Đại biểu Vũ Ngọc Anh nêu câu hỏi tái chất vấn.
Tiến hành tái chất vấn việc thực hiện các cam kết, lời hứa của các thành viên UBND TP Hà Nội và lãnh đạo các cơ quan liên quan về một số nội dung, vấn đề đến hạn giải quyết nhưng thực hiện còn chậm, chưa hiệu quả, đại biểu Vũ Ngọc Anh (Tổ đại biểu quận Bắc Từ Liêm) đề nghị Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) làm rõ nguyên nhân vì sao và đơn vị nào phải chịu trách nhiệm đối với các nhóm dự án chậm phê duyệt chủ trương đầu tư, trong đó có 8 dự án thoát nước, thu gom xử lý nước thải chưa được phê duyệt?
Trả lời chất vấn, Giám đốc KH&ĐT Lê Anh Quân cho biết, đối với 60 dự án chưa phê duyệt chủ trương đầu tư và 134 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng chưa phê duyệt dự án, tất cả nằm trong kế hoạch 5 năm và đã rà soát điều chỉnh đưa vào đầu tư công mà HĐND TP đã thông qua.
Cụ thể, đối với 60 dự án chưa phê duyệt chủ trương đầu tư, tại phiên họp ngày hôm qua đã trình thêm 6 dự án và đến nay còn 54 dự án. Theo chỉ đạo Thành uỷ, thành phố. Sở sẽ đôn đốc và yêu cầu các dự án này trình HĐND vào kỳ họp cuối năm 2023.
Đối với 134 dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng chưa phê duyệt dự án, Sở đã tham mưu với thành phố chia các dự án lập chủ đầu tư theo các quận/huyện, sở, chuyên ngành. Đồng thời đã báo cáo Thành phố và có biểu riêng gửi từng đơn vị. Trong các kỳ giao ban thành phố, Sở đã tham mưu Chủ tịch UBND TP giao ban với các chủ đầu tư và Sở chuyên ngành có trách nhiệm thẩm định các dự án này. Từ đó, chỉ ra các dự án chậm, muộn để báo cáo thành phố xem xét đôn đốc trong quá trình thực hiện.
Về 8 dự án thu gom xử lý nước thải, Giám đốc Sở KH&ĐT Lê Anh Quân cho biết, trong quá tình rà soát đầu tư công đã làm việc với Sở Xây dựng, cam kết sẽ trình vào kỳ họp tháng 9 HĐND TP. Nguyên nhân do tính chất dự án và kế hoạch thoát nước có nhiều thay đổi nên ảnh hưởng đến quá trình trình chủ trương đầu tư.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân trả lời chất vấn.
Làm rõ thêm, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, hiện tại, Hà Nội có 8 dự án thoát nước, xử lí nước thải, trong đó có 5 dự án nhóm B và 3 dự án nhóm A. 4 trong số 5 dự án nhóm B đã được trình thẩm định, còn lại dự án Trạm bơm Gia Thượng cần chờ quận Long Biên điều chỉnh vị trí trạm bơm, sau đó sẽ trình ngay đề xuất chủ trương.
Đối với 3 dự án nhóm A, bao gồm Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, Nhà máy xử lý nước thải Tây sông Nhuệ, và Dự án thoát nước và cải thiện môi trương Long Biên - Gia Lâm, là 3 dự án lớn, do đó cần rà soát kỹ khi lập đề xuất chủ trương để đảm bảo báo cáo tiền khả thi và báo cáo khả thi đồng bộ, tránh tình trạng điều chỉnh nhiều lần. Sau khi hoàn thiện, Sở Xây dựng sẽ trình Sở KH&ĐT vào tháng 9 để trình HĐND vào kỳ họp cuối năm.
Cũng liên quan đến việc giải ngân vấn đề đầu tư công, đại biểu Đoàn Việt Cường cho biết, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch khắc phục hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện và giải ngân đầu tư công, đồng thời cũng ban hành các kế hoạch giải ngân đầu tư công từng quý, chỉ đạo đẩy mạnh kế hoạch giải ngân đầu tư công của từng đơn vị, từng dự án. Mặc dù vậy, đến nay việc giải ngân chậm, vướng mắc ở đây ngoài công tác giải phóng mặt bằng, qua theo dõi các dự án đầu tư công, một số chủ đầu tư có báo cáo liên quan việc khảo sát chưa kỹ, dẫn đến bổ sung khối lượng, đội vốn. Đại biểu đề nghị UBND TP Hà Nội cho biết giải pháp nâng cao chất lượng khảo sát, lập dự án; các dự án không hoàn thành tiến độ, điều chỉnh dự án nhiều lần?
Trả lời chất vấn của đại biểu, Giám đốc Sở KH&ĐT TP Hà Nội Lê Anh Quân cho biết, 6 tháng đầu năm, Sở đã tham mưu cho thành phố có kế hoạch giải ngân theo từng quý, đến từng dự án, đến từng chủ đầu tư. Đã giải ngân được 33,9% kế hoạch đầu tư công, nếu so với trung bình chung của cả nước là cao hơn.
Đối với các dự án phải điều chỉnh nhiều lần, có phát sinh, Giám đốc Sở KH&ĐT TP Hà Nội cho biết, thời gian vừa qua có một số vấn đề về giá cả vật tư, vật liệu biến động, giá cả lạm phát dẫn đến nhiều tổng mức đầu tư phải điều chỉnh, đó là chuyện rất bình thường.
Còn việc chủ đầu tư tiến hành khảo sát, người đứng đầu Sở KH&ĐT nhìn nhận đó là trách nhiệm chính của chủ đầu tư trong quản lý chất lượng. Với những dự án điều chỉnh nhiều lần, đội vốn mà không hiệu quả, ông Quân đề nghị xem xét cho dừng.
Ở một diễn biến khác, đại biểu Trịnh Xuân Quang, tổ đại biểu quận Thanh Xuân chất vấn, dự án cải thiện hệ thống tiêu nước chống ngập khu vực phía Tây Hà Nội, trạm bơm Yên Nghĩa, UBND TP Hà Nội có cam kết đến hết 2022 sẽ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng 100% để đầu năm 2023 sẽ tiếp tục triển khai phần còn lại của dự án; tháng 6/2023 sẽ hoàn thành dự án. Mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng đến nay công tác giải phóng mặt bằng vẫn chưa hoàn thành, dự án chưa được tiếp tục triển khai. Đề nghị UBND quận Hà Đông trả lời về những vấn đề liên quan.
Chủ tịch UBND quận Hà Đông Cấn Thị Việt Hà trả lời chất vấn.
Trả lời câu hỏi này, Chủ tịch UBND quận Hà Đông Cấn Thị Việt Hà cho biết, liên quan đến dự án, diện tích cần giải phóng mặt bằng là 30,7 hécta, tuy nhiên sau rà soát, diện tích là 29,15 hécta. Đến nay, quận Hà Đông đã giải phóng mặt bằng được 28,45 hécta, đạt 97,59%, UBND quận đã bàn giao cho chủ đầu tư 26,32 hécta.
Theo Chủ tịch UBND quận Hà Đông, quá trình triển khai công tác giải phóng mặt bằng cũng gặp khó khăn về cơ chế, chính sách vì dự án trải qua nhiều giai đoạn. Hiện nay cơ chế, chính sách đã được thành phố tháo gỡ, UBND quận Hà Đông đang xây dựng quy trình bổ sung phần giải phóng mặt bằng.
Lãnh đạo UBND quận Hà Đông cho biết, xác định đây là dự án trọng điểm của thành phố, quận Hà Đông cố gắng đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành giải phóng mặt bằng trong năm 2023.
Làm rõ thêm, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền thông tin, đối với Trạm bơm Yên Nghĩa, Thường trực Thành ủy đã xuống tận nơi kiểm tra và chỉ đạo sát sao. Đến nay có rất nhiều chỉ đạo và tháo gỡ xong hết khó khăn. Quận Hà Đông và Sở Xây dựng đang tập trung đẩy nhanh vấn đề tái định cư.
Đối với các công trình ngầm nổi, phấn đấu đến 9/2023 hoàn thiện. Về tiến độ, sau khi thực hiện xong giải phóng mặt bằng thì các đơn vị thi công có mặt bằng đến đâu triển khai đến đó và phấn đấu hoàn thành sớm nhất trong năm 2023.
Cũng tại phiên chất vấn, tình hình triển khai các dự án Nhà máy điện rác Seraphin tại Sơn Tây, Nhà máy xử lý rác thải Núi Thoong, việc cải tạo, nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố ... cũng được các sở, đại diện UBND TP Hà Nội làm rõ./.