Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Xuân Lưu trình bày tờ trình tại hội nghị.


Trình bày tờ trình tại hội nghị, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Xuân Lưu cho biết, đề án là nội dung quan trọng, cấp thiết mà lãnh đạo Thành phố đặc biệt quan tâm để đưa ra các giải pháp cụ thể với từng nhóm tài sản công.

Đề án nghiên cứu thực trạng, đề xuất, kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công thuộc phạm vi quản lý của Hà Nội nhằm hạn chế thất thoát, lãng phí, phát huy tối đa nguồn lực từ tài sản công phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Đề án hệ thống đầy đủ, cơ bản đánh giá thực trạng và đề xuất định hướng, giải pháp để xử lý, khắc phục và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công. Phân định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công.

Theo quy định Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, tài sản cộng là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, bao gồm 7 nhóm: (1) Tài sản cộng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị (nhà, đất, ô tô, tài sản khác); (2) Tài sản cộng tại doanh nghiệp (nhà, đất, ô tô, tài sản khác); (3) Tài sản kết cấu hạ tầng; (4) Tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước; (5) Tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định của pháp luật; (6) Đất đai, tài nguyên; (7) Tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và dự trữ ngoại hối nhà nước.

Giám đốc Sở Tài chính cho biết: Phạm vi Đề án gồm 4 nhóm tài sản công gồm: (1) Nhà; (2) Đất đai; (3) Tài sản kết cấu hạ tầng và (4) Tài sản khác. Trong đó, tập trung đi sâu, phân tích, đánh giá, kiến nghị giải pháp đối với 2 nhóm chủ yếu là quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước của thành phố và đất đai.

UBND TP Hà Nội giao các tổ chức, đơn vị kinh doanh nhà quản lý, khai thác rà soát, thống kê toàn bộ quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước của Thành phố đang giao đơn vị, doanh nghiệp; tổ chức phân loại làm cơ sở đề xuất kế hoạch, lộ trình xử lý, biện pháp khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước.

Kiên quyết thu hồi đối với phần diện tích nhà, đất phải bàn giao về thành phố quản lý (quỹ diện tích tầng 1 nhà chung cư thương mại, quỹ nhà tạm cư...), diện tích nhà, đất vi phạm, sử dụng chưa đúng mục đích để lập phương án giao quản lý, khai thác và xử lý theo quy định.

Trường hợp vi phạm phức tạp, kéo dài nghiên cứu áp dụng biện pháp chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý. Từng bước áp dụng các hình "đấu giá cho thuê" thay cho "cho thuê chỉ định" nhằm đảm bảo tính khách quan, công khai, minh bạch theo hướng thị trường.

Với trụ sở làm việc, công trình sự nghiệp, UBND TP Hà Nội giao cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước trực tiếp quản lý, sử dụng: Xây dựng Đề án tổng thể khai thác tài sản công là nhà, đất tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của Thành phố. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ pháp lý về nhà, đất, khẩn trương hoàn thành rà soát, lập và phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất.

Rà soát, ban hành đầy đủ hệ thống tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích chuyên dùng. Nghiên cứu đẩy nhanh tiến độ rà soát, xây dựng Đề án sử dụng tài sản công là nhà, đất tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết. Trong lĩnh vực đất đai, UBND TP yêu cầu xâỵ dựng đề án tổng thể khai thác nguồn lực đất đai để tạo vốn phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội giai đoạn 2023-2025 và những năm tiếp theo.

Xây dựng Đề án khai thác các quỹ đất phụ cận các dự án giao thông trọng điểm, quỹ đất dự kiến đối ứng cho các Dự án BT nay không đủ điều kiện triển khai theo quy định của Luật Đầu tư để tạo nguồn vốn tái đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đất đai, tập trung tháo gỡ vướng mắc trong khâu tổ chức thực hiện từ quy hoạch, đầu tư, bồi thường, giải phóng mặt bằng, xác định nghĩa vụ tài chính.

Ưu tiên bố trí nguồn vốn thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; đẩy mạnh thu hồi đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tạo quỹ đất "sạch" để đấu giá quyền sử dụng đất. Thường xuyên rà soát, đôn đốc để tiếp nhận quỹ nhà 30% - 50%, quỹ đất 20% - 25% tại các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn phải bàn giao lại cho thành phố theo các Quyết định của UBND Thành phố.

Ngoài ra, khẩn trương đôn đốc công tác di dời đối với những cơ sở nhà, đất gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù họp với quy hoạch. Quỹ đất sau khi di dời được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch theo quy định của Luật Thủ đô.

Thành phố kiên quyết xử lý dứt điểm đối với các dự án có sử dụng đất nhưng chậm thực hiện đầu tư, chậm đưa đất vào sử dụng còn tồn đọng, có nguyên nhân chủ quan; trường hợp cố ý chây ỳ, tiếp tục vi phạm thì kiên quyết thu hồi theo quy định pháp luật. Công khai, minh bạch thông tin đối với dự án chậm tiến độ, chậm triển khai, vi phạm pháp luật bị cưỡng chế, thu hồi, chấm dứt hoạt động để tạo sự đồng thuận, giám sát của người dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện...

Tờ trình của UBND TP cũng chỉ rõ, quan điểm của TP Hà Nội khẳng định, quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của thành phố là trách nhiệm của các cấp, các ngành thuộc thành phố, các chủ thể và cá nhân được giao quản lý, sử dụng tài sản công nhằm thực hiện tốt hơn các quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Tài sản công của thành phố phải được Nhà nước giao quyền quản lý, quyền sử dụng và các hình thức trao quyền khác cho cơ quan, tổ chức, đơn vị và đối tượng khác theo quy định.

Công tác quản lý, sử dụng tài sản công phải được thực hiện công khai, minh bạch. Việc khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công phải tuân theo cơ chế thị trường. Công tác quản lý, sử dụng tài sản công được giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; mọi vi phạm phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Thành phố xác định trong giai đoạn 2022-2025, tài sản công của thành phố đã có Cơ sở dữ liệu tập trung được cập nhật đầy đủ và chính xác theo quy định. 100% tài sản chuyên dùng của thành phố được cấp có thẩm quyền phê duyệt tiêu chuẩn, định mức.

Đẩy nhanh tiến độ rà soát, phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của thành phố, đảm bảo đạt tỷ lệ tối thiểu 90% đối với các cơ sở nhà, đất chưa được phê duyệt mới.

Xử lý, khắc phục dứt điểm các vi phạm, tồn tại trong quản lý, sử dụng quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước của thành phố giao cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp quản lý, khai thác trên cơ sở quy định của Trung ương và thành phố.

Chấm dứt tình trạng sử dụng tài sản công để cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết không đúng quy định. 100% tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết được cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án.

Căn cứ quy định của Chính phủ, các cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng của Thành phố hoàn thành việc rà soát, phân loại 100% tài sản kết cấu hạ tầng hiện có để thực hiện việc quản lý, sử dụng theo quy định. Nghiên cứu phương án khai thác quỹ đất hai bên tuyến đường Vành đai 4 Thủ đô để tạo vốn phát triển hạ tầng giao thông.

Tiếp nhận để quản lý và từng bước sử dụng, khai thác hiệu quả đối với 05 nhóm quỹ đất khai thác giai đoạn 2022-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030.

Giải pháp chung là tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về tài sản công theo hướng rõ ràng, thống nhất, đồng bộ: Tập trung kiến nghị Trung ương tháo gỡ những nội dung còn vướng mắc trên thực tiễn, chưa thống nhất giữa pháp luật về tài sản công và pháp luật liên quan. Tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung quy định của thành phố về tài sản công để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đề ra. Tiếp tục rà soát, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trong công tác quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công theo tinh thần Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ./.

Trung Anh