 (tức ngày 24 tháng Bảy năm Tân Mùi) tại Phòng biệt giam A3, nhà thương chợ Quán, Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh).
Nhân dịp này, các đồng chí lãnh đạo Thành ủy Hà Nội đã trồng cây lưu niệm tại Di tích nhà số 90 phố Thợ Nhuộm./.