Quang cảnh Kỳ họp

 

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị các vị đại biểu HĐND TP nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận, đóng góp ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, chất lượng, để quyết nghị các nội dung theo chương trình kỳ họp.

Bế mạc kỳ họp chuyên đề, 7 vấn đề thuộc 4 nhóm nội dung được đưa ra quyết nghị đều đã được thông qua với sự thống nhất cao của các đại biểu HĐND TP. Các nội dung được thông qua gồm: Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thành phố Hà Nội giai đoạn 2023-2025; Hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp qua ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VNeID) trên địa bàn Thành phố; Ban hành bổ sung danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí Ngân sách nhà nước thuộc phạm vi quản lý của Sở Xây dựng; Việc kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết số 02/2023/NQ-HĐND ngày 4/7/2023 của HĐND TP quy định giá dịch vụ giáo dục tạm thời để thực hiện thí điểm đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông sử dụng ngân sách nhà nước của TP Hà Nội; HĐND TP xem xét về việc phân cấp quản lý, sử dụng tài sản công và quy định thẩm quyền quyết định việc mua sắm hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi quản lý của TP Hà Nội; Điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2024; Phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của TP Hà Nội.

Phát biểu bế mạc Kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, trên cơ sở các báo cáo, tờ trình của UBND TP, báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND TP, các vị đại biểu đã tập trung nghiên cứu, thảo luận và biểu quyết thông qua với tỷ lệ thống nhất cao 08 Nghị quyết để kịp thời quyết định các nội dung, cơ chế, chính sách quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của Thành phố. Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị, ngay sau kỳ họp, UBND TP, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tập trung tổ chức triển khai đảm bảo các Nghị quyết của HĐND TP đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả thiết thực.

Đáng chú ý, đối với Nghị quyết về việc phân cấp quản lý, sử dụng tài sản công và thẩm quyền quyết định mua sắm hàng hóa, dịch vụ, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, đây là nội dung cần thiết và cấp bách nhằm sửa đổi, bổ sung các nội dung còn chưa phù hợp với thực tiễn, tuân thủ theo các quy định mới của Trung ương. Đề nghị UBND TP và các cơ quan liên quan triển khai đảm bảo thực hiện theo đúng quy định pháp luật; tài sản công được đầu tư, trang bị và sử dụng đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí. 
Các đại biểu thông qua nghị quyết tại Kỳ họp.

 

Việc quản lý, sử dụng tài sản công phải được thực hiện công khai, minh bạch; mọi hành vi vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản công phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Qua đó, góp phần đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, đáp ứng yêu cầu trong công tác chỉ đạo, điều hành, phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. 

 
Đối với Kế hoạch đầu tư công năm 2024 của Thành phố: Đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Thành phố. Đề nghị UBND TP tiếp tục tập trung chỉ đạo, tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư công; ưu tiên nguồn lực bố trí cho các dự án có tính khả thi cao, dự án trọng điểm, dự án cấp bách, kịp thời giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc của Thành phố.
 
Tại kỳ họp này, HĐND TP Hà Nội chưa xem xét thông qua Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô như dự kiến. Được biết, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đã có tờ trình gửi UBND TP Hà Nội về Đề án tổng thể xây dựng đường sắt đô thị thủ đô./.
Nhóm PV